Sốc phản vệ độ 3 khi chạy bộ, nguyên nhân do đâu?
Tin Y tế - Ngày đăng : 12:01, 30/11/2022
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP Hồ Chí Minh cho biết ngày 28/11 tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.T.T. 23 tuổi, sốc phản vệ khi chạy bộ do cơ địa hay nổi mề đay khi tập thể dục mạnh.
Theo BSCKI Nguyễn Hoàng Khương, khoa Cấp cứu, bệnh nhân được người nhà đưa đi cấp cứu trong tình trạng nổi hồng ban toàn thân, phù mắt và môi, huyết áp giảm 70/40 mmHg (mức bình thường 120/80 mmHg).
Bác sĩ nhận định người bệnh sốc phản vệ độ 3 do tập thể dục quá sức khiến toàn thân nổi mề đay, sưng mắt và môi, ngứa, tụt huyết áp, khó thở, tím tái. Ngay lập tức, chị T. được tiêm adrenaline, methylprednisolone, diphenylhydramin theo phác đồ điều trị chuẩn của Bộ Y tế.
Sau hơn 2 giờ cấp cứu khẩn trương, người bệnh giảm ngứa, mắt và môi bớt sưng, hết khó thở, huyết áp về ngưỡng an toàn, mạch ổn định trở lại.
Chị T. được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để theo dõi ít nhất 24 giờ phòng trường hợp sốc phản vệ tái diễn. Hiện bệnh nhân khỏe và được xuất viện.
Sau trường hợp này, nhiều người tỏ ra lo ngại bởi hiện nay có quá nhiều giải chạy được tổ chức. Ở đây, người ta mới chỉ gặp những trường hợp đột quỵ trên đường đua. Thế nhưng giờ đây lại ghi nhận trường hợp sốc phản vệ độ 3, nếu không được cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong rất lớn.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, PGS. TS . BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, trong hoạt động thi đấu thể thao, hoạt động gắng sức với cường độ cao, vận động lớn có thể xảy ra một số bệnh lý cấp cứu cấp tính.
Trong đó nổi trội nhất là các vấn đề tim mạch, đột quỵ, hô hấp, suy kiệt nguồn năng lượng, hạ đường huyết. Nặng hơn có thể xảy ra tiêu cơ vân, tiêu cơ bắp gây ra suy thận cấp dẫn đến tình trạng kiệt sức.
“Sốc trong tập luyện thi đấu thể dục thể thao thường rất ít xảy ra với biểu hiện nhẹ ngất xỉu, bất tỉnh sau đó hồi phục lại do hạ đường uyết hoặc do tụt huyết áp. Nặng hơn gây ra đột quỵ, bệnh lý tim mạch hoặc tăng huyết áp.
Trường hợp sốc phản vệ khi tập luyện, thi đấu thể thao thường liên quan đến dị ứng (thường do cơ địa dị ứng). Có thể trước đó, người này (bệnh nhân Đ.T.T.T.) đã tiếp xúc một loại gì đó qua đường thở hoặc uống loại gì đó qua đường tiêu hoá.
Khi vào tập luyện, các yếu tố đó kích hoạt gây ra dị ứng. Những trường hợp nặng là bị sốc do dị ứng”, PGS. TS Võ Tường Kha nêu.
Tuy nhiên, Giám đốc BV Thể thao nhấn mạnh, thông thường VĐV về đến đích mới dị ứng. Nhưng trong trường hợp người bệnh ở TP Hồ Chí Minh vừa mới xảy ra khi đang chạy thì đã bị dị ứng thì khả năng người này đã có tiền sử dị ứng và trước đó đã tiếp xúc với những tác nhân gây nên tình trạng này.
Ngoài ra, trong thể thao, khi hoạt động quá sức, cường độ kéo dài, cường độ lớn thường sẽ gây ra tình trạng viêm cơ, dẫn đến tiêu cơ vân. Mà viêm cơ sản sinh ra chất cytokine - gây ra giãn mạch, thoát huyết tương gây ra dị ứng.
“Điều này lý giải vì sao có người vừa mới chạy đã ngứa râm ran khắp người. Bởi trong khi giải phóng cytokine hàng loạt thì sẽ gây ra tình trạng thoát mạch, thoát huyết tương và gây ra phù nề, phù cấp thanh quản, não, tiêu hoá; ban,sẩn ngứa, mề đay ngoài da”, PGS. TS Võ Tường Kha nhấn mạnh.
Nếu bệnh nhân đã có cơ địa dị ứng rồi mà lại kèm theo các tác nhân (ăn, uống hoặc hít phải chất gây dị ứng) thì sẽ khiến cơn bão cytokine nặng lên, diễn biến nhanh hơn.
“Ở đây có hai tình huống có thể xảy ra: có thể bệnh nhân Đ.T.T.T. đã có cơ địa dị ứng nhưng cũng có thể do hoạt động quá mức là yếu tố sản sinh ra cơn bão cytokine”, PGS. TS Võ Tường Kha phỏng đoán.
Ông cho rằng, để phòng ngừa thì người dân cần phải rà soát, kiểm tra xem mình có cơ địa dị ứng hay không. Nếu có cơ địa dị ứng thì phải loại trừ những tác nhân gây dị ứng trước khi vào giải thi đấu.
Đặc biệt đối với người chưa tập luyện thường xuyên thì phải có quá trình tập luyện với mức độ tăng dần đều để thích nghi với lượng vận động, cường độ vận động lớn.
Người chưa tập luyện bao giờ, chưa thích nghi mà vào tập luyện cường độ mạnh hay thi đấu ngay sẽ sản sinh ra các cytokine rất lớn gây ra viêm, sản sinh ra các chất gây dị ứng.
“Như vậy cần phải có quá trình luyện tập, không phải hứng lên chạy đua với thiên hạ là chết. Hoặc mới chỉ chạy quanh bờ hồ vài ba Km nhưng lại đăng ký chạy giải nọ, giải kia lên tới hàng chục km cũng nguy. Tóm lại cần có sự thích nghi”, PGS. TS Võ Tường Kha nhấn mạnh.
Ngoài ra, BS Võ Tường Kha cũng hướng dẫn, người dân có thể nhận biết cơ thể có dị ứng khi tập thể dục qua những triệu chứng: Nóng bừng, đỏ da, nổi mề đay, ngứa sưng mắt, môi, khó thở, thở khò khè, tụt huyết áp, chóng mặt, té ngã,…
Trong trường hợp gặp các tình huống như trên, người tập luyện, thi đấu thể thao phải dừng ngay và đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ kiểm tra, xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Với người từng dị ứng, sốc phản vệ khi tập thể dục hãy hỏi bác sĩ để được kê thuốc uống chống dị ứng trước khi tập và tập ở cường độ vừa phải. Ngoài ra, bác sĩ sẽ tìm ra môn thể thao phù hợp với từng bệnh nhân.
N. Huyền