Có 22 triệu tấn đất hiếm nhưng Việt Nam khai thác chưa tốt

Nhịp sống - Ngày đăng : 14:36, 25/11/2022

Tính đến năm 2022, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm với 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội chiếm lĩnh thị trường đất hiếm nếu không kịp thời đầu tư để khai thác tài nguyên này.
Khai thác đất hiếm đang là cơ hội cho một số nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam – Ảnh: TL

Thông tin trên được đưa ra trong hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức gần đây. Cũng theo thông tin từ hội thảo này, trên thế giới, REE – oxit đất hiếm hoặc lanthanide – là một tập hợp của 17 kim loại nặng mềm màu trắng bạc. Các nhà khoa học, địa chất học xác định có 17 nguyên tố đất hiếm là lantan (La), xeri (Ce), praseodymium (Pr), neodymium (Nd), promethium (Pm), samarium (Sm), europium (Eu), gadolinium (Gd), terbium (Tb ), dysprosi (Dy), holmi (Ho), erbi (Er), thulium (Tm), ytterbium (Yb), lutetium (Lu), scandium (Sc) và yttrium (Y).

Xem thêm: Con người không thể lạm dụng mãi tài nguyên của trái đất

Theo chuyên gia Cục Khảo sát địa chất Mỹ, đất hiếm sở dĩ “hiếm” vì có thể chiết tách ra các kim loại có giá trị phục vụ nhiều ngành kinh tế như chế tạo nam châm, tuabin điện gió, xe điện, xử lý môi trường, quốc phòng và công nghệ cao. Đất hiếm thậm chí trở thành “chiêu bài cạnh tranh” của các cường quốc công nghiệp… Việc Việt Nam sở hữu lượng dự trữ đất hiếm trị giá khoảng 3.000 tỉ đô la sẽ giúp phát triển kinh tế và nâng cao vị thế chính trị đất nước.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Tổng cục phó Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất hiếm ở Việt Nam được các chuyên gia Liên Xô phát hiện vào những năm 1960 ở Lao Cai, Lai Châu và sau này phát hiện thêm các mỏ lớn ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng. Năm 2014, Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Than – Khoáng sản khai thác đất hiếm dạng hấp phụ ion nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả.

Xem thêm: Ăn của đời con, cháu

viet-nam-co-co-hoi-de-xuat-khau-dat-hiem-canh-tranh-voi-trung-quoc.jpg

Trong thế giới cạnh tranh quyết liệt, một số nước đã dùng đất hiếm để thách thức, mặc cả với các nước có nhu cầu cao về nguyên liệu này như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì vậy, việc chậm triển khai các dự án đất hiếm sẽ khiến Việt Nam đánh mất cơ hội.

Đánh giá về nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép khai thác đất hiếm tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái nhưng hiệu suất đầu tư đang bằng 0, các chuyên gia nhìn nhận, chủ yếu do Việt Nam không có công nghệ chế biến sâu. Nhiều công ty thăm dò khai thác vẫn đang loay hoay tìm kiếm công nghệ chế biến. Đây là trở ngại rất lớn để doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xem thêm: Tài nguyên sắp hết rồi, đến đời con cháu ta rừng sẽ không còn là vàng, biển không còn là bạc?

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa thực sự quyết tâm đầu tư, chưa có chiến lược nghiên cứu và tiếp cận công nghệ chế biến quặng đất hiếm một cách quyết liệt. Cơ chế, chính sách vẫn nhiều vướng mắc khi doanh nghiệp mới chỉ chế biến sâu được 40%, trong khi quy định xuất khẩu tối thiểu của Bộ Công thương phải là 95% và Chính phủ yêu cầu không được bán đất hiếm dưới dạng thô.

Đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, công nghệ chế biến đất hiếm được coi là bí mật nên nhiều đối tác nước ngoài không bán, không chuyển giao khiến việc hợp tác gặp nhiều khó khăn.

Hiện nhiều đơn vị trong nước đã nghiên cứu thành công chế biến sâu đất hiếm ở quy mô phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, muốn triển khai ở quy mô công nghiệp cần phải thử nghiệm ở thực địa và khi đó lại phải được phép của công ty được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm, cơ quan chức năng của tỉnh có mỏ, tiếp đó mới đến việc cấp đất, cấp khoáng sản phục vụ nghiên cứu.

Ngoài ra, việc khai thác mỏ đất hiếm có thể dẫn đến sự hủy diệt thảm thực vật, mất nước và xói mòn đất. Các mỏ đất hiếm cũng có thể chứa nguyên tố phóng xạ. Do vậy, khi khai thác, tuyển luyện phải tính toán kỹ để không tác động đến môi trường và sức khoẻ con người.

Đây là một quá trình khá tốn kém và phải trải qua nhiều thủ tục hành chính nên rất cần sự đầu tư lớn của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp để phát huy lợi thế của đất hiếm.

Theo Cổng thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường và TTXVN