Đi khám vì mờ mắt, không ngờ mắc bệnh 'giết người thầm lặng'
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 10:18, 02/12/2022
Đái tháo đường (ĐTĐ) là căn bệnh rối loạn chuyển hóa đường máu. Khi đó, lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, mù lòa, nhồi máu cơ tim, đột qụy, nhiễm trùng,...
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới năm 2017, toàn cầu đã có 425 triệu người mắc ĐTĐ, con số này sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040. Mỗi giây căn bệnh này cướp đi sinh mạng của ít nhất 6 người trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, theo báo cáo nghiên cứu khoa học điều tra tỷ lệ đái tháo đường, tiền đái tháo đường của TS. BS Phan Hướng Dương, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, thực hiện từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2020 tại 63 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy, tỷ lệ ĐTĐ trên toàn quốc là 7,3%, tỷ lệ tiền ĐTĐ toàn quốc 17,8%.
ĐTĐ được ví như kẻ giết người thầm lặng bởi nó không gây ra cái chết nhanh chóng nhưng sẽ âm thầm hủy hoại sức khỏe của người bệnh, nếu phát hiện muộn sẽ dẫn tới tử vong. Thế nhưng theo thống kê của TS. Phan Hướng Dương, tỷ lệ mắc ĐTĐ không được chẩn đoán trên toàn quốc chiếm tới 62,6%.
Trao đổi vớiPV Infonet, TS. BS Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, có rất nhiều trường hợp đi khám vì mờ mắt. Tại bệnh viện các bác sĩ phát hiện đục thủy tinh thể, có chỉ định mổ thay thủy tinh thể. Nhưng đi làm xét nghiệm các chỉ số trước mổ thì lại phát hiện bệnh nhân mắc ĐTĐ.
“Vậy là các bác sĩ phải điều trị ổn định đường máu mới mổ được. Điều này gây rất nhiều bất lợi cho bệnh nhân. Nếu thời gian ổn định đường huyết kéo dài, người bệnh rất dễ đối diện với nguy cơ mù loà”, TS. BS Đỗ Đình Tùng cho hay.
Lý giải điều này, vị Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh pôn cho biết, trong bệnh cảnh chung của bệnh ĐTĐ có xu hướng dẫn đến những tổn thương của vi mạch. Thông thường vi mạch tổn thương sớm hơn so với các bộ phận khác nếu tổn thương võng mạc. Người bệnh có thể phát hiện dấu hiệu nhìn mờ- đó là những tổn thương võng mạc của người mắc ĐTĐ.
Theo thống kê, người mắc ĐTĐ typee 1 sau 5 năm sẽ có những tổn thương võng mạc mắt. Với bệnh nhân ĐTĐ type 2 bệnh nhân có thể gặp các tổn thương này ngay sau khi mắc ĐTĐ. Có nghĩa là nếu phát hiện muộn, ĐTĐ đã ở type 2 thì ngay khi phát hiện mắc ĐTĐ thì người bệnh đã có tổn thương võng mạc mắt.
Ngoài ra, TS. BS Đỗ Đình Tùng cũng cho biết thêm những người kiểm soát đường huyết không tốt hoặc những người lần đầu phát hiện ĐTĐ đã có đường huyết rất cao, những người không được điều trị thường xuyên, bỏ thuốc, tái khám không đúng… cũng dẫn đến nguy cơ tổn thương võng mạc nhiều hơn những người kiểm soát đường huyết tốt.
“Để phòng ngừa những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, tôi khuyến cáo người bệnh ngay từ khi phát hiện đái tháo đường sẽ phải thăm khám mắt, võng mạc (chụp võng mạc) để chẩn đoán sớm tổn thương võng mạc mắt. Hàng năm, bệnh nhân phải đi khám mắt, võng mạc mắt thường xuyên, định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần để phát hiện sớm biến chững võng mạc mắt.
Nếu có các triệu chứng phải khám mắt ngay, xét nghiệm các chỉ số cơ bản trong đó có các chỉ số chẩn đoán đái tháo đường như glucose, HbA1c”, TS. BS Đỗ Đình Tùng khuyến cáo.
TS. BS Đỗ Đình Tùng cũng lưu ý, ĐTĐ có thể “ghé thăm” bất cứ ai, từ người trẻ cho tới người già, từ nam cho tới nữ. Thậm chí là bệnh ĐTĐ thai kỳ chiếm từ 3 tới 7% tổng số phụ nữ mang thai, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Nhưng vì nhiều lý do mà hơn 60% số người mắc tiểu đường không biết mình bị bệnh và khoảng 85% người phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn biến chứng, rất khó điều trị.
“ĐTĐ giai đoạn đầu không có triệu chứng, do đó cách tốt nhất là người dân hàng năm phải khám chuyên khoa nội tiết đái tháo đường”, TS. BS Đỗ Đình Tùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, nếu đã có những dấu hiệu cảnh báo dưới đây thì người bệnh không nên bỏ qua mà cần được đi khám ĐTĐ ngay, như: Khát nước liên tục; sụt cân không rõ lý do, đây là một dấu hiệu dễ dàng nhận biết; đi tiểu thường xuyên hơn; thị lực giảm; dễ bị nhiễm trùng và nấm...
N. Huyền