Không trông chờ thưởng Tết, công nhân chỉ mong được đi làm đầy đủ

Nhịp sống - Ngày đăng : 16:12, 04/12/2022

Hơn 1 tháng trở lại đây, tôi đi làm 3 tuần, nghỉ 1 tuần. Thưởng Tết ai cũng mong, nhưng thời điểm này, tôi không trông chờ nhiều, tôi chỉ hy vọng được đi làm đầy đủ và tăng ca" - chị Nguyễn Thị Kim Ngân  - công nhân ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết.
 
Dịp cuối năm, công nhân chỉ mong được đi làm đầy đủ, tăng ca. Ảnh: Minh Hương.

Trong căn phòng trọ rộng chừng 10m2, chị Ngân loay hoay nấu bữa cơm chiều. Với chị, những ngày phải ngưng việc thật buồn chán.

Từ mức lương 8 triệu đồng/tháng, nay thu nhập của chị chỉ còn khoảng 6 triệu đồng. "Bây giờ mua cái gì cũng đắt đỏ. Cầm 500.000 đồng đi chợ chẳng mua được bao nhiêu" - chị Ngân nói và cho biết thêm, tiền lương không tăng mà còn giảm đi khiến cuộc sống của chị thêm chật vật, thiếu trước hụt sau.

Thời điểm này những năm trước, chị cũng như công nhân khác đều chờ đợi về mức thưởng Tết, nhưng năm nay, không khí có vẻ chùng xuống.

"Chẳng ai hỏi nhau về mức thưởng Tết, mọi người chỉ quan tâm xem tháng này được đi làm đủ, tăng ca hay không" - nữ công nhân này cho biết.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo quý IV.2022 và quý I.2023, nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng đến đơn hàng và ngay sau đó, việc làm của công nhân, người lao động sẽ bị “đe doạ”. 

Theo thống kê, tính đến ngày 1.12, có 1.235 doanh nghiệp thuộc 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động. Hơn 430.660 người lao động bị giảm giờ làm và có đến trên 41.550 lao động bị thôi việc, mất việc.

Theo đơn vị này, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II.2023 khiến nhiều lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống...

Theo thông tin tổng hợp từ Công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12.2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 công nhân, lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động.

Tình hình kinh doanh của công ty gặp khó khăn khiến không ít công nhân không còn hy vọng nhiều vào một mùa thưởng Tết.

 
Dự báo trong thời gian tới, việc làm của công nhân sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Ảnh minh hoạ: Hà Anh Chiến

Chị Trần Thị Ngọc (quê Tuyên Quang, 32 tuổi) - công nhân một công ty linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cho biết - thưởng Tết là khoản trông đợi nhất sau một năm làm việc, tuy nhiên, năm nay, chị không còn trông đợi nhiều.

Theo nữ công nhân này, cuối năm, công ty đang gặp khó khăn, nếu bị mất việc, công nhân sẽ rất khổ sở để xin công việc mới. Do vậy, với chị, còn việc làm là còn hy vọng.

"Bao giờ công ty thông báo thưởng Tết thì hẵng hay, còn không có thưởng, chúng tôi cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp trong những lúc thế này" - chị Ngọc cho hay.

Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ công đoàn cơ sở thuộc doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Thăng Long cho hay, Tết Nguyên đán 2023, có lẽ sẽ thưởng ít hơn năm ngoái. Hoặc công ty sẽ chia thưởng trong 2 lần trong một năm, đó là dịp Tết và giữa năm.

"Vì năm nay tình hình kinh doanh khó khăn nên có thể sẽ chia nhỏ thưởng của công nhân, tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng để công nhân có thưởng Tết" - vị cán bộ này nói.