Về Bạc Liêu nghe điệu đờn ca tài tử
Dòng chảy - Ngày đăng : 18:33, 28/11/2022
Thế giới khi nói về đờn ca tài tử của Việt Nam thường gắn loại hình diễn xướng này với hai chữ "nghệ thuật", ngụ ý đây là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc nước ta, gắn bó với đời sống của người dân Nam bộ từ những ngày đầu mở đất.
Nghệ thuật đờn ca tài tử là một viên ngọc quý cần được bảo tồn và phát huy, bởi lẽ ẩn sâu bên trong những lời ca, tiếng nhạc ấy là sức sống mãnh liệt, đậm tính nhân văn và hào sảng của vùng sông nước phù sa phía Nam Tổ quốc.
Nghệ sĩ biểu diễn đờn ca tài tử. Ảnh: Freepik.
Quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ
Vào đầu thế kỷ 19, tại Nam bộ đã tồn tại hai hình thức nghệ thuật là tuồng và nhạc lễ.
Tuồng là sân khấu diễn tích, âm nhạc lấy trống, kèn làm nòng cốt. Nhạc lễ là ban nhạc phục vụ hành lễ tín ngưỡng, thường sử dụng nhạc cụ dây kéo và bộ gõ. Để thỏa mãn nhu cầu chơi nhạc trong những lúc nông nhàn, các nhạc công và những người yêu nhạc đã dựa vào âm nhạc của tuồng và nhạc lễ để sáng tạo ra phong trào "đờn cây" - tức hòa đờn không có bộ gõ. Sau đó, phong trào nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ.
Cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, đi theo tiếng gọi của phong trào Cần Vương, nhiều quan viên phụ trách các ban nhạc triều đình nhà Nguyễn đã đặt chân đến vùng đất phương Nam. Họ là những người sớm biết kết hợp âm hưởng nhạc Nam bộ với nhã nhạc cung đình Huế để sáng tác ra những bản đờn ca tài tử và mở các lớp dạy đờn khắp các tỉnh thành miền Nam.
Ban nhạc đờn ca tài tử thuở sơ khai. Ảnh: Wikipedia.
Một số nhạc sư tiêu biểu thời bấy giờ là Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi) ở Long An, Trần Quang Diệm ở Mỹ Tho, Lê Bình An - cha của nhạc sư Lê Tài Khị (Hậu Tổ Nhạc Khị) ở Bạc Liêu, Kinh lịch Trần Quang Quờn ở Vĩnh Long... Các nhạc sư đã có nhiều năm nghiên cứu, chỉnh sửa các bản đờn cổ, sáng tác các bản mới, rồi tập hợp thống nhất những ban, nhóm đờn ca của hai vùng Đông - Tây Nam bộ, từ đó dựng nên dòng nhạc tài tử.
Như vậy, từ phong trào "đờn cây", nhờ có các nhạc sư từ kinh đô Huế đã tạo ra sự biến đổi về chất để âm nhạc đờn cây trở thành hình thức âm nhạc mới, chính là nghệ thuật đờn ca tài tử mà chúng ta biết đến ngày nay.
NSƯT Huỳnh Khải - nhà nghiên cứu, tác giả của nhiều sáng tác cải lương, tài tử làm say đắm lòng người - cho biết, giá trị cốt lõi của đờn ca tài tử đến từ âm nhạc và ngôn ngữ.
Theo ông, nghệ thuật đờn ca tài tử là dòng nhạc được kế thừa từ những nhạc cụ dân tộc trên khắp đất nước, từ Bắc xuống Nam, theo chiều dài lịch sử hàng nghìn năm. Đặc biệt trong đó phải kể đến là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu - là những nhạc cụ chứa đựng tinh hoa mà ông cha ta đã để lại, giúp tạo nên các thanh sắc mang "hơi thở" riêng, không trộn lẫn với các loại nhạc cụ khác.
Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Hữu Trí bên cây đàn kìm - cây đàn "biểu tượng" của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Ảnh: ĐCTT.
Dòng nhạc này vừa mang tính bác học, vừa đậm chất dân gian gắn liền với nếp sinh hoạt của những cư dân sống đời sông nước. Tính kế thừa của đờn ca tài tử còn thể hiện ở âm giai ngũ cung và ký âm lòng bản của nghệ thuật miền Bắc, miền Trung, hòa hợp với đặc tính sinh hoạt cộng đồng của người Nam bộ.
Nói riêng về lòng bản, NSƯT Huỳnh Khải chia sẻ, đây là một thuật ngữ chỉ lõi giai điệu của mỗi bài ca có khung nhịp cố định. Ví dụ như đờn ca tài tử có bài "Lưu thủy trường" được dùng làm lòng bản. Người sáng tác sẽ dựa vào lòng bản này để viết nên hàng trăm bài đờn ca tài tử khác nhau. Đây được gọi là nghệ thuật tô điểm lòng bản. Từ đó, hình thành nên một hệ thống đờn ca tài tử bài bản như bây giờ.
Về ngôn ngữ, nghệ thuật đờn ca tài tử chủ yếu dùng tiếng địa phương miền Nam để truyền tải thông điệp qua giai điệu. Nhờ vậy, ngôn ngữ Nam bộ đơn sơ, mộc mạc đã được nâng lên tầm cao mới, được bảo tồn và phổ biến đến mọi miền đất nước và thế giới.
Sản phẩm văn hóa phi vật thể Nam bộ được ra đời trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược nước ta. Qua đó, đờn ca tài tử trở thành nguồn động viên tinh thần cho nhân dân trong cuộc chiến chống ngoại xâm, đồng thời kiên cường chống chọi với những trào lưu nghệ thuật, âm nhạc mới từ phương Tây tràn vào.
Những bài ca đờn ca tài tử được lưu truyền từ những năm 1900 chứa đựng các nội dung phản ánh văn hóa lâu đời của người Việt Nam, gắn liền với các đề tài về lịch sử, về công lao cứu nước - giữ nước, về những tấm gương anh hùng dân tộc.
Ngoài ra, khía cạnh đạo đức, luân lý gia đình, xã hội cũng thường xuyên được nhắc đến, như tình cha con, sự thủy chung của vợ chồng, tình nghĩa bạn bè… Sang đến thời kỳ phát triển của thơ ca lãng mạn, tình yêu đôi lứa được thể hiện qua những khúc tân cổ giao duyên, tiếp tục đề cao sự chung thủy giữa người với người.
Đề tài của các bản đờn ca tài tử thường gắn liền với lịch sử, công lao cứu nước - giữ nước, những tấm gương anh hùng dân tộc hay các khía cạnh đạo đức, luân lý xã hội. Ảnh: Bộ VHTTDL.
Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật giản đơn và dễ ăn sâu vào tâm khảm mỗi người. Chính vì lẽ đó, từ những sân chơi đờn ca tài tử chớm nở trong giai đoạn đầu đã nhanh chóng phát triển thành những phong trào đờn ca tài tử lớn trên toàn miền Nam, mạnh mẽ nhất là ở tỉnh Bạc Liêu.
Từ những năm 1991, khi du lịch bắt đầu được chú trọng ở Việt Nam thì đã có nhiều địa phương Nam bộ tổ chức các hội thi sáng tác đờn ca tài tử về du lịch, khuyến khích ca ngợi những điểm đến du lịch của tỉnh nhà, nhằm thông qua lời ca mà quảng bá du lịch, thu hút nhiều khách tham quan.
Bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử Nam bộ
Mặc dù đã có rất nhiều loại hình âm nhạc hiện đại du nhập vào Việt Nam, đến hôm nay, đờn ca tài tử vẫn chứng minh được sức sống bền bỉ của mình, nhờ vào sự thích nghi, sẵn sàng tiếp nhận cái mới để phát triển, nhưng không "hòa tan" mà kiên cường giữ gìn bản sắc riêng có của mình.
Ngày nay, khán giả mộ điệu có thể tiếp cận những giai điệu đờn ca tài tử thông qua các sân khấu nghệ thuật trình diễn trước công chúng, hoặc nghe qua các phương tiện truyền thông như tivi, radio...
Bên cạnh đó, các công ty du lịch cũng thường xuyên tổ chức các hành trình đưa du khách về chốn miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long, vừa thăm thú vườn trái cây trĩu quả ngọt lành, vừa trải lòng thưởng thức những câu ca tài tử. Từ đó, nghệ thuật đờn ca tài tử càng được quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước.
Theo các nhà nghiên cứu, để đờn ca tài tử tiếp tục phát triển, cần nhìn nhận bộ môn nghệ thuật này là một "thực thể sống", tức không nên gò ép đờn ca tài tử trong những khuôn mẫu cứng nhắc mà nên khoác lên nó lớp áo trẻ trung, hiện đại hơn, để đờn ca tài tử không xa rời với thực tế phát triển của xã hội.
Cần có nhiều những sân chơi đờn ca tài tử trên sóng truyền hình, những ứng dụng thông minh về đờn ca tài tử trên smartphone, các diễn đàn trao đổi giữa những con người làm văn hóa, nghệ thuật để đờn ca tài tử gần gũi hơn với mọi người, đặc biệt là giới trẻ.
Tại tỉnh Bạc Liêu, trong nhiều năm qua, tỉnh luôn chú trọng bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử trong đời sống nhân dân, tạo sự lan tỏa khắp các xóm ấp và cả du khách thập phương.
Toàn tỉnh có gần 200 câu lạc bộ đờn ca tài tử với khoảng 2.000 nghệ nhân đờn ca tham gia sinh hoạt thường xuyên. Đồng thời, Bạc Liêu cũng là địa phương duy nhất cho xây dựng Khu Lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và vinh danh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - tác giả của bản vọng cổ bất hủ Dạ cổ hoài lang.
Nhà hát Cao Văn Lầu - điểm đến độc đáo của Bạc Liêu. Ảnh: Shutterstock.
Từ ngày 27-29/11/2022, tại tỉnh Bạc Liêu sẽ diễn ra nhiều hoạt động thú vị, ý nghĩa thuộc khuôn khổ Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022. Thời gian này, du khách đến với Bạc Liêu sẽ được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc của hơn 500 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên của các vùng miền về tham dự. Đặc biệt, không thể bỏ qua các chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử hấp dẫn của tỉnh nhà. |