Những lá cờ được treo thế nào ở 6 trực thăng bay tại triển lãm quốc phòng?
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:12, 03/12/2022
Theo Bộ Quốc phòng, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 tại khu vực Sân bay Gia Lâm (phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) từ ngày 8-10/12, với nhiều nội dung phong phú. Trong đó, một nội dung được nhân dân mong đợi nhất là màn bay biểu diễn của những chiếc máy bay chiến đấu được mệnh danh là "hổ mang chúa" Su-30MK2 và dàn trực thăng kéo cờ Tổ quốc, cờ triển lãm trên bầu trời.
Gần một năm luyện tập để bay biểu diễn trong khoảng 10 phút
Để tìm hiểu về quá trình tập luyện thực hiện nhiệm vụ bay kéo cờ của dàn trực thăng phục vụ triển lãm sắp tới, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Đại tá Tạ Mộng Vũ - Phó Trung đoàn trưởng quân huấn Trung đoàn Không quân 916 (Sư đoàn Không quân 371 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân).
Trong Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 sắp tới, đơn vị được giao nhiệm vụ gì và đơn vị đã chuẩn bị cho nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?
- Trung đoàn Không quân trực thăng 916 là một trong 2 đơn vị không quân được giao nhiệm vụ bay mở màn trình diễn trong buổi lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 sẽ diễn ra vào ngày 8/12 tại Hà Nội.
Từ khi cấp trên có chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn về công tác chuẩn bị, luyện tập thực hành để chuẩn bị cho triển lãm, đơn vị đã xây dựng một Nghị quyết chuyên đề về nội dung huấn luyện bay trình diễn chào mừng triển lãm.
Sau đó, đơn vị đã xây dựng kế hoạch học tập lý thuyết và lựa chọn các tổ bay có đủ trình độ năng lực để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Chúng tôi đã huấn luyện, xây dựng các bài bay. Thực tế, nội dung này cách đây 12 năm đơn vị đã bay đội hình lớn phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, nhưng các phi công, tổ bay có kinh nghiệm làm nhiệm vụ này đã nghỉ hưu.
Do đó, Trung đoàn đã tự nghiên cứu, xây dựng bài bay, tổ chức lên lớp huấn luyện lý thuyết cho phi công, thành viên tổ bay các nội dung liên quan, đặc biệt là huấn luyện về cự ly giãn cách đội hình bay và phương án xử lý các tình huống bất trắc trong quá trình bay.
Hôm khai mạc, đơn vị sẽ bay biểu diễn kéo cờ Tổ quốc, cờ triển lãm tại khu vực Sân bay Gia Lâm.
Đơn vị đã chuẩn bị về con người, phương tiện như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi đã huy động tất cả quân số của Trung đoàn lên tới hàng trăm người để phục vụ nhiệm vụ này. Phi công được lựa chọn, sau khi học xong lý thuyết sẽ bước vào bay huấn luyện.
Kế hoạch ban đầu đơn vị chúng tôi sẽ có 4 trực thăng bay biểu diễn. Giai đoạn đầu chúng tôi tập luyện bay với biên đội 2 chiếc, 3 chiếc, 4 chiếc. Đến tháng 8/2022, Trung đoàn đã tổ chức huấn luyện được 4 tổ bay chính thức, 2 tổ bay dự bị.
Sau khi có kế hoạch thay đổi của Quân chủng Phòng không - Không quân, Sư đoàn 371 đã tăng cường cho đơn vị thêm 2 trực thăng, tổng cộng sẽ có 6 chiếc trực thăng bay biểu diễn phục vụ triển lãm. Do công tác chuẩn bị tốt của Trung đoàn nên 2 phi công dự bị đã đủ điều kiện vào bay biên đội, đáp ứng được kế hoạch đề ra.
Với nhiệm vụ bay biểu diễn 6 chiếc, chúng tôi đã huấn luyện bay với các đội hình khác nhau. Cụ thể, chúng tôi sẽ bay biểu diễn với 2 kế hoạch: Bay 2 biên đội, mỗi biên độ 3 chiếc và bay 3 biên đội, mỗi biên đội 2 chiếc. Giãn cách cự ly giữa các biên đội là 1 phút bay.
Đến thời điểm này, đơn vị đã bay huấn luyện được bao nhiêu tháng, bao nhiêu giờ bay?
- Sau khi nhận nhiệm vụ, đến thời điểm này chúng tôi đã trải qua 8 tháng chuẩn bị, bay huấn luyện. Chúng tôi đã bay hợp luyện được 6 ban huấn luyện, đã bay biên đội hơn 100 giờ bay.
Với 6 trực thăng bay là ban bay lớn, đòi hỏi khâu chuẩn bị, kiểm tra của các cấp (tổ trưởng, phân đội và tiểu đoàn) rất chặt chẽ trước khi tổ chức bay huấn luyện cũng như thực hiện nhiệm vụ bay triển lãm.
Như ông nói thì đơn vị sẽ bay biểu diễn kéo cờ trong triển lãm sắp tới, vậy những chiếc cờ này có kích thước bao nhiêu m2 và được treo ở trực thăng như thế nào?
- Trung đoàn đã hiệp đồng chặt chẽ với Viện kỹ thuật của Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ đạo đơn vị X19 may cờ, chuẩn bị các giá treo cờ, quả đối trọng (125kg). Đến giờ đã chuẩn bị được 7 chiếc cờ (6 chiếc chính thức, 1 chiếc dự bị) và các phụ kiện kèm theo. Có 2 loại cờ, cờ Tổ quốc và cờ triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.
Giá treo và dây dài 8,5m; 7 chiếc cờ có kích thước giống nhau, chiều rộng là 5,4m, cao 3,6m; quả đối trọng nặng 125kg.
Chúng tôi đã tính toán phải có quả đối trọng nặng 125kg thì mới đảm bảo cho dây treo cờ căng thẳng, cờ mới được giữ được trạng thái bay đẹp khi biểu diễn.
Nếu bay tốc độ cao cờ dễ bị rách
Khi bay huấn luyện cũng như biểu diễn sắp tới, trực thăng sẽ bay ở độ cao, tốc độ bao nhiêu và bay theo đội hình như thế nào?
- Khi bay huấn luyện, chúng tôi bay từ độ cao 300m trở xuống, khi bay thông qua khán đài (giờ G) độ cao bay là 100m, tốc độ bay là 120km/h. Theo kế hoạch chúng tôi có 10 phút bay biểu diễn phục vụ triển lãm.
Trực thăng có thể bay tốc độ nhỏ nhất là 60km/h, lớn nhất là 250km/h. Nhưng khi treo cờ do tính năng của cờ bằng vải nên chúng tôi đã phải phối hợp với Viện kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân kiểm tra các dải độ, nhưng tốc độ tối ưu nhất là bay tốc độ 120km/h, cờ sẽ không bị rách, ở trạng thái đẹp. Còn nếu bay tốc độ chậm quá thì cờ sẽ không đẹp hoặc quả đối trọng nhẹ quá thì dây sẽ không căng, cờ sẽ văng về phía sau rất xấu.
Khi biểu diễn sẽ treo 3 cờ Tổ quốc, 3 cờ triển lãm bay đan xen nhau trên 6 trực thăng.
Với biên đội đầu tiên 3 chiếc sẽ treo 2 cờ Tổ quốc, 1 cờ triển lãm; biên đội thứ hai 3 chiếc, chiếc đầu tiên treo cờ Tổ quốc, 2 chiếc còn lại treo cờ triển lãm.
Còn với đội hình 3 biên đội, mỗi biên đội 2 máy bay thì chúng tôi sẽ treo 1 chiếc cờ Tổ quốc và 1 chiếc cờ triển lãm.
Về thời tiết thì sao, có là vấn đề sẽ gây khó khăn cho quá trình bay huấn luyện, biểu diễn không, thưa ông?
- Trước khi bay chúng tôi phải nắm chặt chẽ các vùng khí tượng. Sân bay Hòa Lạc cách sân bay Gia Lâm chỉ khoảng 45-50km, nhưng có 2 vùng khí tượng khác nhau nên có sự đột biến khi bay, nhưng phi công bay và chỉ huy bay đã tính toán các phương án để đảm bảo thực hiện kế hoạch đề ra.
Với trực thăng thì thời tiết mưa, nhiều mây không đáng lo ngại bằng gió to. Bởi gió to sẽ làm cho máy bay bị xóc. Do đó, quá trình bay huấn luyện chúng tôi cũng đã tính toán đến tình huống gặp gió to và luyện tập kỹ để vẫn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.
Được biết, không chỉ có trực thăng của Trung đoàn bay biểu diễn hôm khai mạc triển lãm, mà còn có cả những chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Trung đoàn Không quân 927 cũng bay biểu diễn, vậy 2 đơn vị đã có sự phối hợp, hợp luyện như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi đã hợp luyện với Su-30MK2 về thời gian, thời điểm để triển khai bay rất tốt. Su-30MK2 bay đội hình sẽ cách biên đội bay trực thăng của chúng tôi là 1 phút 30 giây. Do đó phải phối hợp hiệp đồng bay rất chặt chẽ, được tính bằng giây nên đòi hỏi độ chính xác rất cao.
Trải qua hơn 8 tháng chuẩn bị, bay huấn luyện và tổng duyệt, đến nay chúng tôi hoàn toàn tự tin, sẵn sàng bay biểu diễn phục vụ triển lãm sắp tới.
Xin cảm ơn ông!