Hội An trưng bày gốm Chu Đậu được trục vớt ở vùng biển Cù Lao Chàm
Dòng chảy - Ngày đăng : 11:51, 29/11/2022
Theo ông Phan Văn Quang - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, đây là kết quả của suốt quá trình tổ chức bảo quản, xử lý, kiểm kê, nghiên cứu loại hình cổ vật này kể từ khi dự án khai quật khảo cổ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An kết thúc vào năm 1999 đến nay.
Dự án khai quật khảo cổ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm, TP Hội An, Quảng Nam do Bộ Văn hóa Thông tin (cũ), Công ty Saga (Malaysia), Công ty Visal (Bộ GTVT) và trường Đại học Oxford (Anh) triển khai từ 1997 đến 1999.
Năm 2000, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã chia sẻ, chuyển giao cho UBND TP Hội An 500 hiện vật gốm Chu Đậu được khai quật từ di tích tàu đắm cổ này.
Sau khi tiếp nhận, Hội An đã giao Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa quản lý và phát huy số hiện vật nói trên cùng với gần 5.000 hiện vật khác được thu giữ từ các tàu cá trục vớt trái phép tại khu vực tàu đắm cổ.
Tuy vậy, phần lớn số hiện vật này đều tình trạng bảo tồn không nguyên vẹn, đa số bị sứt bể và rất nhiều trong số đó chỉ là những mảnh vỡ.
Sau khi tiếp nhận, Trung tâm đã tổ chức quản lý, thực hiện các quy trình chuyên môn nghiệp vụ như đăng ký kiểm kê, bảo quản; xây dựng hồ sơ khoa học và được kiểm kê, đánh giá hàng năm.
Trung tâm cũng đã lựa chọn một số loại hình hiện vật để trưng bày, bổ sung tại Bảo tàng gốm sứ Mậu Dịch Hội An.
Ông Phan Văn Quang - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An - cho hay xuất phát từ việc nhận thấy tình trạng bảo tồn không tốt của số hiện vật gốm Chu Đậu mà Hội An đang có, tháng 12/2021, đơn vị đã kiến nghị UBND TP Hội An trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu chuyển giao thêm một số hiện vật nguyên vẹn, có giá trị cao hơn để làm phong phú thêm bộ sưu tập cũng như hệ thống trưng bày phát huy gốm Chu Đậu.
Trên cơ sở đó, ngày 3/6, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất giao 103 hiện vật gốm Chu Đậu được khai quật từ di tích tàu đắm cổ ở Cù Lao Chàm có tình trạng bảo tồn nguyên vẹn và đã có số kiểm kê, cùng với 40 hiện vật vỡ và 3 mảnh vỡ đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam về Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An để bảo quản và phát huy lâu dài.
Trong thời gian qua Trung tâm đã tập trung nghiên cứu, tuyển chọn những hiện vật tiêu biểu, xây dựng phương án thiết kế để thiết lập phòng trưng bày chuyên đề "Gốm Chu Đậu - cổ vật từ lòng biển Cù lao Chàm" với hơn 120 hiện vật tiêu biểu nhất lần đầu tiên được lựa chọn để giới thiệu đến công chúng.
Số cổ vật gốm Chu Đậu được khai quật từ di tích con tàu đắm Cù Lao Chàm đưa vào trưng bày giới thiệu tại đây có niên đại vào thế kỷ XV, thuộc nhiều chủng loại chén, bát, đĩa, hộp hũ, bình.
Phương pháp và kỹ thuật chế tác đã đạt đến trình độ cao, được chuốt bằng bàn xoay, sau đó được trang trí và tráng men.
Các hiện vật được trang trí chủ yếu bằng các hình thức vẽ, khắc, đắp nổi kết hợp chạm thủng, được tráng hoặc trang trí nhiều loại men khác nhau, phổ biến là các loại men trắng, hoa lam, men ngọc, xanh lục, vàng nhạt, men rạn và men tam thái.
Những họa tiết, hoa văn chủ yếu trên dòng gốm này được thể hiện tinh tế, mềm mại, cân đối, hài hòa với các đồ án trang trí về các loại hoa sen, cúc, đào; cây cỏ, chim, cá; cảnh thiên nhiên, làng quê dân dã; hoạt động thường nhật của con người như hình người đội nón, người câu cá trên sông. Tất cả thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ông Phan Văn Quang cho rằng từ thông điệp của các hiện vật được trưng bày sẽ phần nào giúp người xem hình dung được sự phát triển mạnh mẽ của đồ gốm Việt Nam trên con đường mậu dịch quốc tế, cũng như vai trò vị trí Cù Lao Chàm - Hội An trên tuyến đường hàng hải quốc tế trong nhiều thế kỷ trước.