2 con gái phóng hoả đốt nhà mẹ đã tử vong, bỏng xăng cần đặc biệt chú ý điều này?

Tin Y tế - Ngày đăng : 09:56, 28/11/2022

Bỏng xăng trong phòng kín ngoài bỏng nhiệt khô còn có thể bị thêm bỏng hô hấp. Đây là loại bỏng không dễ phát hiện nếu chỉ bị mức độ nhẹ nhưng rất nguy hiểm nếu bị đồng thời.

Ngày 30/10, vì mâu thuẫn đất đai, 3 con gái (thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) đã đổ xăng đốt nhà mẹ đẻ. Sau đó cả 4 mẹ con đều bị bỏng được chuyển lên Viện Bỏng quốc gia cùng ngày.

Tại Bệnh viện, người mẹ tiên lượng nặng nhất bị bỏng trên 60%, 2 người con gái bị bỏng trên 30%, người con gái còn lại bị bỏng 5%.

Thế nhưng đến nay, lần lượt hai người con gái bị bỏng trên 30% đã tử vong. Người mẹ được cho là nặng nhất vẫn đang được cứu chữa.

Lý giải điều này, BS Nguyễn Văn Thống, nguyên trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, bỏng xăng là bỏng nhiệt khô. Xăng dầu cháy ở nhiệt độ cao nên thường gây bỏng sâu. Di chứng của vết thương do bỏng để lại rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe đặc biệt là tâm lý của người bệnh.

Đáng ngại là bỏng xăng có những nguy hiểm khác với bỏng thông thường như bỏng dầu ăn, bỏng nước sôi. Bởi theo BS Thống, trong một vài trường hợp (ví dụ như ở trong phòng đóng kín cửa theo mô tả của báo chí như gia đình ở Hưng Yên) thì còn thêm cả nguy cơ bỏng hô hấp. Đây là loại bỏng cực kỳ nguy hiểm nhưng không dễ phát hiện nếu chỉ bị mức độ nhẹ.

Các vết thương thường mất nhiều thời gian để chữa lành nếu không được xử lý đúng cách. Vết bỏng trên diện rộng có thể dẫn đến hoại tử thứ phát, bỏng sâu, co rút bề mặt da và để lại sẹo nghiêm trọng.

Nguy hiểm hơn, vết thương có thể bị nhiễm trùng dẫn đến nhiễm trùng máu, suy thận, suy đa tạng, nguy hiểm đến tính mạng.

“Để dự đoán khả năng sóng sót khi bị bỏng xăng ngành y gọi là tiên lượng căn cứ vào nhiều yếu tố:

Thứ nhất, độ sâu của bỏng (sâu đến lớp nào của da);

Thứ hai, diện tích bỏng chiếm bao nhiêu trên bề mặt cơ thể, đây là yếu tố rất quan trọng;

Thứ ba, tuổi tác của nạn nhân. Nếu nạn nhân quá nhỏ tuổi hoặc quá lớn tuổi nhưng cùng với diện tích bỏng như nhau thì 2 nhóm đối tượng này nguy cơ xấu hơn;

Thứ tư, cấp cứu ban đầu, nếu biết sơ cứu ban đầu tốt thì nhẹ đi. Việc sơ cứu không đúng cách, tự điều trị tại nhà hoặc các phương pháp dân gian có thể dẫn đến nhiễm trùng vết thương do bỏng xăng và suy đa tạng cho nạn nhân.

Thứ năm, điều trị. Nếu bệnh nhân được điều trị bài bản ngay từ đầu hoặc ở những trung tâm chuyên sâu thì nguy cơ tử vong cũng thấp hơn;

Thứ sáu, những vấn đề bệnh lý nền trước đó. Ví dụ như trẻ con có bệnh bẩm sinh mà mình chưa biết , dù có cùng độ bỏng cũng có khả năng tử vong cao hơn.

Thứ bảy, bệnh nhân có bỏng hô hấp không? Bởi có những trường hợp bị bỏng trong buồng kín chỉ hít vào nên không có biểu hiện nặng như (giọng nói khàn nặng, khó thở nặng, có thể tắc thở, tím tái…) nên rất dễ bị bỏ qua.

Trong trường hợp này dù chỉ bỏng hô hấp ở mức độ nhẹ kết hợp với bỏng toàn thân nữa thì nguy cơ tử vong cũng lớn hơn”, BS Nguyễn Văn Thống nhấn mạnh.

Vị bác sĩ chuyên khoa bỏng cũng nhấn mạnh, bỏng xăng thường nhiệt độ cao hơn, khi cháy nhất là trong buồng kín không khí nóng dễ hít phải gây bỏng hô hấp, xăng cháy tạt dễ bám vào quần áo gây cháy. Mà khi cháy cả quần áo thì dễ bám, dính vào da càng gây nặng cao.

“Trong khi đó, vừa bỏng sâu bên ngoài lại kết hợp với bỏng hô hấp – dù nhẹ mà không được điều trị kịp thời thì rất dễ diễn biến nặng, nguy cơ tử vong cao”, BS Thống phân tích.

Để hạn chế biến chứng có thể xảy ra, các bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu nạn nhân bị bỏng xăng gồm:

Loại bỏ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy, dập lửa trên người nạn nhân, cởi bỏ quần áo bị cháy... Tiến hành cấp cứu toàn thân, ví dụ trong trường hợp ngừng tuần hoàn, chấn động mạnh, chấn thương liên quan, suy hô hấp cấp do bỏng đường thở.

Hình ảnh hiện trường nơi ba con đốt nhà mẹ đẻ

Không dùng nước khi dập lửa xăng. Điều này làm cho vết bỏng nặng hơn, vì xăng nổi trên mặt nước sẽ tiếp tục bắt lửa và lan rộng. Bạn nên nhanh chóng trùm chăn, ga lên người nạn nhân.

Ngâm ngay vùng bị bỏng vào nước sạch. Thời gian ngâm mình trong nước lạnh sạch càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 30 phút sau khi bị bỏng. Sau thời gian trên, hiệu quả ngâm không lớn.

Không sử dụng nước ấm, vì ít có hiệu quả trong việc làm mát và giảm đau. Không sử dụng nước đá vì có thể khiến nạn nhân bị nhiễm lạnh.

Nhanh chóng cởi bỏ quần áo chật, nhẫn và đồng hồ trước khi phần cơ thể bị bỏng bị sưng nề lên. Chỉ cần ngâm và cắt quần áo bị cháy, rửa sạch các tạp chất lạ hoặc tác nhân gây cháy còn bám trên bề mặt.

Che vết bỏng bằng vật liệu sạch: Gạc y tế, khăn mặt, khăn tay, vải... rồi băng nhẹ bằng băng sạch. Đối với vùng da mặt và bộ phận sinh dục, bạn chỉ cần phủ một lớp băng gạc.

Tránh mặc quá chật để tránh gây áp lực lên vùng bị bỏng. Đặc biệt, bạn cần giữ cho vết bỏng sạch sẽ và tuyệt đối không sử dụng thuốc bừa bãi và không làm vết bỏng bị vỡ ra.

N. Huyền