Tín hiệu tích cực cho nhóm cổ phiếu bất động sản

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 09:00, 29/11/2022

Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào bắt đáy Novaland của ông Bùi Thành Nhơn. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản khác đồng loạt bứt phá. Đây là tín hiệu tích cực cho nhóm này sau một thời gian dài giảm mạnh.

Cổ phiếu bất động sản bứt phá

Thị trường chứng khoán ghi nhận một phiên giao dịch tích cực hiếm có kể từ đầu tháng 4. Chỉ số VN-Index bứt phá hơn 3,5% và chinh phục thành công ngưỡng 1.000 điểm trong phiên 28/11 nhờ sự hồi phục của nhóm cổ phiếu bất động và sau đó là nhiều nhóm ngành khác.

Tâm điểm của thị trường đến từ các cổ phiếu bất động sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Nhóm này tiếp tục tăng điểm và là trụ đỡ cho thị trường. Nhiều mã bất động sản khác cũng tăng trần ngay từ phiên sáng như DIC Corp. (DIG), Khang Điền (KDH), NHA, DRG…

Chốt phiên 28/11, các mã như Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Vượng, KBC của ông Đặng Thành Tâm và các mã như NLG, DLG, CII.. đều tăng trần.

Đặc biệt, cổ phiếu Novaland (NVL) chấm dứt chuỗi 17 phiên giảm sàn liên tiếp nhờ hàng nghìn tỷ đồng được đổ vào mua bắt đáy cổ phiếu này. Trước đó, NVL đã ghi nhận một phiên “giải cứu” hôm 22/11 nhưng bất thành.

Sự bứt phá trở lại của nhóm cổ phiếu bất động sản ngay lập tức tác động tích lên toàn bộ thị trường. Nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng theo đó đồng loạt tăng trần với những mã như: Hòa Phát (HPG), Thép Nam Kim (NKG), Tôn Hoa Sen (HSG), BCC, HT1…

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng hưởng lợi từ sự sôi động trở lại của thị trường.

Cổ phiếu bất động sản hồi phục mạnh mẽ, VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.000 điểm. (Nguồn: TradingView)

Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 790 tỷ đồng, trong đó tập trung vào Thép Hòa Phát (HPG) và Vinhomes (VHM).

Nhóm cổ phiếu bất động sản tăng trở lại nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng sau khi nhiều mã mất 60-90%.

Riêng cổ phiếu Novaland (NVL) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn đã bốc hơi gần 100 nghìn tỷ đồng, tương đương mất 70% vốn hóa, kể từ đầu tháng 11 cho tới nay.

Tín hiệu tích cực cho nhóm bất động sản

Thị trường phản ứng tích cực sau khi áp lực bán giải chấp của nhiều cổ phiếu bất động sản không còn lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã giải quyết được đáng kể vấn đề trái phiếu doanh nghiệp. Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm cho tới giữa tháng 11, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn 152 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu.

Chính phủ cũng đã có nhiều động thái tìm giải pháp để ổn định các thị trường với nhiều phiên họp gần đây. Quan điểm của Chính phủ cũng khá rõ ràng. Theo đó, những khó khăn liên quan bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán có thể gây ra rủi ro cho nền kinh tế. Tinh thần là làm lành mạnh hóa thị trường. Ai làm sai thì phải xử lý, còn làm tốt thì được bảo vệ.

Trên thế giới, Trung Quốc vừa có loạt chính sách mạnh tay bơm tiền giải cứu thị trường bất động sản. Các ngân hàng bơm tiền cho doanh nghiệp vay để hoàn thiện các dự án. Hồi đầu tháng, Trung Quốc đã công bố kế hoạch 16 điểm chỉ đạo các ngân hàng và công ty tài chính hỗ trợ thị trường bất động sản. Các biện pháp rất đa dạng, từ bơm thanh khoản đến nới lỏng quy định.

Các doanh nghiệp bất động sản gặp khó về dòng tiền trong năm 2022. (Ảnh: Hoàng Hà)

Thị trường cũng đón thêm tin tốt khi Sở GDCK Việt Nam đã có tên trong danh sách thành viên của Liên đoàn Sở giao dịch Chứng khoán Thế giới (WFE), xua tan nỗi lo sợ dòng vốn Thái Lan có thể bị rút ra vì yếu tố này.

Theo chuyên gia VnDirect, ông Đinh Quang Hinh, ngày càng xuất hiện nhiều thông tin hỗ trợ thị trường như: Fed phát tín hiệu sớm giảm tốc độ tăng lãi suất; USD giảm; Vietcombank hạ lãi suất cho vay; Chính phủ xem xét các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Lực cầu cũng được hỗ trợ khi các quỹ ETFs liên tục hút vốn (Fubon ETFs) và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua vào cổ phiếu. Nếu vượt qua được kháng cự 985-1.000 điểm, VN-Index sẽ hướng tới vùng kháng cự tiếp theo là 1.050-1.060 điểm.