Thương cảng Hội An trong giao bang kinh tế giữa Việt Nam và thế giới

Dòng chảy - Ngày đăng : 16:11, 26/11/2022

Trong tiến trình lịch sử - văn hóa Việt Nam, biển và hải đảo luôn là một bộ phận cấu thành, gắn liền với quá trình lãnh thổ, với công cuộc phát hiện, khai phá, đấu tranh, xác lập và bảo vệ chủ quyền.

Ngày 25/11, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, diễn ra hội thảo khoa học quốc gia "Thương cảng Hội An và hệ thống thương cảng Nam Trung Bộ - Tiềm năng, vị thế và các mối giao lưu vùng, liên vùng".

Hội thảo do Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Văn hóa Hội An phối hợp tổ chức với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.

Trong tiến trình lịch sử - văn hóa Việt Nam, biển và hải đảo luôn là một bộ phận cấu thành, gắn liền với quá trình lãnh thổ, với công cuộc phát hiện, khai phá, đấu tranh, xác lập và bảo vệ chủ quyền.

Hệ thống thương cảng và văn hóa biển với các thành tố như vị thế, tiềm năng, dân cư, lịch sử - văn hóa, kinh tế, xã hội trở thành tiền đề, động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Nghiên cứu về biển và hải đảo ngày càng trở thành mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan khoa học, cơ quan quản lý của Việt Nam từ trung ương đến địa phương.

Thương cảng Hội An trong giao bang kinh tế giữa Việt Nam và thế giới - 1

Hội An từng là một đô thị cảng sầm uất (Ảnh: M.T).

GS.TS. Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Biển và Hải đảo, Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng cùng với các tập đoàn thương nhân châu Á, sự hiện diện của các đoàn tàu, thuyền buôn phương Tây đã mở rộng ảnh hưởng và nâng tầm của Hội An lên thành một trong những thương cảng chính yếu của Đông Nam Á.

Cùng với Batavia, Ayutthaya, Phố Hiến, Fomosa, Manila, Nagasaki, Hội An đã góp phần tạo nên chuỗi liên hoàn của hệ thống giao thương châu Á.

"Nghiên cứu quy luật thịnh suy của các cảng thị châu Á, có thể thấy hầu hết các thương cảng chỉ có thể duy trì sự phát triển trong khoảng 3-4 thế kỷ. Nhưng thương cảng Hội An, nếu tính từ thời đại Champa, đã có lịch sử hơn 1.000 năm", GS.TS. Nguyễn Văn Kim khẳng định.

Thương cảng Hội An thời bấy giờ vị trí địa lý thuận lợi, chính sách khai mở, lại là một vùng đất giàu tiềm năng có thể cung cấp một số lượng khá lớn như hồ tiêu, quế, trầm hương, tơ lụa, đường mía, mật ong. Đây còn là nơi nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ khu vực. Do đó Cảng thị Hội An luôn có sức thu hút với giới doanh thương quốc tế.

Hội An được định vị là một cảng thị quan trọng nhất của Đàng Trong vào thế kỷ 17, đồng thời là một trong những thương cảng chính yếu, nơi cung cấp và trung chuyển hàng hóa của các tuyến giao thương Đông Á.

Cùng với Malacca, Ayutthaya, Patani, Batavia, Hội An là điểm đến của nhiều đoàn tàu, thuyền buôn của các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, các nước trong khu  vực Đông Nam Á, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh.

GS.TS. Nguyễn Văn Kim khẳng định đô thị cảng Hội An và vùng biển đảo miền Trung có văn hóa biển sâu và truyền thống văn hóa biển phong phú. Truyền thống văn hóa biển miền Trung bắt nguồn từ thời đại Sa Huỳnh, phát triển nổi bật thời Lâm Ấp - Champa và đạt đến độ thịnh đạt vào thời cầm quyền của các chúa Nguyễn. Hội An đã đạt đến tầm mức của một quốc cảng.

Thương cảng Hội An trong giao bang kinh tế giữa Việt Nam và thế giới - 2

Ngày nay, Hội An là một địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới (Ảnh: M.T).

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch TP Hội An - cho hay thông qua nhiều thế kỷ giao lưu kinh tế, những yếu tố văn hóa từ nhiều nguồn đã trải qua quá trình giao thoa, thẩm thấu, quyện hòa, tiếp biến lẫn nhau để ngưng kết thành bản sắc Hội An rất riêng và độc đáo.

Ngày nay, những dấu ấn còn lại về sự giao sự giao lưu vùng, liên vùng, liên khu vực và quốc tế vẫn còn đậm nét trong kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hội An, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu để UNESCO công nhận Hội An là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1999.

Với hơn 30 bài nghiên cứu và những ý kiến tham gia phát biểu, hội thảo góp phần nhận diện, làm sáng tỏ và khẳng định tiềm năng kinh tế, văn hóa, vị thế, vai trò của thương cảng Hội An và hệ thống thương cảng Nam Trung Bộ, hướng đến một nhận thức ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn về hoạt động, phạm vi ảnh hưởng của hệ thống thương cảng miền Trung Việt Nam trong mối giao lưu vùng, liên vùng.

Hội thảo khoa học quốc gia "Thương cảng Hội An và hệ thống thương cảng Nam Trung Bộ - Tiềm năng, vị thế và các mối giao lưu vùng, liên vùng "nằm trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), 23 năm ngày khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới (4/12) và 5 năm nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Công Bính