Vụ TikToker Nờ Ô Nô và dấu hỏi về trách nhiệm của TikTok
Dòng chảy - Ngày đăng : 10:00, 04/12/2022
Tuần qua, vụ việc miệt thị người nghèo của TikToker Nờ Ô Nô đã làm "dậy sóng" cộng đồng mạng Việt Nam. Đây giống như một "giọt nước tràn ly", đồng thời là lời cảnh tỉnh dành cho các TikToker và những người làm nghề sáng tạo trên Internet muốn trở nên nổi tiếng bất chấp nội dung "bẩn".
Nờ Ô Nô từ lâu đã là một cái tên gây ra nhiều tranh cãi trên nền tảng TikTok. Xuyên suốt các video trên tài khoản của mình, TikToker này luôn tạo ra những nội dung review đồ ăn "không giống ai", khi thường xuyên sử dụng những lời lẽ và hành vi thô tục, phản cảm.
Đỉnh điểm là lúc video "Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó" được đăng tải vào ngày 25/11, nam TikToker này đã thực sự khiến cộng đồng mạng tại Việt Nam phải nổi giận khi sử dụng những từ ngữ mang tính miệt thị, khó nghe nhằm mục đích gây sự chú ý.
Cụ thể, nam TikToker này đã làm video với nội dung đi hỏi những người vô gia cư thích ăn món gì thì sẽ mua món ăn đó tặng họ. Tuy nhiên, trong đoạn video này, người xem có thể bắt gặp hàng loạt câu từ phản cảm, khiếm nhã như "hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn", "nghèo mà còn chê đồ ăn" hay "bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu".
Ngay khi xuất hiện, đoạn video này lập tức nhận về vô số ý kiến trái chiều. Dân cư mạng cho rằng nam TikToker đã có thái độ bỡn cợt, lời lẽ miệt thị những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn. Trước áp lực từ dư luận, ngày 27/11, tài khoản của TikToker này đã chuyển sang trạng thái riêng tư và ẩn toàn bộ video. Có thể thấy, video phản cảm lần này giống như một "giọt nước tràn ly", khiến cộng đồng mạng đồng loạt lên tiếng tẩy chay TikToker này. Dù vậy, phải đến hơn 2 ngày sau (sáng 28/11), TikTok mới chính thức đưa ra lệnh cấm vĩnh viễn đối với tài khoản của Nờ Ô Nô.
Rất nhiều người dùng đặt ra câu hỏi cho TikTok rằng vì sao một video chứa nội dung gây sốc, phản cảm như của Nờ Ô Nô lại có thể vượt qua quá trình kiểm duyệt của nền tảng này. Chưa dừng lại, video đó còn được đưa lên xu hướng, thu hút hơn 4,6 triệu lượt xem cùng hàng nghìn bình luận, tương tác chỉ trong một ngày.
PV Dân trí đã nhiều lần liên hệ với TikTok để làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, phía TikTok Việt Nam vẫn chưa đưa ra bất cứ phản hồi nào về vấn đề trên. Đại diện TikTok Việt Nam cho biết TikTok không khoan nhượng trước bất kỳ nội dung hay hành vi nào vi phạm các Tiêu chuẩn Cộng đồng của công ty.
"Chúng tôi đã khóa tài khoản của người dùng @tuanbrice (hay còn được biết tới với tên gọi "Nờ Ô Nô") vĩnh viễn vì những nội dung không phù hợp với Tiêu chuẩn Cộng đồng mà người dùng này đăng tải. Xây dựng và duy trì môi trường nền tảng chân thực, an toàn, hướng tới cộng đồng là một trong những cam kết và ưu tiên hàng đầu của TikTok. Chúng tôi luôn tôn trọng và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo của người dùng, song giữ vững lập trường đề cao tính an toàn của cộng đồng và nền tảng", đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, trái ngược với những gì mà TikTok tuyên bố, điều mà nền tảng này làm được lại không nhiều. TikTok đã để lọt rất nhiều nội dung phản cảm và video của Nờ Ô Nô chỉ là một đại diện tiêu biểu. Công ty đã không thể quản lý, ngăn chặn những video xấu, chứa nội dung độc hại trước khi chúng được lan truyền rộng rãi trên nền tảng của họ.
Chưa dừng lại, động thái của TikTok khi xử lý những nội dung này cũng rất chậm chạp. Khi video phản cảm của Nờ Ô Nô được đăng tải, rất nhiều người dùng đã gửi báo cáo về cho TikTok, nhưng không có bất cứ điều gì thay đổi. Chỉ đến khi báo chí và cộng đồng mạng đồng loạt lên tiếng, TikTok mới bắt đầu có hành động cấm vĩnh viễn đối với tài khoản của Nờ Ô Nô.
Thêm vào đó, chỉ sau một ngày bị cấm, nam TikToker đã tạo ra vài tài khoản TikTok khác nhau để tiếp tục hoạt động trên nền tảng này. Những video được đăng trên kênh mới lại tiếp tục lên xu hướng và thu hút vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu lượt xem. Điều đó khiến nhiều người tỏ ra quan ngại và đặt câu hỏi về trách nhiệm của TikTok khi quản lý các nội dung và nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng của họ.
Trên thực tế, TikTok hiện là nơi lan truyền không ít video, trào lưu độc hại. Vào ngày 22/7, một TikToker với hơn 57.000 lượt theo dõi đã thản nhiên đăng tải đoạn video cho thấy khoảnh khắc cô gái này đang ngồi lên băng chuyền hành lý tại sân bay. Dù xung quanh có rất đông người đang đứng chờ và nhìn vào mình, cô gái này vẫn phớt lờ tất cả và "diễn" tiếp.
Đoạn video nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn lượt xem trên TikTok trước khi được chia sẻ lại trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram. Đa phần cư dân mạng sau khi xem đoạn video đều phải lắc đầu ngán ngẩm, thậm chí bày tỏ sự phẫn nộ với hành động của cô gái này.
Nhiều người còn đặt ra câu hỏi rằng hành động ngồi lên băng chuyền hành lý ở sân bay của cô gái trong đoạn video liệu có vi phạm các quy tắc an toàn hàng không hay không, khi mà ngành hàng không luôn có những quy định nghiêm ngặt về vấn đề an ninh.
Không lâu trước đó, một nữ TikToker khác đã chia sẻ trên TikTok đoạn video cho thấy cô tiến thẳng về phía một máy bay đang lăn vào vị trí đỗ. Nữ hành khách này chỉ dừng và quay lại khi chân suýt chạm vạch đỏ giới hạn an toàn giữa các vị trí đỗ máy bay. Có thể thấy, nữ hành khách này đã cố tình thực hiện hành động nhảy múa, tạo dáng trên sân bay để quay và đăng tải lên mạng xã hội nhằm thu hút người xem.
Sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không (cấm bay) với nữ khách hàng này do vi phạm quy định an toàn, nhảy múa quay Tiktok sát máy bay. Theo quyết định của Cục trưởng Cục Hàng không, các hãng hàng không của Việt Nam và các hãng hàng không nước ngoài khai thác tại Việt Nam không được vận chuyển nữ TikToker này trên các chuyến bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Việt Nam theo thời hạn bị cấm vận chuyển.
Trước đó, một TikToker nổi tiếng khác cũng đã bị chỉ trích nặng nề vì hành động "săn mây" bằng cách cài điện thoại ở cửa sổ máy bay. Trên nền tảng mạng xã hội TikTok, nhiều người trẻ cũng đua nhau làm theo trào lưu nguy hiểm này nhằm ghi lại cảnh bầu trời từ cửa sổ máy bay.
Trao đổi với PV Dân Trí, ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc cài điện thoại ở cửa sổ máy bay là hành động rất nguy hiểm, đe dọa an toàn của chuyến bay do điện thoại có thể cháy nổ.
"Điện thoại thông minh không thuộc danh mục đồ vật cấm hoặc nguy hiểm trong danh mục về an ninh hàng không. Trong chuyến bay hành khách chỉ phải tắt điện thoại hoặc chuyển sang chế độ máy bay. Tuy nhiên, việc quay phim trên chuyến bay, đặc biệt là quay liên tục nhiều tiếng, điện thoại nóng, kết hợp với tác động của ánh sáng mặt trời trong thời gian dài sẽ có nguy cơ cháy nổ", ông Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, nền tảng chia sẻ video ngắn này còn để lọt rất nhiều video có chứa nội dung gây khó chịu khác như trào lưu "đi chợ với 5.000 đồng" hay những nội dung cổ súy cho hành vi quấy rối tình dục,...
Từ lâu, thuật toán đề xuất nội dung video của TikTok đã đặt ra nhiều nghi vấn đối với các chuyên gia. Các video trên nền tảng này chỉ dài vài chục giây nhưng lại có sức lan truyền rất mạnh đối với giới trẻ. Dù vậy, TikTok lại ẩn chứa không ít trào lưu độc hại, nhảm nhí, có nội dung tiêu cực, không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Trong một cuộc điều tra vào tháng 9/2021, trang Wall Street Journal đã tạo ra vài chục tài khoản để tìm hiểu cách mà TikTok hiển thị nội dung cho người dùng trẻ tuổi. Các tài khoản này đăng ký với tư cách là người dùng từ 13-15 tuổi.
Đáng chú ý, sau khi phân tích kết quả từ những tài khoản trên, rất nhiều video chứa nội dung độc hại về tình dục, chất kích thích và ma túy đã được đề xuất đến các tài khoản này trong mục "Dành cho bạn".
Theo Wall Street Journal, TikTok sẽ phân tích thói quen, sở thích của người dùng dựa trên một số yếu tố như khoảng thời gian bạn nán lại trong mỗi video, nội dung tìm kiếm hay số lần xem lại. Từ đó, các thuật toán của TikTok sẽ tính toán và đưa ra những gợi ý mà nền tảng này cho là phù hợp nhất, nhằm giữ chân người xem càng lâu càng tốt.
"Tất cả những gì mà chúng ta đã thấy trên YouTube đều xuất hiện trên TikTok. Nó giống hoàn toàn và thậm chí còn tệ hơn. Thuật toán của TikTok có thể học hỏi nhanh hơn rất nhiều", Guillaume Chaslot, một cựu kỹ sư tại YouTube, chia sẻ.
Chia sẻ với PV Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, cho biết chúng ta đang sống ở trong một "nền kinh tế chú ý" và sự chú ý của người khác có thể mang lại tài chính, danh vọng cho một cá nhân.
"Hiện nay, với những kênh TikTok hay YouTube khi thu hút được lượng xem lớn, thu nhập của người sáng tạo sẽ rất khủng khiếp. Vì những nguồn lợi đó, càng ngày sẽ có càng nhiều người trẻ bất chấp tạo ra những nội dung mang tính chất gây sốc, hay thậm chí là lệch lạc, miễn sao có thể thu hút được người xem", tiến sĩ Nam nhận định.
Theo ông Nam, khoản tiền phạt 7,5 triệu đồng không là gì so với thu nhập mà những TikToker này có thể kiếm được. Do đó, việc phạt hành chính không phải là một chế tài đủ sức răn đe đối với các TikToker.
Công việc sáng tạo nội dung trên Internet hiện đã trở thành một nghề. Do đó, những người làm công việc này cần phải có kỹ năng, được phổ biến về mặt đạo đức, pháp luật cũng như các nguyên tắc khi sáng tạo nội dung. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có các bước kiểm duyệt nhất định để những nội dung mà họ sáng tạo ra không gây hại cho cộng đồng.
"Dù đã nhận sai và chịu phạt hành chính, TikToker Nờ Ô Nô vẫn bao biện và giải thích rằng bản thân có cái tâm làm từ thiện trong sáng, chỉ là cố gắng chọc cười người khác bằng hành vi và lời nói như vậy. Tuy nhiên, không ai có thể chọc cười người khác bằng cách đem nhân phẩm, giá trị của những người thuộc đối tượng yếu thế như người già, người nghèo để làm trò cười. Điều này cho thấy nhận thức và văn hóa của chính người làm ra nội dung "bẩn" cũng đang có vấn đề", ông Nam chia sẻ.
Tiến sĩ tâm lý Nam cho rằng khi những nội dung này được đưa lên Internet, có rất nhiều em nhỏ sẽ xem được. Trẻ nhỏ có thể sẽ cho rằng những lời nói, hành động và cách ứng xử như vậy với người lớn tuổi, người nghèo là hoàn toàn bình thường. Từ đó, hành động trên có thể khiến cho thế giới quan của những người trẻ trở nên lệch lạc. Ngay cả khi TikTok đã xóa video và tài khoản của Nờ Ô Nô, tất cả những nội dung đó đều đã bị lan truyền một cách rộng rãi và chia sẻ trên nhiều kênh khác nhau.
"Khi những nội dung "bẩn" này được đưa lên mạng, chúng sẽ luôn tồn tại ở một nơi nào đó. Để những thứ xấu xí đó không ảnh hưởng tới giới trẻ, điều đầu tiên cần phải làm là phòng ngừa. Những người làm nội dung sáng tạo trên Internet cần phải được giáo dục kỹ năng, đạo đức làm nghề", ông Nam nói.
Ngoài ra, chính các công ty công nghệ cũng cần phải chịu trách nhiệm khi những nội dung xấu, độc hại xuất hiện trên nền tảng của họ.
"Những công ty công nghệ như TikTok cần phải hành động trước khi những nội dung "bẩn" được đăng tải, cần phải kiểm duyệt một cách chặt chẽ, thay vì đợi cho đến khi báo chí, cộng đồng mạng lên tiếng mới thì mới xóa. Nếu không có đủ công cụ hay bộ phận kiểm duyệt, họ cũng cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì đã để những nội dung "bẩn" này gây hại cho cộng đồng", ông Nam nhận định.
Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều video có chứa nội dung kỳ thị, xâm phạm người khác trên nền tảng TikTok. Tuy nhiên, chúng vẫn đang tồn tại trên TikTok do chưa bị dư luận lên tiếng phản đối. "Nếu dư luận lên án vụ việc nào, TikTok mới giải quyết vụ việc đó thì đấy không phải là xử lý cái gốc", tiến sĩ Nam chia sẻ.
Nội dung: Thế Anh
Thiết kế: Thủy Tiên
04/12/2022