Những quốc gia có nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất thế giới
Tin thế giới - Ngày đăng : 08:52, 30/11/2022
Theo Báo cáo tình trạng ngành công nghiệp hạt nhân, sản lượng điện hạt nhân toàn cầu đã tăng 3,9% vào năm 2021, sau khi giảm với tốc độ tương tự một năm trước đó.
Tính đến năm 2022, có tổng cộng 411 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động trên toàn thế giới, giảm hơn 18 lò so với năm 2012. Hiện tại, có 29 lò phản ứng trong tình trạng bảo quản dài hạn và 53 lò phản ứng đang được xây dựng, trong đó có hơn một nửa ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo và tâm lý tiêu cực của công chúng đối với năng lượng hạt nhân sau những thảm họa trước đó như Chernobyl hay Fukushima đã và đang khiến điện hạt nhân không còn được đầu tư phát triển nhiều.
Tỉ trọng năng lượng hạt nhân trong sản xuất điện toàn cầu đã giảm từ 17,5% năm 1996 xuống chỉ còn 9,8% vào năm 2021, do nhiều quốc gia đã hoãn hoặc từ bỏ chiến lược hạt nhân của họ.
Có bao nhiêu quốc gia đang vận hành lò phản ứng hạt nhân?
Thế giới hiện có 33 quốc gia đang vận hành lò phản ứng điện hạt nhân, trong đó chỉ có 15 quốc gia vẫn đang tích cực theo đuổi công nghệ hạt nhân (gồm 2 quốc gia mới bắt đầu sản xuất điện hạt nhân vào năm 2020 là Belarus và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE).
Trung Quốc là cường quốc hạt nhân phát triển nhanh nhất thế giới. Đất nước này đã sử dụng năng lượng hạt nhân từ đầu những năm 1990 và hiện có 55 lò phản ứng hạt nhân, hầu hết trong số đó đã được kết nối với lưới điện chỉ trong 10 năm qua.
Trong khi đó, Mỹ vẫn là cường quốc lớn nhất thế giới về năng lượng hạt nhân với 92 lò phản ứng đang hoạt động tính đến tháng 7/2022. Tuy nhiên, số lượng lò phản ứng đã giảm 12 lò so với 10 năm trước.
Quốc gia có số lượng lò phản ứng hạt nhân giảm nhiều nhất trong thập kỷ qua là Nhật Bản, với 34 lò đã ngừng hoạt động.
Với chỉ 10 lò phản ứng đang hoạt động vào thời điểm hiện tại, Nhật Bản được cho là sẽ sớm chính thức từ bỏ việc xây dựng các cơ sở mới.
Trong số các quốc gia có chương trình năng lượng hạt nhân, cho đến nay chỉ có 3 quốc gia đóng cửa tất cả các lò phản ứng, đó là Italy năm 1987, Kazakhstan năm 1998 và Litva năm 2009. Đức gần đây đã gia hạn hoạt động của một số lò phản ứng để đối phó với khủng hoảng năng lượng nhưng dự kiến sẽ ngừng sản xuất điện hạt nhân vào năm 2020-2023.
Lò phản ứng hạt nhân lâu đời nhất và mới nhất trên thế giới
92 lò phản ứng hạt nhân của Mỹ hiện đang hoạt động có tuổi thọ trung bình là 41,6 năm, lâu đời thứ 3 trên thế giới. Các lò hạt nhân lâu đời hơn là thuộc về Thụy Sĩ (46,3 năm) và Bỉ (42,3 năm).
Mỹ ngày nay là một trong 15 quốc gia duy nhất được Báo cáo tình trạng ngành công nghiệp hạt nhân liệt kê là tích cực theo đuổi năng lượng hạt nhân. Điều này bao gồm các chương trình hạt nhân mới ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Belarus và Iran chỉ được bắt đầu trong thập kỷ qua, cũng như một chương trình mới hơn ở Trung Quốc bắt đầu sản xuất điện vào năm 1991 và ngày nay có tuổi thọ trung bình của nhóm lò phản ứng là 9 năm.
Ấn Độ, vận hành một chương trình năng lượng hạt nhân từ năm 1969, tuy nhiên, việc xây dựng gần đây hơn nhiều so với Mỹ, đạt được tuổi lò phản ứng trung bình hiện tại là 24,2 năm.
Trung Quốc và Nga, cũng như Argentina, cũng đang phát triển các lò phản ứng kiểu mô-đun nhỏ với các nguyên mẫu đang trong giai đoạn thiết kế.
Mỹ giúp Thái Lan phát triển lò phản ứng hạt nhân nhỏ
Thái Lan không có điện hạt nhân và mối lo ngại của công chúng về điều này càng gia tăng sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011. Tuy nhiên, tháng 11/2022, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố Washington sẽ giúp Thái Lan phát triển các lò phản ứng hạt nhân nhỏ trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Những lò này sẽ an toàn vì không cần sự can thiệp của con người để tắt trong trường hợp khẩn cấp.
Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Thái Lan để triển khai công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ, chế tạo tại nhà máy và di động. Chúng cũng chiếm một diện tích nhỏ hơn so với các giải pháp năng lượng thay thế khác. Những lò phản ứng như vậy thường được coi là an toàn hơn vì chúng không cần sự can thiệp của con người để đóng trong trường hợp khẩn cấp.
Pháp tìm cách đẩy nhanh việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân
Trước cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, Pháp đã soạn thảo dự luật nới lỏng thủ tục hành chính cấp phép cho các nhà máy điện hạt nhân mới, với mục tiêu tăng gấp đôi số lượng nhà máy điện hạt nhân và năng lượng tái tạo ở đất nước này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã coi năng lượng hạt nhân là trọng tâm trong nỗ lực đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, với kế hoạch xây dựng ít nhất 6 lò phản ứng mới.
Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết mục tiêu của dự luật là đẩy nhanh việc cấp giấy phép hành chính để đáp ứng lộ trình xây dựng lò phản ứng điều áp châu Âu (EPR). Dự luật này sẽ giảm bớt quy trình cấp phép hành chính cho các lò phản ứng được xây dựng gần các lò phản ứng hạt nhân cũ hơn.
Theo cơ quan năng lượng quốc gia Pháp, nước này có 56 nhà máy điện hạt nhân, cung cấp 70% điện năng cho cả nước.
Hạ Thảo (lược dịch)