Nhiều siêu thị cố tình gian lận an toàn thực phẩm?
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:56, 03/12/2022
Ngày 3/12, hội nghị sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TPHCM và các tỉnh, giai đoạn 2021-2025, diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng.
"Không phải cái gì tốt thì xuất khẩu, dỏm dỏm thì để lại ăn"
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban (ATTP) TPHCM cho biết, vấn đề đảm bảo ATTP có hai nội dung chính, là chống thực phẩm bẩn và cốt lõi là xây thực phẩm sạch.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đạt được những bước tiến đáng kể, xuất khẩu nông sản thu về hàng chục tỷ USD, đáp ứng các quy chuẩn khắt khe của các nước phát triển. Trong nước cũng đạt được một số thành quả nhưng vẫn còn nhiều điều phải làm.
Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM nhận định, có 4 tiêu chí để đánh giá hiệu quả trong hoạt động đảm bảo ATTP. Thứ nhất là vấn đề tăng cường thanh tra, xử phạt, xử lý sai phạm.
Thứ hai là giảm số vụ ngộ độc nhưng điều này không chứng minh được ATTP hoàn toàn, vì các chất độc thẩm thấu trong thực phẩm có thể gây ảnh hưởng sức khỏe lâu dài chứ không chỉ biểu hiện trước mắt. Do đó, không thể chỉ dựa vào các vụ ngộ độc giảm mà nói là thực phẩm đã sạch hơn.
Thứ ba là kết quả kiểm nghiệm, xem rau củ quả, thực phẩm sử dụng có giảm đi và tiến đến triệt tiêu những chất cấm gây hại sức khỏe hay không.
Thứ tư là xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, để tăng lượng thực phẩm sạch sử dụng. Để thực hiện điều này, đầu tiên phải tập huấn, tuyên truyền cho các doanh nghiệp cung ứng, sản xuất; tiếp đó là thẩm định, cấp phép thực phẩm; một khâu rất quan trọng là đầu ra của sản phẩm, đây là vấn đề khó khăn nhất, để làm sao sản phẩm được tiêu thụ.
Bà Lan phân tích, thu nhập người dân còn khiêm tốn. Ai cũng muốn thực phẩm sạch, an toàn nhưng túi tiền có hạn, nên thường chọn những thực phẩm rẻ tiền, rẻ thật là rẻ. Nhưng rẻ quá thì việc đảm bảo ATTP khó đảm bảo.
Cũng theo bà Lan, tại TPHCM, Ban Quản lý ATTP đã quyết liệt kiểm soát, giám sát chất lượng, nguồn gốc thực phẩm các chợ truyền thống. Một trong những khó khăn mà cơ quan chức năng phải đối mặt là các dạng chợ vỉa hè, chợ cóc, chợ tạm. Việc buôn bán tạm bợ đã nở rộ rất nhiều sau dịch bệnh nhưng tựu trung lại vẫn do ý thức của người dân.
"Chúng ta đều mong nông nghiệp phát triển bền vững, trước mắt sẽ cung ứng đủ và đạt chất lượng cho tất cả người dân. Không phải cái gì tốt thì ta xuất khẩu, cái gì thường thường, dỏm dỏm thì để lại ta ăn...", bà Phạm Khánh Phong Lan nói.
VietGAP có giá trị thì mới bị giả mạo
Trước vấn đề gần đây nhiều vụ rau "nhái", rau không rõ nguồn gốc đội lốt đạt len lỏi vào nhiều siêu thị, đã được báo chí phản ánh, bà Phong Lan nhận định, điều quan trọng đầu tiên là làm sao tập hợp được sức mạnh trong kịp thời phát hiện sai phạm. Nếu nhìn ở một khía cạnh nào đó, VietGAP có giá trị thì người ta mới giả mạo.
Bà Lan chia sẻ thêm, không chỉ thực phẩm bị giả mạo, mà bất cứ thứ gì mang lại lợi nhuận, không cảnh giác cũng sẽ xảy ra hiện tượng như trên. Ở các hệ thống siêu thị lớn, quản lý tương đối chặt chẽ hơn các chợ mà còn len lỏi được thì tình hình vẫn còn phức tạp, nguy hiểm.
TPHCM đã yêu cầu các siêu thị, các nhà hàng phục vụ du lịch, các bếp ăn trường học phải sử dụng thực phẩm đạt chuẩn. Thực tế, cơ quan quản lý nhận thấy đã xuất hiện tình trạng đối phó, không chỉ giả mạo thực phẩm mà còn có tình trạng ký hợp đồng hứa tiêu thụ lượng lớn sản phẩm đạt chuẩn nhưng lại mua rất ít.
Bà Lan cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm. Dù vậy, đại diện Ban Quản lý ATTP lo ngại, một khi người ta cố tình gian lận thì để phát hiện kịp thời là cả một vấn đề. Điều này còn dựa vào ý thức của các doanh nghiệp.
"Chúng ta cần đặt ra vấn đề, rằng liệu doanh nghiệp sở hữu siêu thị có biết được việc giả mạo sản phẩm để mà ngăn chặn, hay cố ý tham gia. Tất cả phải được làm rõ, đúng với bản chất. Nếu như anh cố tình thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, và trước hết là uy tín thương hiệu sẽ rất giảm sút", lãnh đạo Ban Quản lý ATTP TPHCM phân tích.
Lãnh đạo Ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long để ký kết triển khai công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm, bảo đảm an toàn các sản phẩm đưa về TPHCM.
Việc ký kết góp phần khẳng định mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa các tỉnh và TPHCM được kiểm soát chặt chẽ, từ khâu sản xuất ban đầu đến sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.