Mua bảo hiểm bắt buộc với xe máy, khi có sự cố giải quyết thế nào?
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:11, 25/11/2022
Trong hồ sơ dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, việc sửa đổi quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường bảo hiểm, tăng mức bồi thường, đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm,... đã được rà soát, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định 03/2021 (có hiệu lực từ ngày 1/3/2021).
Dự thảo nghị định lần này nhằm đồng bộ với Luật kinh doanh bảo hiểm số năm 2022, do đó về cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị định số 03/2021.
Dự thảo đưa ra mức phí bảo hiểm của từng loại xe cơ giới, trong đó mô tô 2 bánh 50cc trở xuống là 55.000 đồng/năm; từ 50cc trở lên là 60.000 đồng/năm, mô tô 3 bánh là 290.000 đồng/năm, xe máy điện 55.000 đồng/năm.
Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) gây ra là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Đẩy nhanh tốc độ giải quyết bồi thường bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp: Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại; người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; người lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá độ tuổi điều khiển xe cơ giới theo quy định pháp luật về giao thông đường bộ; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ; thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật…
Theo dự thảo, khi tai nạn giao thông xảy ra, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải có trách nhiệm thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm vào đường dây nóng để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn.
Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời chủ động thu thập và cung cấp các tài liệu quy định trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm thuộc trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, chủ xe cơ giới các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm; phối hợp chặt chẽ với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thứ ba và các bên liên quan trong vòng 24 giờ tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại…
Bộ Tài chính khẳng định, dự thảo nghị định đã thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo hướng chỉ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Nghị định số 03/2021 hiện hành quy định, lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây tai nạn sẽ không được bồi thường bảo hiểm).
Trả lời về đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm, Bộ Tài chính nói đã kế thừa quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm tại Nghị định số 03/2021. Theo đó cắt giảm 2/5 chứng từ, tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; chỉ thu thập tài liệu của cơ quan công an có thẩm quyền trong trường hợp tử vong, và quy định rõ thời hạn cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp bảo hiểm. Bổ sung biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất được thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe, người lái xe quy định nhằm đẩy nhanh tốc độ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Bỏ quy định "luôn mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm"
Góp ý vào dự thảo, Bộ Tư pháp đề nghị giải trình làm rõ quy định "Luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực…" và khi xảy ra tai nạn giao thông, bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm phải "thông báo ngay" cho doanh nghiệp bảo hiểm để tránh phát sinh những phiền phức cho người dân.
Tiếp thu ý kiến, Bộ Tài chính đã bỏ quy định quy định "Luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực…" để tránh phát sinh những phiền phức không đáng có cho người dân.
Đối với việc phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm khi xảy ra tai nạn, Bộ Tài chính lý giải, khi tai nạn giao thông xảy ra, bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm phải thông báo ngay vào đường dây nóng của doanh nghiệp để phối hợp giải quyết nhằm hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra tai nạn, bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm phải thông báo tai nạn bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Dự thảo vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định cũng đã bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm về việc triển khai bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Cụ thể: Không chi hỗ trợ đại lý bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới dưới mọi hình thức ngoài mức hoa hồng bảo hiểm đại lý được hưởng theo quy định của Bộ Tài chính; không khuyến mại, chiết khấu thanh toán dưới mọi hình thức đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để tránh tình trạng cạnh tranh, giảm phí bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới giữa các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường hiện nay.
Trước đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy.
Theo VCCI, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác, cụ thể, tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của ôtô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.