Tương lai của quân đội Nga: Cơ cấu tổ chức và lực lượng

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 09:13, 27/11/2022

Vào tháng 01/2023, sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tăng số lượng nhân viên của Lực lượng Vũ trang Nga lên 2,04 triệu người sẽ có hiệu lực.

Khi đó Lực lượng Vũ trang Nga dự kiến sẽ có tổng cộng 2.039.758 nhân viên, bao gồm 1.150.628 quân nhân, với kho dự trữ vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và nguồn lực huy động gần 25 triệu người.

Cơ cấu của Lực lượng Vũ trang Nga

Về mặt quản lý hành chính theo địa lý, Lực lượng Vũ trang Nga được chia thành 4 quân khu (Tây, Nam, Trung tâm và Đông). Ngoài ra, còn có Bộ chỉ huy chiến lược chung “Hạm đội phương Bắc”, được thành lập vào năm 2014 để bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga ở Bắc Cực.

Quân khu phía Tây bao gồm Tập đoàn quân hợp thành số 6, Tập đoàn quân hợp thành cận vệ số 20, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 1, Quân đoàn phòng không và không quân số 6 và Hạm đội Baltic.

Ba quân đoàn vũ trang hợp thành - Quân đoàn phòng không và không quân số 4, Quân đoàn 22, cũng như Hạm đội Biển Đen và Hải đội Caspian là một phần của Quân khu phía Nam.

Căn cứ không quân Kant và căn cứ quân sự số 201, cũng như 3 quân đoàn vũ trang hợp thành, thuộc Quân khu trung tâm - quân khu lớn nhất ở Nga. Quân khu phía Đông bao gồm Hạm đội Thái Bình Dương, 4 quân đoàn vũ trang hợp thành và quân đoàn phòng không và không quân số 11.

Thành phần của Bộ chỉ huy chiến lược chung “Hạm đội phương Bắc” bao gồm các lực lượng tàu ngầm, 3 lữ đoàn bộ binh và bảo vệ bờ biển, quân đoàn phòng không và không quân số 45, cũng như các lực lượng hỗn hợp của hải đội trên bán đảo Kola và căn cứ hải quân Belomorsk.

Về cơ cấu, Lực lượng Vũ trang Nga bao gồm 3 quân chủng, 2 binh chủng độc lập và các đơn vị đặc biệt không thuộc thành phần của các quân, binh chủng.

Lục quân là quân chủng lớn nhất thuộc Lực lượng Vũ trang Nga, với thành phần bao gồm: các đơn vị bộ binh cơ giới; lực lượng xe tăng; lực lượng tên lửa và pháo binh; lực lượng phòng không; các đơn vị trinh sát; các đơn vị công binh kỹ thuật; các đơn vị phòng hóa, bức xạ và sinh học; các đơn vị thông tin.

Các đơn vị bộ binh cơ giới là lực lượng nòng cốt trong đội hình chiến đấu của Lục quân. Bộ binh cơ giới được trang bị xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu bộ binh và xe tải quân sự.

Trong thành phần của các đơn vị bộ binh cơ giới cũng có cả xe tăng, pháo binh và các lực lượng khác. Sức mạnh tấn công chủ lực của Lục quân là lực lượng xe tăng, được biên chế thành các lữ đoàn xe tăng và tiểu đoàn xe tăng trực thuộc các lữ đoàn bộ binh cơ giới.

Các đơn vị xe tăng được sử dụng để thực hiện các đòn đột phá chiều sâu và mở rộng. Trong biên chế các đơn vị xe tăng của Nga có các phương tiện hiện đại T-72B3M, T-80BVM và T-90M. Ngoài ra, Lục quân còn được trang bị hệ thống tên lửa Iskander-M, hệ thống tên lửa phóng loạt Tornado-S và Tornado-G, cũng như hệ thống chống tăng Khrizantema-SP.

Vào năm 2015, lực lượng không quân và lực lượng phòng vệ hàng không vũ trụ của Nga đã hợp nhất, tạo ra quân chủng Hàng không Vũ trụ. Quân chủng này bao gồm các đơn vị không quân thực hiện chức năng trinh sát, bảo đảm khả năng chiếm ưu thế trên không, hỗ trợ lực lượng mặt đất và mặt nước, phòng thủ trước các cuộc không kích và vận chuyển hàng hóa.

Quân chủng Hàng không Vũ trụ cũng bao gồm lực lượng phòng thủ tên lửa và phòng không có chức năng bảo vệ các cơ sở quan trọng ở khu vực Moscow. Là một phần của Quân chủng Hàng không Vũ trụ, lực lượng không gian đã được cải tổ để xây dựng và kiểm soát các thiết bị vũ trụ trên quỹ đạo, cũng như phát hiện các mối đe dọa đối với Nga trong và ngoài không gian.

Quân chủng Hải quân là sự hợp nhất của các hạm đội phương Bắc, Baltic, Biển Đen, Thái Bình Dương, cũng như hải đội Caspian. Hải quân bao gồm các lực lượng mặt nước, với các tàu mang nhiều loại vũ khí cho phép tấn công các mục tiêu trên mặt đất, dưới nước, trên không và trên bộ.

Vào năm 2022, hạm đội sẽ được bổ sung vào biên chế khinh hạm “Đô đốc Golovko”, có khả năng mang tên lửa siêu thanh Zircon. Một nhánh khác của Hải quân là lực lượng tàu ngầm, được trang bị tàu ngầm hạt nhân với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như tàu ngầm diesel-điện.

Vào tháng 7/2022, Hải quân đã nhận được tàu ngầm hạt nhân chuyên dụng K-329 Belgorod. Loại tàu này sẽ trở thành phương tiện chuyên chở các phương tiện không người lái chiến lược Poseidon. Hàng không Hải quân được bố trí trên các tàu sân bay và sân bay ven biển, được sử dụng phục vụ mục đích trinh sát, tìm kiếm và tiêu diệt hạm đội của đối phương, cũng như bảo vệ các tàu và cơ sở hạ tầng Hải quân khỏi các cuộc không kích.

Hàng không Hải quân được trang bị cả máy bay và trực thăng, bao gồm máy bay chống ngầm chuyên dụng Il-38 và Tu-142, máy bay chiến đấu MiG-29K và Su-33, cũng như các loại máy bay trực thăng chống ngầm. Hải quân cũng bao gồm các đơn vị bảo vệ bờ biển, được xây dựng để hỗ trợ các lực lượng của hạm đội và bảo vệ các cơ sở ven biển. Biên chế của các đơn vị bảo vệ bờ biển bao gồm lực lượng Thủy quân lục chiến, lực lượng tên lửa và pháo binh ven biển.

Vũ khí của lực lượng bảo vệ bờ biển bao gồm xe tăng T-80BVM, các hệ thống tên lửa bờ biển Bal và Bastion. Đáng chú ý, năm 2017, Nga thành lập Quân đoàn bảo vệ bờ biển số 14. Đơn vị này được huấn luyện đặc biệt, được trang bị các thiết bị hoạt động hiệu quả ở nhiệt độ dưới 30 độ. Đối với các đơn vị Bắc Cực, vũ khí chuyên dụng đang được phát triển trên khung gầm của các phương tiện địa hình hai liên kết.

Các binh chủng độc lập trong Lực lượng Vũ trang Nga là lực lượng Tên lửa Chiến lược và lực lượng Dù. Lực lượng Dù là một nhánh độc lập của quân đội, thuộc lực lượng dự bị của Tổng tư lệnh tối cao. Lực lượng Dù bao gồm các đơn vị hỗ trợ quân sự, cơ sở giáo dục, đơn vị quân đội có mục đích đặc biệt, lữ đoàn tấn công-đổ bộ, cũng như các sư đoàn đổ bộ đường không và tấn công-đổ bộ.

Trong biên chế của các đơn vị tấn công-đổ bộ có các đại đội và tiểu đoàn xe tăng, cũng như các đại đội tác chiến điện tử và máy bay không người lái. Các đơn vị đổ bộ đường không được trang bị các thiết bị hiện đại, bao gồm xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-4M, xe bọc thép chở quân BTR-MDM “Rakushka”, xe chiến thuật hạng nhẹ, cũng như xe bọc thép chống mìn “Typhoon-VDV”.

Lực lượng Tên lửa Chiến lược trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Nga là thành phần chính trong lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Lực lượng Tên lửa Chiến lược luôn được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Binh chủng này được sử dụng để răn đe hạt nhân và phá hủy các mục tiêu chiến lược bằng các cuộc tấn công tên lửa hạt nhân.

Biên chế của lực lượng Tên lửa Chiến lược bao gồm ba quân đoàn tên lửa và 12 sư đoàn tên lửa luôn sẵn sàng thường trực chiến đấu. Lực lượng Tên lửa Chiến lược cũng bao gồm các cơ sở huấn luyện, sân bay vũ trụ, kho vũ khí tên lửa và các cơ sở giáo dục. Trong kho vũ khí của lực lượng Tên lửa Chiến lược hiện có các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa UR-100N UTTKh, R-36M2 “Voevoda”, sẽ sớm được thay thế bằng các tổ hợp Sarmat, cũng như Topol-M và Yars.

Ngoài ra, lực lượng Tên lửa Chiến lược còn bao gồm các đơn vị công binh, với các máy móc chuyên dụng như máy dò đường KDM, máy rà phá bom mìn từ xa Leaves, máy ngụy trang và hỗ trợ kỹ thuật cho phép thiết lập các tổ hợp giả trên mặt đất.

Các đơn vị đặc biệt của trực thuộc Lực lượng Vũ trang Nga được xây dựng để hỗ trợ chiến đấu và hậu cần, kiểm soát và giải quyết các nhiệm vụ đặc biệt, bao gồm các đơn vị liên lạc, tác chiến điện tử, thông tin, công binh, cũng như các đơn vị bảo vệ bức xạ, hóa học và sinh học. Các đơn vị Hỗ trợ Hậu cần của Lực lượng Vũ trang Nga cũng nằm trong danh sách các đơn vị đặc biệt, bao gồm các đơn vị hỗ trợ đường ống, đường bộ, cơ giới và đường sắt.

Hạ Thảo (lược dịch)