Xanh hoá logistics để giảm chi phí cho hàng Việt

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 18:21, 26/11/2022

Doanh nghiệp logistics muốn Chính phủ, các bộ ngành hỗ trợ nguồn vốn phát triển công nghệ, chuyển đổi số để quản lý dòng hàng nhằm giảm thiểu chi phí cho hàng hoá xuất nhập khẩu.

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 với chủ đề “Logistics xanh”ngày 26/11, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển...

Ông Trần Tuấn Anh chia sẻ: Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, việc phát triển "Logistics xanh" là đòi hỏi và xu hướng tất yếu đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Giải thích chủ đề diễn đàn là logistics xanh, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề "Logistics xanh" nhằm truyền tải thông điệp của Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng "xanh hóa", khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch...

Đây là lần thứ 10 Diễn đàn logistics được tổ chức.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng: Trước mắt tập trung vào phát triển logistics xanh Đồng bằng sông Cửu Long. Logistics xanh mô tả tất cả các nỗ lực để đo lường và giảm thiểu tác động sinh thái của các hoạt động logistics.

Theo đó, VLA sẽ tổ chức việc đưa vỏ rỗng container xuống lấy hàng trực tiếp vận chuyển hàng container từ Cần Thơ – ĐBSCL bằng vận tải thủy nội địa và tàu biển, từ đó đến TP HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu. Qua đó giảm thiểu việc chuyên chở bằng ô tô, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa giảm tai nạn thông bằng đường bộ. Hoạt động làm hàng ở các cảng biển và điều hành cảng biển sẽ thực hiện hoạt động xanh, năng lượng sạch, tránh ô nhiễm môi trường đi đôi với việc áp dụng công nghệ trong khai thác cảng biển.

VLA đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ ngành dịch vụ logistics nguồn vốn phát triển công nghệ, chuyển đổi số trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia hiện nay về logistics. Bởi vì hiện nay các doanh nghiệp giao nhận, logistics thế hệ chuyển đổi số cần có năng lực quản lý dòng hàng hóa quốc tế.

"Để có thể cạnh tranh cần sớm triển khai các hệ thống có tính năng kỹ thuật cao hơn thông qua hình thức thuê phần mềm dịch vụ nhằm tham gia vào nền tảng giao nhận vận tải toàn cầu hiện đang vận hành", VLA kiến nghị.