Làm rõ cơ sở bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án tòa tối cao, Đại tướng
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:36, 02/12/2022
Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, tại phiên họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của hôm qua 1/12, đại diện Bộ Công an khẳng định Luật Cảnh vệ được ban hành đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Việc ban hành luật là một bước quan trọng trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội; bảo đảm xây dựng lực lượng cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.
Dù vậy, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; quyền hạn của lực lượng cảnh vệ.
Vì vậy, Bộ Công an cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Cảnh vệ thực sự cần thiết, khắc phục những thiếu sót của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với công tác cảnh vệ.
Một điểm đáng chú ý, dự thảo luật đề xuất bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân có cấp hàm Đại tướng.
Cho ý kiến về việc này, đại diện VKSND tối cao nhấn mạnh Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và kiểm sát hoạt động tố tụng với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao. Việc bổ sung đối tượng cảnh vệ đối với 2 chức danh này hết sức cần thiết.
Trong khi đó, đại diện Bộ Nội vụ đề xuất ban soạn thảo nêu rõ các cơ sở chính trị, pháp lý để xác định cấp hàm được bảo vệ, cân nhắc xác định đối tượng cảnh vệ theo chức danh thay cho cấp hàm. Bên cạnh đó, cần đánh giá nguồn lực, quy trình thực hiện khi tổ chức bộ máy lực lượng cảnh vệ ở địa phương.
Đại diện Bộ Ngoại giao đề xuất việc quy định đối tượng cảnh vệ bám sát Kết luận số 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam cũng nên là đối tượng được cảnh vệ.
Nhất trí cần thu hẹp các hội nghị, lễ hội là đối tượng cảnh vệ, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đánh giá chi tiết sự tương thích của hồ sơ dự án luật với Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Làm rõ các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, thực tiễn tại tờ trình và đánh giá cụ thể tác động của các chính sách đối với kinh tế - xã hội, với hệ thống pháp luật.
Đại diện Bộ Công an (cơ quan soạn thảo) khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2017 trong thời gian tới.
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhất trí cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2017. Bà đề nghị làm rõ các cơ sở xây dựng luật, đánh giá cụ thể các Điều ước quốc tế đã rà soát, cân nhắc quy định các đối tượng cảnh vệ theo chức danh.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung nguyên tắc áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với đối tượng vừa giữ chức danh trong Đảng, vừa giữ chức danh trong Nhà nước; đưa ra tiêu chí xác định sự kiện đặc biệt quan trọng.
Như Dân trí đã thông tin, dự thảo luật đề xuất chế độ cảnh vệ đối với Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân có gồm: Bảo vệ an toàn về người và bảo vệ an toàn về giao thông.
Biện pháp cảnh vệ gồm: Bảo vệ tiếp cận; sử dụng khoa học và công nghệ, phương tiện trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; thẻ, phù hiệu; biện pháp khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.