Hết sốt xuất huyết bao nhiêu ngày mới được đi làm?

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 15:22, 30/11/2022

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết chủ quan vừa hết sốt đã vội đi làm có thể gặp biến chứng nguy hiểm...

Chị Đỗ Thị Thảo (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết chị vừa bị sốt xuất huyết. Triệu chứng sốt cao, đau mỏi như có ai dần nhưng đến khi vừa cắt sốt chị Thảo đã vội đi làm vì hết ngày nghỉ phép và cơ quan cuối năm lại có quá nhiều việc. Vì tham công, tiếc việc bà mẹ trẻ vẫn đi làm mặc kệ khuyên ngăn của nhiều người.

Tuy nhiên, khi đi làm, chị Thảo rơi vào trạng thái mệt mỏi, vật vã, đau vùng hạ sườn và người bứt rứt, chân tay lạnh. Khi vào viện cấp cứu tiểu cầu giảm chỉ còn hơn 80G/l. Bác sĩ cho biết đây là mức nguy hiểm phải nhập viện để truyền tiểu cầu.

Theo Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội nhiều người còn chủ quan với sốt xuất huyết. Về nguyên tắc người bệnh sốt xuất huyết sau khi cắt sốt 3 ngày mới có thể yên tâm đi làm.

Bởi vì, sau giai đoạn này nguy cơ biến chứng ít hơn nhưng nếu người bệnh chủ quan bỏ qua lời khuyến cáo của bác sĩ vẫn đi làm thì nếu biến chứng người bệnh sẽ phải trả giá.

Sốt xuất huyết năm 2022 nhiều ca nặng hơn do người dân chủ quan. Thạc sĩ Thái cho rằng qua dịch Covid-19 cộng thêm nhiều dịch do virus khác nên khi sốt người bệnh đều tự ở nhà, tự theo dõi và tự chữa. Hết sốt họ đi làm. Mặc dù tỷ lệ biến chứng sốt xuất huyết sau khi hết sốt chỉ chiếm 10% nhưng ai cũng có nguy cơ bị biến chứng.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương.

Sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm là giai đoạn từ 3 tới 7 ngày. Khi đó đa số người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu nhưng đây là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam…

Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong.

Vì vậy, giai đoạn hết sốt là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.

Theo BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi hội bệnh truyền nhiễm, TP.HCM cho biết sốt xuất huyết đặc điểm người bệnh sốt cao và hết thuốc hạ sốt thì sẽ sốt lại. Người bệnh có thể sốt cao từ 3 đến 5 ngày.

Trong 48h đầu cũng chưa chắc bạn đã biết mình đã bị sốt xuất huyết. Kèm theo sốt, người bệnh bị đau nhức hốc mắt, mỏi cơ, kèm theo nôn ói.

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh có thể điều trị tại nhà nhưng tuyệt đối không tự điều trị mà phải có bác sĩ theo dõi. Nhiều người có thói quen lên mạng tự tìm hiểu cách điều trị sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm. Bởi thực tế, ngay cả đôi khi bác sĩ khám bệnh nhân 2, 3 lần một ngày vẫn thấy diễn biến bệnh thay đổi.

Sai lầm trong điều trị sốt xuất huyết không phải là hết sốt là hết bệnh. Giai đoạn đầu của sốt xuất huyết sốt rất cao, sử dụng hạ sốt để cơ thể hết sốt nhưng khi hết sốt chưa phải là hết bệnh.

Khi uống hạ sốt phải uống đúng liều, đúng cữ không tự tăng liều, đổi thuốc vì đó là thói quen nguy hiểm có thể gây hại cho gan. Khi hạ sốt, người bệnh vẫn phải tuân thủ theo dõi các nguy cơ biến chứng xảy ra.

Bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc xin và thuốc đặc trị cho bệnh. Khi bị sốt xuất huyết người bệnh nên đến các cơ sở y tế khám để được hướng dẫn của bác sĩ trong điều trị, hạn chế biến chứng nặng của bệnh gây ra.

BS Khanh nhấn mạnh, người bệnh cần nhớ những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như đau bụng vùng bên phải, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, đi cầu ra máu, tay chân lạnh, choáng váng, khó thở, xuất huyết ồ ạt…

Trường hợp không có dấu hiệu cảnh báo thì trong thời gian bác sĩ hẹn khám lại bạn cần trở lại cơ sở y tế để được khám dù cơ thể bạn đã khoẻ.

Khánh Chi