Ông Trần Đình Long có thêm 500 triệu USD trong nửa tháng, Novaland rung lắc

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 10:59, 30/11/2022

Thị trường chứng khoán rung lắc khi áp lực bán chốt lời tăng cao. Tuy nhiên, một số cổ phiếu “quốc dân” như HPG, VNDirect, Novaland tiếp tục tăng giá. Ông Trần Đình Long có thêm 500 triệu USD trong nửa tháng.

Áp lực bán chốt lời áp đảo ngay đầu phiên 30/11 khiến chỉ số VN-Index có lúc giảm 10 điểm xuống 1.022 điểm.

Tuy nhiên, sức cầu cũng khá cao. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh mua vào. Đây là yếu tố giúp thị trường cân bằng trở lại. Nhiều cổ phiếu trở lại với xu hướng tăng giá được xác lập từ cuối tuần trước.

Tới 9h45, VN-Index giảm 1,64 điểm xuống 1.030,52 điểm.

Cổ phiếu Novaland (NVL) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp sau khi bị bán mạnh và chuyển sang màu xanh vào đầu giờ sáng. Lúc 9h45, Novaland còn dư mua ở mức giá trần hơn 4,5 triệu đơn vị. Khớp lệnh đạt hơn 10,5 triệu đơn vị. Hôm 29/11, Novaland kết thúc chuỗi 17 phiên sàn.

Cổ phiếu Bất động sản Phát Đạt (PDR) của ông Nguyễn Văn Đạt cũng tăng trần mạnh mẽ với dư mua hơn 38 triệu đơn vị. Cổ phiếu này trước đó có 17 phiên giảm sàn liên tiếp.

Nhiều mã bất động sản tiếp tục tăng giá. (Nguồn: FPTS)

Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long tiếp tục tích cực, có lúc tăng lên 17.700 đồng sau khi đã tăng 45% kể từ đáy giữa tháng 11. Ông Trần Đình Long ghi nhận túi tiền tăng thêm gần 500 triệu USD, từ mức 938 triệu USD hôm 14/11 lên 1,4 tỷ USD vào 29/11.

Tới 9h50 khối ngoại mua ròng gần 2,2 triệu cổ phiếu HPG.

Nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng nhiều cổ phiếu, trong đó có nhóm cổ phiếu chứng khoán (VND, SSI)…

Ông Trần Đình Long có thêm 500 triệu USD trong nửa tháng. (Nguồn: Forbes)

Nhóm ngân hàng, trong khi đó, diễn biến kém tích cực. Nhiều mã giảm giá như Sacombank (STB), ACB, BIDV (BID), Vietinbank (CTG), HDBank (HDB), MBBank (MBB), Techcombank (TCB), VPBank (VPB)…

Lực đỡ từ nhóm bất động sản và dòng tiền ngoại

Lực đỡ cho thị trường chứng khoán đến từ nhóm các cổ phiếu bất động sản. Nhiều mã tiếp đà hồi phục mạnh mẽ như: TDC, KDH, DIG, NHA, DRH, DLG…

Nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào. Trong phiên 29/11, khối này giải ngân hơn 2.600 tỷ đồng vào cổ phiếu Việt, trong bối cảnh thị trường đang hồi phục nhưng vẫn còn ở mức khá thấp. VN-Index hiện quanh ngưỡng 1.030 điểm, so với mức 1.520 điểm hồi đầu tháng 4.

Tình hình vĩ mô vẫn khá tích cực. Tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao. Lạm phát ghi nhận ở mức khá thấp 4,37% trong tháng 11 (so với cùng kỳ). Tỷ giá ổn định trở lại. Trong khi thanh khoản trên hệ thống ngân hàng khá tốt.

Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam ước xuất siêu 10,6 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 0,6 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Thị trường trái phiếu ổn định trở lại. Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang vừa hoàn tất phát hành trái phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm.

Nhiều doanh nghiệp cho thấy nội tại khá mạnh và có khả năng xoay vốn trong tình cảnh khó khăn.

Dòng vốn ngoại vẫn đổ vào Việt Nam qua nhiều kênh, từ FDI, FII cho tới cho vay các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Hôm 29/11, Masan cho biết đã nhận khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD từ 37 tổ chức tài chính quốc tế. Trước đó, VPBank thỏa thuận thành công vay 500 triệu USD từ các định chế lớn. SeABank cũng đã ký kết với DFC của Mỹ vay 200 triệu USD trong 7 năm. Chứng khoán Bản Việt vay 105 triệu USD từ nhóm ngân hàng nước ngoài…

Quỹ Fubon huy động 160 triệu USD và sẽ đổ vào chứng khoán Việt từ đầu tháng 12.

Hiện giới đầu tư cũng kỳ vọng vào tín hiệu mở cửa nền kinh tế Trung Quốc. Nước này cho biết, 65,8% người trên 80 tuổi đã được tiêm mũi vắc xin Covid-19 bổ sung. Bắc Kinh cũng thông báo số ca dương tính tại đại lục đã giảm lần đầu tiên sau hơn một tuần liên tục phá đỉnh. Chỉ số chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải ngày 29/11 đều tăng điểm.

Chứng khoán Mỹ chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell (vào thứ Tư). Fed gần đây phát tín hiệu sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất.