Novaland, Phát Đạt tăng trần, cổ phiếu bất động sản tưng bừng
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 10:39, 29/11/2022
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch 29/11 ghi dấu sự trở lại của 2 mã cổ phiếu bị bán sàn hàng chục phiên qua: Novaland (NVL) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn và và Bất động sản Phát Đạt (PDR) của ông Nguyễn Văn Đạt.
Cú đảo chiều của Novaland và Bất động sản Phát Đạt tác động tích cực thêm cho nhóm cổ phiếu bất động sản. Chỉ số VN-Index nhích tăng lên sau khi đã tăng mạnh nhất châu Á (+3,52%) trong phiên 28/11 và chinh phục thành công ngưỡng 1.000 điểm.
Tới 9h45, VN-Index tăng 10,63 điểm lên 1.016,34 điểm.
Novaland sáng 29/11 đảo chiều tăng trần lên 21.850 đồng/cp sau khi kết thúc chuỗi 17 phiên sàn vào chiều 28/11 với mức giá tham chiếu. Hàng nghìn tỷ đồng được đổ vào thị trường đã giải cứu thành công cổ phiếu này.
Cổ phiếu Bất động sản Phát Đạt (PDR) của ông Nguyễn Văn Đạt sáng 29/11 cũng quay đầu tăng trần ngay đầu phiên với dư mua tính tới 9h26 phút ở mức hơn 10,4 triệu đơn vị. Trước đó, PDR có 17 phiên giảm sàn liên tiếp với dư bán mỗi phiên hàng chục cho tới cả trăm triệu đơn vị.
Sáng 29/11, nhiều mã cổ phiếu bất động sản khác cũng tăng trần như: DIG, LDG, TDC, NHA, DRH…
Bộ 3 cổ phiếu Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục là trụ đỡ giúp VN-Index. VIC tăng nhẹ 100 đồng lên 65.000 đồng/cp; VHM tăng 1.100 đồng lên 51.300 đồng/cp; VRE tăng 600 đồng lên 29.900 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán và thép tiếp tục tích cực.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa, tăng giảm khác nhau.
Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực từ 2 phiên cuối tuần trước và bứt phá trong phiên đầu tuần 28/11. Khối lượng giao dịch trên thị trường trong phiên đầu tuần tăng mạnh.
Khối ngoại mua ròng hơn 1.700 tỷ đồng trong phiên 28/11, tập trung vào nhiều mã chủ chốt như: HPG, VHM, STB, MSN, CTG, SSI, VIC, VNM, GEX.
Nhiều tin tích cực cho thị trường chứng khoán
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT, thị trường xuất hiện nhiều tin tích cực. Dòng vốn ngoại tiếp tục vào thị trường. Quỹ đến từ Đài Loan (Trung Quốc) - Fubon FTSE Vietnam ETF đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính Đài Loan thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 4, với số vốn lên đến 160 triệu USD, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây sẽ là một nguồn vốn ngoại quan trọng hỗ trợ thị trường đầu tháng 12.
Cũng theo ông Tuấn, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã quan tâm và bước đầu tìm giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Thị trường thứ cấp giao dịch TPDN đã ổn định trở lại sau đợt bán tháo tuần trước đó. Tổ chức phát hành lớn như Masan (MSN) thành công phát hành riêng lẻ với mục đích là quay vòng nợ. Nó cho thấy, thị trường sẽ không tắc nghẽn mà vẫn có "đất" cho các doanh nghiệp chứng tỏ được năng lực tài chính.
Bên cạnh đó, tâm lý bi quan phần nào được gỡ bỏ khi hai cổ phiếu bất động sản như NVL, PDR sớm giải quyết được câu chuyện thanh khoản. Đối với Novagroup, việc tìm được đối tác chuyển nhượng 150 triệu cổ phiếu NVL có thể sẽ giúp NVL tránh rủi ro vỡ nợ. Trong khi đó, PDR cũng đã tìm được đối tác chuyển nhượng các dự án bất động sản.
Một tín hiệu cũng tích cực là áp lực tỷ giá giảm đáng kể. Điều này đang tạo thuận lợi cho việc NHNN hỗ trợ thanh khoản hệ thống và có thể sẽ thực hiện được các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế và thị trường.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá tích cực. Vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa - chính trị toàn cầu, nhưng cũng đang dần được cải thiện khi 11 tháng năm 2022, Việt Nam thu hút 25,1 tỷ USD vốn FDI.