'Chúng ta đang sống ở kỷ nguyên số, duy trì tổ dân phố là sự lãng phí lớn'
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:25, 04/12/2022
Tổ dân phố, tổ nhân dân không còn cần thiết trong thời 4.0?
Hiện nay tại TPHCM đang duy trì mô hình 2 cấp khác với quy định của Trung ương và các địa phương. Cụ thể, dưới phường (thị trấn) đang là khu phố, dưới khu phố là tổ dân phố; dưới xã là ấp là tổ nhân dân.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ TPHCM, nếu bỏ tổ dân phố và tổ nhân dân, sẽ giảm được 80% tổ chức, giảm chi được khoảng 45 tỷ đồng mỗi năm.
Vấn đề mà dư luận TPHCM hiện nay hết sức quan tâm là mô hình hai cấp dưới phường xã đã tồn tại gần 40 năm nay, nay bỏ đi một cấp liệu có ảnh hưởng tới các chương trình tuyên truyền từ các cấp chính quyền tới người dân hay không?
Chia sẻ với Dân trí, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Thanh Lam (Đoàn Bến Tre) - Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, nêu quan điểm, việc thực hiện các mô hình tự quản tại địa phương cần phải thực hiện nghiêm theo quy định của Trung ương.
"Thực tế thì tổ dân phố hay tổ nhân dân không phải là một đơn vị hành chính theo luật, mà là tự quản nhưng phải thực hiện theo luật pháp, với mục đích là truyền tải thông tin tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cấp chính quyền đến với người dân. Ở chiều ngược lại, người dân cũng sẽ có nơi để trao đổi khi cần trợ giúp hỏi về thông tin hay thủ tục một số vấn đề cần thiết, mặc dù không nhiều.
Việc duy trì hai cấp dưới phường xã nhiều năm nay đã phát huy được tính hiệu quả, nhưng với thời kỳ 4.0 hiện nay có lẽ cũng không còn cần thiết, chỉ cần giữ lại một cấp là phù hợp.
Chúng ta biết rằng ngày nay công nghệ số đã rất phát triển, các gia đình đều sử dụng internet, mỗi người thường dùng điện thoại thông minh có các ứng dụng trao đổi, nhận thông tin dễ dàng. Vì vậy, việc tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình vận động người dân tham gia các sự kiện tại địa phương cũng rất thuận lợi, không còn giống như trước kia là phải đi tới từng nhà để thông báo nữa", bà Lam nói.
Cũng theo bà Lam, chính quyền TPHCM cần mạnh dạn triển khai ngay các bước để xác định rõ vai trò tự quản của tổ dân phố - tổ nhân dân để có phương thức giải quyết phù hợp. Việc TPHCM tính toán để xóa bỏ tổ dân phố - tổ nhân dân chính là triển khai tinh gọn bộ máy đúng với tinh thần Nghị quyết số 18 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Sau khi Sở Nội vụ TPHCM nêu đề xuất này, rất nhiều người bất ngờ vì số người hoạt động không chuyên trách ở 2 cấp này lên tới 50 nghìn và khi rút gọn đầu mối thì chỉ còn gần 26 nghìn. Với số lượng người quá lớn như vậy, rất nhiều ý kiến đặt ra rằng liệu việc duy trì tới hai cấp dưới phường, xã nhiều năm qua có giúp được gì cho người dân hay mang tính hình thức là chủ yếu, thậm chí còn bị lãng phí, bởi vì theo tính toán khi rút gọn thì mỗi năm tiết kiệm khoảng 45 tỷ đồng?
Áp dụng cách thức quản lý hiện đại, giảm bớt sự phụ thuộc vào sức người
Trao đổi với Dân trí, TS. Nguyễn Ngọc Bảo - nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ĐBQH Khóa XIII) bày tỏ, tổ dân phố - tổ nhân dân đã phát huy được vai trò trong quá khứ mấy chục năm vừa qua, đó là điều ai cũng ghi nhận, nhưng với thời đại công nghệ hiện nay thì cần tiến tới những phương thức và cách thức quản lý hiện đại hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào sức người.
"Bây giờ chúng ta đã sống ở kỷ nguyên số và ngày càng phát triển vô cùng mạnh mẽ, cho nên việc duy trì tới hai cấp dưới phường xã như ở TPHCM là không cần thiết, nó quá nhiều tầng nấc nặng về hình thức, gây ra lãng phí. Thứ nhất, khi giảm từ hơn 27 nghìn tổ chức xuống còn hơn 5 nghìn tổ chức thì kinh phí đã giảm được 45 tỷ đồng. Bên cạnh đó thì điều quan trọng hơn là hàng nghìn người đang tham gia phần việc ở tổ dân phố - tổ nhân dân sẽ dành sức lực cho các công việc khác, tăng thêm sự đóng góp phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, đó cũng là phát huy hiệu quả nguồn lực và tránh lãng phí", ông Bảo phân tích.
Theo ông Bảo, khi xem xét việc xóa bỏ một cấp là tổ dân phố - tổ nhân dân, hẳn là chính quyền TPHCM sẽ phải cân nhắc, nghiên cứu hết sức thận trọng, bởi vì dân số lớn và thành phố có tốc độ phát triển nhanh, đồng nghĩa với việc là dân số tăng nhanh và có nhiều diễn biến mới trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, cần phải tư duy theo hướng quản lý hiện đại để đạt được hiệu quả tốt nhất, đúng với mục tiêu mà Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW là giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính, giảm chi cho bộ máy hệ thống chính trị… đồng thời phải tăng tính khoa học tổ chức, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
"Bây giờ các cấp chính quyền phường xã đều có phòng một cửa giải quyết các công việc cho người dân nhanh chóng, thậm chí người dân có thể trao đổi và đăng ký qua mạng với chính quyền và thực hiện theo số thứ tự, khác hoàn toàn trước kia. Mọi thông tin tuyên truyền cũng dễ dàng tra cứu dễ dàng, do đó cứ duy trì mãi hai cấp dưới phường xã là lãng phí lớn cả về kinh phí và nhân lực.
Đương nhiên khi thực hiện một kế hoạch mới, một chương trình mới và mang tính đi đầu, đột phá thì sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng nếu cứ lo sợ thì bộ máy luôn cồng kềnh và lãng phí là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta biết rằng ngay với các bộ ngành trung ương, đã có một thời gian do nhu cầu phát triển đã phình ra nhiều cục, tổng cục, nhưng sau đó đều đã phải sắp xếp lại để phát huy tốt hơn vai trò của các tổ chức, đồng thời chống lãng phí ngân sách nhà nước", ông Bảo chia sẻ.
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước vào ngày 22/11 vừa qua, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM đã thông tin với cử tri về việc thành phố đã xây dựng đề án sắp xếp các tổ chức cấp dưới phường, xã.
Trước đó, Sở Nội vụ TPHCM đã có tờ trình gửi Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM về xin chủ trương định hướng sắp xếp tổ chức khu phố, ấp trên địa bàn theo quy định của Trung ương. Theo đó, mô hình tự quản dưới phường xã chỉ còn một cấp là khu phố, ấp và không còn tổ dân phố, tổ nhân dân.