Cổ phiếu bất động sản rung lắc, giao dịch tăng vọt
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 11:33, 02/12/2022
Áp lực bán chốt lời gia tăng vào đầu phiên giao dịch 2/12 sau khi một số nhóm cổ phiếu đã hồi phục mạnh trong tuần.
Áp lực chốt lời ở thời điểm này cũng đã được nhiều công ty chứng khoán dự báo sau khi VN-Index tăng gần 20% trong 2 tuần. Nhiều cổ phiếu đã tăng 30-50%, một vài mã thậm chí tăng gấp 2 lần.
Chỉ số VN-Index mở cửa phiên 2/12 giảm 2-3 điểm nhưng tới 10h tăng hơn 3 điểm. Thanh khoản trên HOSE đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 2/12, một số cổ phiếu bất động sản nối dài các phiên tăng trần trước đó như Phát Đạt (PDR), DIC Corp. (DIG), Đất Xanh (DXG)… Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời tăng lên đã khiến nhiều cổ phiếu quay đầu giảm.
Dù vậy, sức cầu đối với các cổ phiếu ngành địa ốc vẫn còn khá lớn trong bối cảnh các mã này trước đó giảm 80-90% do áp lực về thanh khoản trên thị trường tài chính nói chung và nhóm doanh nghiệp ngành bất động sản nói riêng, cũng như áp lực bán giải chấp cổ phiếu lãnh đạo nhiều doanh nghiệp.
Hiện tại, mức giá của nhiều cổ phiếu bất động sản chỉ bằng 20-40% so với đỉnh cao ghi nhận hồi đầu năm. Đây có thể là lý do khiến sức mua đối với các mã này còn khá lớn.
Tính tới 9h42 sáng 2/12, Bất động sản Phát Đạt (PDR) của chủ tịch Nguyễn Văn Đạt ghi nhận gần 31,2 triệu đơn vị được chuyển nhượng; DIC Corp của ông Nguyễn Thiện Tuấn chứng kiến gần 13 triệu đơn vị được sang tay.
Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn cũng có hơn 5,4 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn.
Trước đó, các mã cổ phiếu này giảm sàn hàng chục phiên, khiến nhiều ông chủ bốc hơi cả tỷ USD.
Hôm 29/11 cũng ghi nhận Bất động sản Phát Đạt (PDR) lần đầu tăng trần sau 17 phiên giảm sàn liên tiếp. Tài sản của chủ tịch Nguyễn Văn Đạt tụt giảm, một phần do cổ phiếu giảm bốc hơi gần 80% và một phần do bị các CTCK bán giải chấp. Với khoảng 300 triệu cổ phiếu PDR, ông Nguyễn Văn Đạt từng có tài sản lên tới hơn 1 tỷ USD, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 7.000 tỷ đồng.
Giới đầu tư gần đây đánh cược vào khả năng các doanh nghiệp bất động sản đã phần nào tái cấu trúc được các khoản nợ trái phiếu và bớt khó khăn khi mà các kênh huy động vốn có thể sẽ dễ thở hơn.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến tích cực khi thanh khoản trên thị trường tăng mạnh và trở lại gần ngưỡng tỷ USD. Khối ngoại mua ròng kỷ lục tới hàng chục nghìn tỷ đồng trong tháng 11.
Áp lực chốt lời là rõ ràng nhưng dòng tiền mạnh. Thanh khoản 3 phiên gần đây thể hiện mức cải thiện rất tích cực. Đỉnh điểm là phiên giao dịch 1/12 đã đạt gần 1 tỷ USD. Trong khi đó, hiện tượng ''giải chấp" các ông chủ có lẽ đã qua.
Nền kinh tế đón nhận nhiều thông tin tích cực.
Đồng USD trên thế giới giảm mạnh gần đây, chỉ số DXY giảm từ 115 điểm xuống dưới ngưỡng 105 điểm hôm 2/12, qua đó bớt áp lực đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo Reuters, Trung Quốc nới các hạn chế chống Covid-19 tại một số địa phương.
Tại Việt Nam, tăng trưởng vẫn cao, lạm phát chỉ tăng 4,37% trong tháng 11 (so cùng kỳ). Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 tháng, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng mạnh hơn 33% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa trong 11 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,6 tỷ USD).