Tăng giá dịch vụ bệnh viện công ngang khu vực tư, chất lượng phải tương ứng

Tin Y tế - Ngày đăng : 08:33, 26/11/2022

Người dân kỳ vọng, nếu tăng giá dịch vụ y tế ở khu vực công thì chất lượng phục vụ cũng phải tăng lên, tương ứng với số tiền người bệnh phải chi trả.
Tăng giá dịch vụ bệnh viện công ngang khu vực tư, chất lượng phải tương ứng
Trong phòng chật chội, nhiều bệnh nhân phải nằm, ngồi ngoài hành lang ở Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ánh Trang

Các bệnh viện công có thể thu tiền giường nằm 3 triệu đồng/ngày là mức giá được đề xuất trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. Dự thảo đang được Bộ Y tế xây dựng, xin ý kiến, dự kiến áp dụng từ ngày 1.1.2023.

Theo đó, giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) tối đa 3 triệu đồng/ngày với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một, mỗi phòng 1 giường. Cùng hạng bệnh viện này, nếu phòng có 2 giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.

"Căng quá" - anh Phùng Trung Nguyên (Hải Phòng), người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thốt lên khi nghe thông tin trên. Anh Nguyên cho biết, bố của anh đang sử dụng giường dịch vụ giá 1,5 triệu đồng/ngày.

"Không ai có thể mặc cả với bệnh tật, nếu chẳng may mắc thì phải nằm viện. Phòng bố tôi đang sử dụng có diện tích khá nhỏ, ngoài giờ thăm nom, chăm sóc thì tôi phải ra ngoài thuê phòng trọ để ngả lưng cho đỡ mệt, không thể vật vờ mãi ngoài ghế đá hay quán nước ngoài cổng viện.

Nếu giường tăng giá lên 2,5 triệu đồng thì phải là phòng tiêu chuẩn, có nơi cho gia đình sinh hoạt, cung cấp dịch vụ y tế 24/24, có người phục vụ, có ăn uống... tương đương như các bệnh viện tư" - anh Trung Nguyên nói.

 
Chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở vật chất ở bệnh viện công hiện nay vẫn chưa đáp ứng mong muốn của người dân. Ảnh: Trang Ánh

Có người nhà đang sử dụng phòng dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Nguyễn Đình Hoàng (Hà Nội) cho biết, bên trong bệnh viện hàng hàng lớp lớp người bệnh và thân nhân chen chúc; phòng thường có giường nằm ghép 3 người, thân nhân trải chiếu bên dưới la liệt.

Phòng dịch vụ giá 1 triệu đồng/giường không rộng rãi, phòng ốc khá cũ kỹ, nhà vệ sinh không có thiết bị chuyên dụng. Nếu tăng giá cần đi đôi với tăng chất lượng, ít nhất bằng các bệnh viện tư.

"Một số bệnh viện tư, giá phòng trung bình dao động từ 2-4 triệu, nhưng rộng rãi, sạch đẹp, thoáng mát và yên tĩnh. Hàng ngày có đội ngũ gồm 1 bác sĩ, 1-2 y tá thăm hỏi, khám định kỳ sáng chiều để điều chỉnh chế độ điều trị, ăn uống và có chế độ riêng theo tình hình sức khỏe.

Ngày 2 lần phòng được lau dọn, toàn bộ tòa nhà đều rất sạch. Thậm chí, có khuôn viên để đi bộ, có khu tập luyện thể lực, yoga... Như vậy, nếu giường ở bệnh viện công tăng giá ngang bệnh viện tư thì chất lượng phải tương ứng" - anh Hoàng bày tỏ.

Một chuyên gia kinh tế đánh giá, dự thảo đưa ra rất nhiều mức giá giường dịch vụ ở bệnh viện công, từ vài trăm nghìn đồng cho đến 3 triệu đồng/giường, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng bệnh nhân.

Hiện nay, nhiều bệnh viện tư đã áp dụng giá phòng từ vài triệu đến 30 triệu đồng - còn gọi là phòng Tổng thống. Bệnh nhân điều trị ở đây có thể mời chuyên gia cao cấp từ các bệnh viện khác đến, các dịch vụ tương xứng. Chuyên gia này kỳ vọng khi có cơ chế, bệnh viện công có thể thực hiện dịch vụ y tế cao cấp như bệnh viện tư nhân, nhưng quan trọng nhất cần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Nhóm PV