Tiền trực của nhân viên y tế hiện không đổ đầy bình xăng
Tin Y tế - Ngày đăng : 08:59, 06/12/2022
Tiền trực bèo bọt
Do tính chất khẩn cấp của công tác khám chữa bệnh cứu người nên trong bệnh viện, cơ sở y tế lúc nào cũng cần có y bác sĩ túc trực để kịp thời cứu chữa cho người bệnh.
Thức trắng đêm để hoàn thành ca trực, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bác sĩ Vũ Thị Hoàn - Trưởng Trạm y tế xã Yên Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) chỉ nhận về chế độ là 40.000 đồng.
Bác sĩ Hoàn cho hay, nhân viên y tế công tác ở tuyến xã vất vả bởi khối lượng công việc lớn nhưng nhân lực ít, cơ sở vật chất còn hạn chế dẫn tới việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
"Cả trạm chỉ có 5 người, với số lượng người ít nên lịch trực dày đặc. Nhưng sau một đêm trực mệt mỏi thì chỉ nhận về 40.000 đồng, chưa đủ tiền đổ 1 bình xăng" - bác sĩ Hoàn thở dài.
Bác sĩ L.T.N công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá khẳng định, chế độ phụ cấp, trực ca của nhân viên y tế hiện tại rất thấp.
Tại bệnh viện bác sĩ N đang công tác, tiền trực một ngày một đêm đối với khoa thường là 80.000 đồng, đối với những ca trực cấp cứu thì số tiền nhận được là 145.000 đồng. Ngoài tiền trực các y bác sĩ sẽ nhận được phụ cấp 20.000 - 30.000 đồng tiền ăn/ngày.
"Cơm trong bệnh viện giá không hề rẻ, một suất thường có giá 50.000 đồng. Ăn sáng, trưa, tối thì tiền trực một ngày không đủ. Tôi phải tự nấu cơm rồi mang đi ăn cho tiết kiệm. Sau mỗi buổi trực chỉ được nghỉ nửa ngày hôm sau, công việc vẫn phải hoàn thành hết cho cả ngày mới được nghỉ" - bác sĩ N bộc bạch.
Mong mỏi chế độ đãi ngộ xứng đáng
Bác sĩ T.M công tác tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, một tháng bác sĩ sẽ trực từ 8 - 10 buổi. Bác sĩ trực phải thức trắng đêm để chăm sóc bệnh nhân điều trị, tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu trong đêm… Đặc biệt, những đêm bệnh nhân chuyển nặng thì đó là đêm trắng vì không ngơi nghỉ để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Sau một đêm dài, cả tinh thần và sức khoẻ của bác sĩ đều kiệt quệ.
"Ca trực vất vả như vậy nhưng chế độ tiền trực nhận về 115.000 - 130.000 đồng. Một tháng chỉ nhận về hơn 1.000.000 đồng, đây là con số quá thấp so với công sức đã bỏ ra.
Tiền lương và phụ cấp chỉ đáp ứng được nhu cầu cơ bản của bản thân. Nếu để lo cho con cái đi học, tích góp xây nhà, mua xe thì thực sự không đủ. Hầu như bác sĩ nào cũng phải làm thêm ở ngoài để có thể trang trải cuộc sống” - bác sĩ M chia sẻ.
Với mức độ và cường độ lao động liên tục thì số tiền trực nhận được là quá thấp so với năng lực và công sức bỏ ra. Vị bác sĩ này mong muốn tăng tiền trực lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 để đảm bảo sức khoẻ và khích lệ tinh thần của bác sĩ.
Đồng quan điểm, bác sĩ L.T.N công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho rằng, bên cạnh việc tăng tiền trực, cần tăng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100%.
“Không chỉ tăng phụ cấp ưu đãi nghề với y tế cơ sở, y tế dự phòng mà cần tăng cho những bác sĩ công tác trong ngành y tất cả các tuyến. Bởi họ cũng phải làm việc liên tục, chịu nhiều áp lực, bị đe dọa về sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng” - bác sĩ N bày tỏ.
Ngoài ra tiền lương của y bác sĩ cũng cần được đảm bảo. Thời gian đào tạo của một bác sĩ là 6 năm và thêm 18 tháng thực hành lấy chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, mức lương khởi điểm là 2,34 bằng những ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn, vì vậy nâng lương khởi điểm cho bác sĩ là vấn đề cần thiết.