Hồ sơ mật: Những điệp viên xấu số – Phần 2

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 10:29, 28/11/2022

Nếu Chiến tranh Lạnh kết thúc khiến một số điệp viên của các bên bị bỏ rơi thì những điệp viên xấu số dưới đây lại rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan trong những câu chuyện khác.

Sự xuất hiện của ISIS-K

Chỉ vài tháng sau khi ISIS thành lập Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở một khu vực thuộc một phần lãnh thổ Iraq và Syria vào năm 2014, một số tay súng ly khai khỏi Taliban, thành lập một chi nhánh của tổ chức khủng bố này và tuyên bố trung thành với thủ lĩnh ISIS Abu Bakr al-Baghdadi.

Không lâu sau đó, ISIS công nhận ISIS-K là một phần của mình khi nó mở rộng địa bàn ra các tỉnh phía Bắc Afghanistan, đặc biệt là Kunar, Nangarhar và Nuristan. Lực lượng này cũng thành lập các tổ chức bí mật ở nhiều nơi tại Pakistan và Afghanistan, trong đó có cả thủ đô Kabul. Theo con số do các quan sát viên Liên hợp quốc đưa ra, hiện ISIS-K có khoảng vài nghìn tay súng. “K” là viết tắt của Korasan, một địa danh chỉ một vùng đất lịch sử trước đây, bao gồm địa giới của Pakistan, Iran, Afghanistan và Trung Á hiện nay.

Sự truy lùng của Taliban khiến nhiều điệp viên xấu số tìm đến ISIS. Ảnh: Aljazeera

Mặc dù đều theo đường lối cực đoan dòng Sunni, Taliban và ISIS-K lại kình địch lẫn nhau. Trong chiến lược và giáo luật của mình, hai nhóm có những khác biệt nhỏ nhưng đều tuyên bố là người thật sự tiên phong thánh chiến. Đỉnh điểm cho khác biệt này là việc ISIS tuyên bố Taliban là những kẻ bội đạo.

Về phần mình, Taliban cáo buộc chính quyền Afghanistan và Mỹ đã lập ra ISIS-K với vai trò như một cơ quan tình báo có nhiệm vụ gây chia rẽ trong nội bộ lực lượng Hồi giáo nổi dậy. Sự khác biệt và xung đột về tuyên bố thánh chiến khiến hai nhóm giao tranh đẫm máu trong nhiều năm và tới năm 2019 thì ISIS-K rơi vào bất lợi sau khi tổ chức mẹ ISIS bị đẩy lùi ở khu vực Trung Đông.

Bơ vơ ở Kabul

Tháng 8-2021, chính quyền Kabul sụp đổ. Taliban quay lại kiểm soát Afghanistan. Đó không chỉ là một cú sốc với đất nước Trung Nam Á này mà còn là câu chuyện buồn cho lực lượng tình báo ở đây. Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, lực lượng tình báo của chính quyền vốn được Mỹ huấn luyện trước đây giờ rơi vào tình cảnh vất vưởng, đi không xong, ở trong phấp phỏng.

Theo Wall Street Journal, sau khi lực lượng Taliban khám xét nhà ở của những nhân viên tình báo chính quyền cũ, nhiều người trong số họ đã bỏ chạy theo tổ chức khủng bố ISIS-K. Mặc dù con số các nhân viên tình báo này là không nhiều, nhưng cùng với việc bỏ trốn, họ mang theo kiến thức về thu thập thông tin tình báo cùng nhiều kỹ thuật tác chiến khác về với những kẻ khủng bố. Theo ông Rahmatullah Nabil, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo thuộc Tổng cục An ninh quốc gia Afghanistan, ISIS-K đang trở nên đặc biệt “hấp dẫn” đối với lực lượng tình báo bị bỏ rơi ở nước này.

Trên thực tế, nếu có lực lượng nào đó chống lại Taliban thì họ cũng sẵn sàng đi theo, và ở thời điểm hiện tại ISIS-K đang là một lực lượng như vậy. Trong số hàng nghìn người từng làm việc cho chế độ mới sụp đổ ở Afghanistan, nhiều người đang bị chính quyền Taliban truy lùng và nếu không bị truy lùng thì ít nhất họ cũng không có khả năng tìm được thu nhập kể từ khi chính quyền tan rã. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, những người này đã tìm đến ISIS-K. Lợi dụng cơ hội đó, ISIS-K đã tung tiền để mua chuộc nhiều điệp viên từng làm việc cho chính quyền cũ, lôi kéo về phía mình.

Việc này khiến Mỹ và các nước phương Tây lo ngại rằng rất có thể ISIS tại Afghanistan có thể phát triển và đủ khả năng để tấn công lực lượng Mỹ trong thời gian không lâu trước mắt. Theo Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách của Mỹ Colin Kahl thì không ai có thể khẳng định được Taliban có đủ khả năng ngăn chặn ISIS hay không.

Câu chuyện từ UAE

Karthiyani có chồng là Tennarasu Arumugham bị giam giữ ở Abu Dhabi, UAE cùng với 3 người Ấn Độ khác với tội danh làm gián điệp. Arumugham phải chịu mức án 3 năm tù, trong khi 3 người còn lại là Muhammad Ibrahim, Manarathodi Abbas và Mohammed Mukthar bị kết án từ 5 đến 10 năm tù. Cùng thời điểm năm 2016, một người Ấn Độ khác là Shihani Jamal Mohammad cũng bị UAE kết án 10 năm tù về tội danh tương tự.

Arumugham bị cáo buộc đã chia sẻ “dữ liệu nhạy cảm” với các quan chức đại sứ quán Ấn Độ trong khi đang làm việc với một công ty viễn thông có trụ sở tại UAE. Tất nhiên là gia đình Arumugham đã phủ nhận cáo buộc này. Còn theo Hindustan Times (Thời báo Hindustan), Muhammad Ibrahim bị kết án vì đã giao “thông tin quốc phòng bí mật của Nhà nước” cho “hai nhân viên tình báo của Đại sứ quán Ấn Độ - Ajay Kumar và Rudranath Juha”. Tương tự Ibrahim, Manarathodi Abbas cũng bị kết án với cáo buộc hoạt động gián điệp tại cảng nước sâu Mina Zayed nơi người này đang làm việc tại thời điểm bị bắt giữ.

Sarabjit Singh thu hút được sự chú ý của dư luận Ấn Độ khi bị bắt ở Pakistan. Ảnh: Economic Times/India Times

So với trường hợp của Sarabjit Singh khi bị Pakistan bắt giam năm 1990 với tội danh làm gián điệp cho Ấn Độ, 5 người nói trên không được công chúng trong nước để ý tới và vì thế việc tìm lại tự do cho họ là khá khó khăn. Mặc dù Sarabjit đã chết trong tù năm 2013, nhưng ít nhất thì anh ta cũng đã thu hút được sự chú ý của công chúng và đã có một làn sóng ủng hộ trên toàn quốc kêu gọi trả tự do cho anh ta. Còn 5 “điệp viên” nói trên thì lại khác.

Lời buộc tội đối với Arumugham và những người đang bị giam giữ ở UAE là rất nghiêm trọng và họ đang phải đối diện với một tương lai hết sức mờ mịt và dường như thời gian qua đã có rất ít nỗ lực tìm cách đưa họ trở về nước. Tuy nhiên, thân nhân 5 người nói trên vẫn chưa từ bỏ hy vọng sẽ có áp lực lớn hơn từ trong nước lên chính phủ UAE để những người thân của họ được trả tự do, vì gần đây quan hệ giữa Ấn Độ với chính phủ UAE đã ấm hơn và nếu New Delhi can thiệp nhiều hơn nữa thì cơ hội trở về của những điệp viên xấu số này có thể sẽ thành hiện thực.

Điệp viên bị bán đứng?

Một ngày cuối năm 2010, Gholamreza Hosseini có mặt tại sân bay Imam Khomeini, Tehran, chuẩn bị bay đến Bangkok. Từ Thái Lan, viên kỹ sư sẽ gặp người của CIA. Nhưng ngay trước khi chuẩn bị nộp thuế xuất cảnh để cất cánh, máy ATM của sân bay đã từ chối thẻ ngân hàng của anh ta. Một nhân viên an ninh xuất hiện, yêu cầu Hosseini xuất trình hộ chiếu và áp giải anh ta đi.

Hosseini được đưa đến phòng chờ VIP không một bóng người và được yêu cầu ngồi đợi trên một băng ghế, mặt quay vào tường. Hết sức sợ hãi khi bị bỏ lại một mình, Hosseini thọc tay vào túi quần, lấy ra một chiếc thẻ nhớ chứa những thông tin được phân loại thuộc hàng bí mật quốc gia nhét vào miệng, nhai vụn và nuốt chửng.

Không lâu sau, các nhân viên Bộ Tình báo Iran bước vào và cuộc thẩm vấn bắt đầu. Việc chối tội và phá hủy dữ liệu trong chiếc thẻ nhớ của Hosseini là hoàn toàn vô dụng. Những người bắt giữ anh ta dường như đã biết tất cả mọi thứ, nhưng làm sao họ biết được thì Hosseini không thể hiểu nổi. Hosseini chưa bao giờ nói với ai bất cứ điều gì về việc mình đang làm. Vì vậy, điều anh ta luôn tự hỏi từ giờ phút đó là “Liệu có phải CIA đã bán đứng mình?”

Tuy nhiên, khả năng Hosseini bị bán đứng là khó xảy ra. Theo kết quả điều tra kéo dài một năm về việc điều hành lưới điệp báo của CIA, Reuters đã phát hiện ra rằng Hosseini chỉ đơn giản là nạn nhân của một sự sơ suất. Hệ thống liên lạc bí mật của CIA đã bị lỗi và điều này đã khiến Hosseini dễ dàng bị xác định và bắt giữ. Sau gần một thập kỷ ngồi tù, Hosseini được trả tự do vào năm 2019. Câu chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi Hosseini kể lại trải nghiệm của mình với Reuters.

(Còn nữa)

Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp từ nhiều nguồn, gồm Times of India, Independent, Reuters, Wall Street Journal...)