Điểm tin kinh doanh 3/12: Giá vàng trong nước đột ngột giảm mạnh

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 03/12/2022

Giá vàng trong nước đột ngột giảm mạnh; Cổ phiếu tăng 3 tuần liên tiếp, nhà đầu tư rục rịch chốt lời

- Giá vàng trong nước đột ngột giảm mạnh

Giá vàng trong nước bất ngờ giảm mạnh, vàng SJC niêm yết ở mức 66,35 - 67,15 triệu đồng/lượng, tuy vậy, vàng trong nước vẫn cao hơn 14,42 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới ở cùng thời điểm.

Chốt phiên giao dịch 1/12, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng mua vào ở mức 66,35 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 67,15 triệu đồng/lượng, so với mở cửa phiên giao dịch cùng ngày, giá vàng SJC giảm 300.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC đang là 800.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 66,35 – 67,1 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mở cửa phiên giao dịch ngày 1/12. Chênh lệch giá mua – bán vàng DOJI đang là 800.000 đồng/lượng.

Cuối giờ chiều 1/12 (giờ Việt Nam) giá vàng giao dịch trên sàn Kitco ở mức 1.775,6 USD/oz, giảm 1,5 USD/oz so với mở cửa phiên giao dịch cùng ngày.

Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank ngày 1/12: 1 USD = 24.650 VND, giá vàng thế giới tương đương 52,73 triệu đồng/lượng, thấp hơn 14,42 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra chiều 1/12.

- Cổ phiếu tăng 3 tuần liên tiếp, nhà đầu tư rục rịch chốt lời

Sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm qua, sáng 2/12, VN-Index giao dịch khá giằng co. Thị trường điều chỉnh nhẹ trên diện rộng nhưng sát giờ nghỉ trưa thì hồi phục lại trên tham chiếu.

Với 3 tuần tăng liên tiếp kể từ mức 873 điểm, nhiều cổ phiếu mang lại lợi nhuận 50-150%, việc thị trường gặp các nhịp chốt lời là điều dễ hiểu. Đây là điều được giới phân tích dự báo trước đó. Thanh khoản sáng nay “tụt áp” so với hôm qua. Giao dịch kém sôi động hơn, nhưng có tín hiệu tích cực, cho thấy áp lực chốt lời không quá lớn. Yếu tố dòng tiền cần tiếp tục theo dõi. Bởi, nếu thanh khoản suy giảm, rủi ro điều chỉnh có thể xảy ra.

VN-Index tạm kết phiên sáng tăng hơn 2 điểm, nhưng số mã giảm gấp đôi lượng tăng giá. Thị trường vẫn điều chỉnh nhẹ trên diện rộng. Ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số chính là VRE, VCB, NVL, TCB… Dù vậy, 10 mã tiêu cực nhất chỉ kéo VN-Index đi lùi 2 điểm. Ngược lại, nhóm dẫn dắt thị trường, với các cái đại diện GAS,VIC, CTG, VHM, BID… mang về hơn 5 điểm.

- USD xuống đáy 5 tháng, giá vàng tăng vọt

USD rớt giá mạnh khi Fed phát đi tín hiệu sắp giảm tốc độ tăng lãi suất. Đà suy yếu của đồng bạc xanh giúp kim loại quý hưởng lợi.

Trong phiên giao dịch ngày 1/12 trên sàn New York, mỗi ounce vàng đã tăng vọt 34,3 USD, xuyên thủng ngưỡng quan trọng 1.800 USD và đánh dấu mức cao nhất trong vòng 4 tháng.

Giá vàng bước vào đà tăng trưởng từ đầu tháng 11. Kim loại quý hưởng lợi nhờ sự suy yếu của đồng USD khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng giảm tốc độ tăng lãi suất vào đầu tháng 12.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 2/12 (giờ Việt Nam), chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đã rơi một mạch xuống 104,67 điểm, ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 5 tháng.

- Lượng du khách quốc tế tới Việt Nam lập 'kỷ lục' kể từ sau Covid-19

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tháng 11/2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất kể từ khi du lịch mở cửa trở lại sau Covid-19, với hơn 596.900 lượt, tăng 23% so với tháng 10.

Tháng 11/2022, Việt Nam đón 569,9 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 23,2% so với tháng trước. Đây là số liệu vừa được Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố.

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, 11 tháng đầu năm 2022 có trên 2,95 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam và lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng dần trong các tháng cuối năm, khi bắt đầu vào mùa cao điểm. Tháng 11 vừa qua, lượng khách quốc tế vào Việt Nam cao nhất, kể từ khi du lịch mở cửa trở lại hồi tháng 3.

Trong số này, hơn 70% khách quốc tế đến Việt Nam là khách châu Á, đông nhất là du khách tới từ Hàn Quốc (763,9 ngàn lượt, tương ứng 26%). Lượng khách tới từ Mỹ xếp thứ 2 với hơn 266 ngàn lượt, chiếm 9%.

- IMF: Khả năng tăng trưởng toàn cầu chậm lại dưới 2% "ngày càng tăng"

IMF dự đoán hơn 30% nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong năm nay hoặc năm 2023, trong đó tăng trưởng kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang đình trệ.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 1/12 cảnh báo về khả năng tăng trưởng toàn cầu giảm xuống dưới 2% đang ngày càng tăng trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn chậm lại.

Bình luận trên của bà Kristalina Georgieva được đưa ra trong bối cảnh các nền kinh tế phải đối mặt với tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, đẩy giá năng lượng và nhiên liệu tăng cao, cùng với lạm phát gia tăng và tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc.

Tại hội thảo Reuters NEXT ngày 1/12, khi đề cập đến những dự đoán gần đây của tổ chức này cho năm 2023, bà Georgieva nhấn mạnh khả năng tăng trưởng toàn cầu chậm lại hơn nữa, giảm xuống dưới 2% là 25%. Tuy nhiên, khi đánh giá các chỉ số gần đây, IMF quan ngại nguy cơ này có thể tăng.

IMF dự đoán hơn 30% nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong năm nay hoặc năm 2023, trong đó tăng trưởng kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang đình trệ.

Việt Báo (Tổng hợp)