Điểm tin kinh doanh 25/11: Giá đôla chợ đen rớt mạnh, đã 'bốc hơi' trên 500 đồng

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 25/11/2022

Giá đôla chợ đen rớt mạnh, đã 'bốc hơi' trên 500 đồng; TP.HCM đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu

- Giá đôla chợ đen rớt mạnh, đã 'bốc hơi' trên 500 đồng

Hôm 24/11, tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.671 VND/USD, giảm 1 đồng so với hôm trước đó. Tỉ giá bán giao ngay được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên niêm yết ở mức 24.850 VND/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, tỉ giá chốt phiên với mức 24.852 VND/USD, tăng nhẹ 4 đồng so với phiên 22/11.

Tại các ngân hàng, giá USD cũng không biến động. Giá đồng đôla tại Vietcombank hiện niêm yết ở mức 24.264 – 24.854 VND/USD, giảm nhẹ 1 đồng ở cả hai chiều so với hôm qua. Tại Eximbank mua vào 24.620 VND/USD và 24.854 VND/USD, không thay đổi giá mua nhưng giảm 1 đồng ở giá bán.

Trên thị trường chợ đen, giá USD giảm khoảng 80 đồng ở chiều mua và giảm tới 110 đồng ở chiều bán ra, giá giao dịch phổ biến ở mức 24.870 - 24.940 VND/USD.

Từ đầu tháng 11 đến nay, giá đồng bạc xanh trên chợ đen đã bốc hơi khoảng 510 đồng. Còn tại thị trường ngân hàng, tỉ giá USD/VND giảm khoảng 260 đồng. Chênh lệch giá bán USD giữa hai thị trường này hiện chỉ cách nhau khoảng 80 đồng.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index đo sức mạnh của đồng USD so với các ngoại tệ mạnh khác liên tục lao dốc, hiện đã xuống 105,7 điểm- chạm đáy của 3 tháng gần đây.

- TP.HCM đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu

Nhằm ổn định nguồn cung xăng, dầu, cũng như bù đắp đủ chi phí kinh doanh và không phát sinh lỗ kéo dài cho thương nhân đầu mối, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức theo hướng phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.

Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chia sẻ nguồn lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý; trong đó, đảm bảo mức chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít để các cửa hàng có thể duy trì, vận hành hoạt động của cửa hàng bán lẻ xăng dầu (chi trả chi phí vận chuyển, nhân viên, tổ chức hoạt động, khấu hao...).

Ngoài ra, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo điều kiện cho thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu cung cấp cho thị trường trong nước, UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc gia hạn nộp thuế đúng quy định cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong một giai đoạn nhất định.

- NHNN: Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại đang ở mức 8,4-9,9%/năm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông tin về diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng tháng 10/2022.

Theo thống kê của cơ quan này, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ bằng VND ở mức 8,4-9,9%/năm.

Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên, theo báo cáo của NHNN là khoảng 4,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của cơ quan này (5,5%/năm).

Đối với USD, NHNN cho hay, lãi suất cho vay USD bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 3,2-4,5%/năm đối với ngắn hạn; 5,2-5,7%/năm đối với trung và dài hạn.

- Ngành hàng không tăng trưởng 630% so với cùng kỳ năm trước

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, tháng 11/2022, ngành hàng không đã có 8,67 triệu khách thông qua các cảng, tăng 7% so với tháng 10/2022 và tăng 630% so với tháng 11 năm ngoái.

Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 1,67 triệu khách, tăng 2.706,2% so với tháng 11/2021, nhưng lại giảm tới 53,1% so với tháng 11/2019. Khách nội địa đạt 7 triệu khách, tăng 508,9% so với tháng 11/2021. Trong 11 tháng đầu năm 2022, kết quả vận chuyển đã có 90,8 triệu khách thông qua các cảng hàng không, tăng 221% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 14,8% so với cùng kỳ 2019. Khách quốc tế đạt 9,8 triệu khách, tăng 2.041% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng giảm 74% so với cùng kỳ 2019. Số lượng hành khách nội địa có xu hướng tăng mạnh, đạt 81 triệu khách thông qua, tăng 191,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 18,4% so với cùng kỳ 2019.

Trong số này, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 45 triệu khách, tăng 217,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vận chuyển 4,4 triệu khách quốc tế, tăng 3.145,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 72,5% so với cùng kỳ 2019. Với khách nội địa, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 40,5 triệu khách trong 11 tháng đầu năm, tăng 188,7% so với cùng kỳ năm 2021.

- Các quan chức Fed bắt đầu giảm tốc độ tăng lãi suất

Ngày 23/11, Ngân hàng trung ương Mỹ cho biết đa số các nhà hoạch định chính sách của Fed nhận thấy sớm điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất chậm hơn là phù hợp.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt tay vào một lộ trình tích cực để hạ nhiệt nhu cầu và hạ giá khi lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, nâng lãi suất vay tiêu chuẩn lên sáu lần trong năm nay. Với lạm phát quanh mức 7,7%, cuộc họp chính sách mới nhất vào đầu tháng 11 đã tạo ra một đợt tăng lãi suất ba phần tư liên tiếp, một mức tăng lớn. Điều này mang lại tỷ lệ trong khoảng từ 3,75 đến 4%, cao nhất kể từ tháng 1/2008. Nhưng phần lớn các quan chức Fed đánh giá rằng tốc độ tăng chậm lại là phù hợp.

Biên bản của Fed nhấn mạnh rằng tốc độ chậm hơn trong những trường hợp này sẽ cho phép Ủy ban Thị trường mở liên bang đánh giá tiến độ hướng tới các mục tiêu về việc làm tối đa và ổn định giá cả. Những người tham gia cuộc họp lưu ý rằng sẽ cần thời gian để chính sách phát huy hết tác dụng và một số người nhận thấy rằng việc nới lỏng tốc độ tăng lãi suất có thể làm giảm rủi ro bất ổn trong hệ thống tài chính.

Việt Báo (Tổng hợp)