Vì sao UAV được triển khai với tần suất lớn chưa từng có trên chiến trường Ukraine?
Tin thế giới - Ngày đăng : 14:30, 03/12/2022
Cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ có cảnh tượng xe tăng Nga lăn bánh qua biên giới Ukraine, những chiến hào kiểu Thế chiến 1 khoét sâu trong lòng đất và pháo binh của hai bên khai hỏa vào các mục tiêu của nhau, mà còn có những thước phim hiện đại hơn, chẳng hạn như những người lính trên chiến trường quan sát một màn hình nhỏ được kết nối với vệ tinh để theo dõi các máy bay không người lái.
Với hàng trăm máy bay không người lái trinh sát và tấn công được triển khai mỗi ngày, xung đột Nga-Ukraine đã nhanh chóng trở thành một cuộc cạnh tranh thời đại kỹ thuật số để giành ưu thế công nghệ trên bầu trời. Đây được coi là cột mốc đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử không chiến.
Trong các cuộc chiến trước đây, UAV thường được sử dụng ở những vùng không phận ít bị kiểm soát, nhằm xác định vị trí và tấn công mục tiêu. Còn trên chiến trường Ukraine, UAV được triển khai trong mọi giai đoạn chiến đấu, theo từng phi đội lớn, hoạt động song song với hệ thống phòng không và hệ thống gây nhiễu. Khi quân đội 2 nước ở cách xa nhau hàng km, việc sử dụng UAV sẽ giúp họ có khả năng quan sát và tấn công lẫn nhau mà không cần đến gần đối phương.
Các lực lượng Ukraine được cho là đã dùng UAV để tấn công những mục tiêu ở xa, chẳng hạn như Crimea và khu vực biên giới Belgorod của Nga. Trong khi đó, Nga nhiều lần tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine bằng UAV cảm tử, có giá thành rẻ hơn nhiều so với tên lửa có độ chính xác cao.
Đôi khi các UAV cũng được triển khai để tiêu diệt lẫn nhau. Theo The Drive, có nhiều bằng chứng cho thấy lực lượng thân Nga đang phát triển các chiến thuật sử dụng UAV để chống lại các UAV khác. Trong không chiến, nhiệm vụ của UAV sẽ là tiêu diệt đối thủ, dù chúng có được trang bị vũ khí hay không.
Ông Samuel Bendett thuộc Trung tâm Phân tích hải quân Mỹ (CNA) có trụ sở tại Virginia cho rằng: “Sẽ có 2 yếu tố chính tác động đến các cuộc chiến trong tương lai. Thứ nhất là sự phổ biến và sẵn có của máy bay không người lái chiến đấu dành cho các hoạt động tầm xa, phức tạp và thứ hai là sự cần thiết phải có những máy bay không người lái chiến thuật giá rẻ để thực hiện các hoạt động hỗ trợ, hay tấn công tầm gần”.
Tầm quan trọng của đội quân UAV
Máy bay không người lại được coi là những đôi mắt trên chiến trường. Để theo dõi các động thái của Nga, quân đội Ukraine đã thành lập một đơn vị gồm các phi đội máy bay không người lái trinh sát mang tên Ochi (tiếng Ukraine nghĩa là đôi mắt). Mỗi phi đội có 4 binh sỹ phụ trách, được bố trí tại khắp mặt trận phía Đông để triển khai UAV mỗi ngày.
Một đội Ochi lựa chọn vị trí gần tiền tuyến, sạc pin cho UAV và kích hoạt kết nối Internet qua vệ tinh Starlink, để mọi thứ họ quan sát được có thể được truyền tới các lữ đoàn gần đó. Máy bay không người lái mà họ sử dụng là Matrice 300, nặng hơn 3,6kg, có giá thành khoảng 40.000 USD.
Một số chuyên gia cho rằng, chính sự xuất hiện của những máy bay không người lái nhỏ, giá thành tương đối rẻ, đã khiến cho cuộc xung đột tại Ukraine trở nên khác biệt, mang lại khả năng quan sát chưa từng có cho quân đội và nâng cao độ chính xác của hỏa lực pháo binh.
Những UAV chiến dấu như Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được Ukraine sử dụng hay Shahed-136 do Iran sản xuất được Nga triển khai, đang đóng vai to lớn hơn so với vai trò truyền thống. Ngoài ra, một loại máy bay không người lái cỡ nhỏ là Macvic do nhà sản xuất Trung Quốc DJI chế tạo cũng được dùng khá nhiều. Khi các lực lượng Ukraine tiến vào khu vực Kherson ở phía Nam vào tháng 11, một đơn vị đặc nhiệm đã sử dụng bom tự chế dùng cho Mavic để thả xuống các bãi mìn, nhằm dọn đường cho lực lượng của họ.
Một số binh sỹ Ukraine cho biết, máy bay không người lái được triển khai nhiều đến mức đôi khi họ không thể xác định được đó là UAV bạn hay thù. Nếu như một chiếc UAV bay lơ lửng quá lâu ở một vị trí thay vì bay ngang qua, họ có thể nghi ngờ và bắn hạn nó.
Các chỉ huy cấp cao của Ukraine và Nga trước đây từng hoài nghi về máy bay không người lái. Bây giờ, họ đang gấp rút đào tạo hàng nghìn binh sỹ vận hành UAV.
Đẩy mạnh sản xuất UAV
Nhận thấy vai trò ngày càng to lớn của UAV trong cuộc xung đột, Nga và Ukraine đang cố gắng thúc đẩy việc sản xuất máy bay không người lái. Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận nước này đang thiếu hụt máy bay không người lái sau khi UAV Orland-10 bị bắn rơi trên chiến trường Ukraine với số lượng lớn.
Phát biểu trong một cuộc họp hội đồng chính phủ, Đại tá Igor Ischuk nói: “Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra những yêu cầu kỹ thuật và chiến thuật tương ứng với các phương tiện bay không người lái. Nhưng hầu hết các nhà sản xuất đều khó đáp ứng”.
Một số nhà quan sát cho rằng, nhiều khí tài quân sự của Nga, đặc biệt là máy bay không người lái, phụ thuộc vào linh kiện điện tử do Mỹ, châu Âu và châu Á sản xuất. Hiện Nga đang gặp khó khăn trong việc mua sắm những linh kiện này do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ukraine cũng đang tăng cường sản xuất UAV. Nhưng vị trí các nhà máy của nước này đã bị xóa khỏi Google Maps vì lo sợ các cuộc không kích. UAV do Ukraine chế tạo có nhiều loại, từ những loại nhỏ có thể bay gần 50km và thả quả đạn nặng hơn 2kg tới những loại cỡ lớn. Bộ trưởng kỹ thuật số Ukraine Fedorov cho biế, mục tiêu của nước này là sản xuất 2.000 máy bay không người lái chiến đấu cỡ nhỏ mỗi tháng, từ giờ cho đến cuối năm nay.
Giải pháp nhập khẩu
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt UAV, Nga được cho là đã đặt hàng máy bay không người lái Sahed-136 của Iran. Phương Tây cho rằng, Nga đã mua hàng trăm UAV này và Iran đã cử đội ngũ kỹ thuật giúp Nga vận hành chúng.
UAV Shahed có ít bộ phận bằng kim loại và bay thấp nên rất khó bị phát hiện. Các hệ thống tên lửa đất đối không đắt tiền, chẳng hạn như S-300 hoặc Buk, có thể tiêu diệt chúng, nhưng làm như vậy sẽ lãng phí các nguồn lực mà Kiev muốn sử dụng để chống lại các tên lửa có độ chính xác cao của Moscow. Gần đây, Ukraine đã điều máy bay chiến đấu để bắn hạ Shahed. Tuy vậy chuyên gia quân sự Aksenovcho rằng, sự lựa chọn này có thể làm cạn kiệt các nguồn lực của Kiev trong khi Nga vẫn bảo tồn được kho vũ khí chính.
Ukraine hiện có một số máy bay không người lái do nước ngoài sản xuất trong phi đội của mình, trong đó có máy bay không người lái cảm tử Switchblade do Mỹ cung cấp. Nhưng UAV TB2 Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất vẫn là máy bay không người lái chính được sử dụng.
TB2, có giá khoảng 5 triệu USD mỗi chiếc, là loại máy bay không người lái mạnh nhất trong phi đội của Ukraine. Nó có thể mang theo 4 tên lửa dẫn đường bằng laser và có khả năng bay liên tục 24 giờ, ở độ cao lên tới 7.600m./.