TPHCM sẽ xóa bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân sau hơn 36 năm

Nhịp sống - Ngày đăng : 12:49, 24/11/2022

Mô hình tổ dân phố - tổ nhân dân phía dưới phường, xã, thị trấn được TPHCM duy trì từ năm 1985 đến nay. Địa phương đang xây dựng phương án, lộ trình nhằm tinh giản các tổ chức này.

Tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đã báo cáo với người dân về việc địa phương sẽ xóa bỏ cấp trung gian dưới phường - xã. Việc lược bỏ các tổ dân phố, tổ nhân dân sẽ giúp TPHCM tinh giản số người hoạt động không chuyên trách từ 64.000 người xuống còn khoảng 26.000 người.

Trong thực tế, đề án sắp xếp các tổ chức cấp dưới phường, xã đã được TPHCM lên kế hoạch từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, dự định này mới được tái khởi động thời gian gần đây.

TPHCM sẽ xóa bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân sau hơn 36 năm - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, trả lời các thắc mắc của cử tri về tổ dân phố - tổ nhân dân (Ảnh: Hữu Khoa).

Nơi duy nhất còn tồn tại 2 cấp dưới phường, xã, thị trấn

Sở Nội vụ TPHCM cho biết, từ năm 1985 đến nay, TPHCM vẫn duy trì mô hình tổ chức dưới phường, xã, thị trấn với 2 cấp. Cụ thể, khu phố - ấp là cấp triển khai, phía dưới còn có tổ dân phố - tổ nhân dân là cấp thực hiện. Trong khi đó, các địa phương khác trên cả nước đều thực hiện mô hình một cấp dưới phường, xã, thị trấn và lấy tên gọi chung theo các văn bản của Trung ương là thôn - tổ dân phố.

Hiện tại, TPHCM đã có quy định về quy mô của ấp phải từ 500 hộ gia đình trở lên, quy mô khu phố phải từ 700 hộ gia đình trở lên. Đối với cấp thứ 2, mỗi tổ nhân dân phải từ 50 hộ gia đình trở lên và tổ dân phố phải có từ 100 hộ gia đình trở lên.

TPHCM sẽ xóa bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân sau hơn 36 năm - 2

Tổ dân phố - tổ nhân dân đóng vai trò quan trọng trong thu nhận ý kiến góp ý của người dân, nhưng tồn tại nhiều bất cập trong quá trình hoạt động (Ảnh: Hữu Khoa).

Tuy nhiên, Sở Nội vụ cho rằng, các địa phương đang phân chia 2 cấp dưới phường, xã, thị trấn theo ranh giới, địa giới hành chính. Bên cạnh đó, quá trình cư trú của người dân thường xuyên biến động khiến số hộ dân của mỗi đơn vị trung gian không đồng đều, một số nơi có lượng hộ dân rất cao so với quy định và ngược lại.

Nhận định về tình hình hoạt động thực tiễn của tổ dân phố - tổ nhân dân, cơ quan này đánh giá, tổ trưởng, tổ phó các đơn vị này đều là những thành viên tích cực, nhiệt tình, có tâm huyết và được nhân dân tín nhiệm bầu. Họ là những thành viên đóng góp chính trong việc tổ chức tập hợp các góp ý của người dân cho các chủ trương, chính sách pháp luật.

Tuy nhiên, với quy mô hộ dân không đồng đều và thường xuyên biến động, nhân sự các tổ dân phố, tổ nhân dân thường xuyên gặp khó khăn, biến động. Nội dung sinh hoạt ở một số nơi còn mang tính hình thức và số người dự họp tổ còn thấp (chỉ 15-25%).

Một bất cập khác được Sở Nội vụ nêu rõ là năng lực của các tổ dân phố - tổ nhân dân không đồng đều, không phải tổ trưởng nào cũng có khả năng đáp ứng và thực hiện tốt các nhiệm vụ. Cá biệt, một số tổ dân phố - tổ nhân dân chỉ có một tổ trưởng hoặc tổ phó hoạt động, người còn lại chỉ mang chức danh nhưng gần như không hoạt động, không tham dự các cuộc họp tại phường, xã, thị trấn; có tổ chỉ còn vài hộ hoặc không có hộ dân nào do cho thuê nhà hoặc trong khu vực giải tỏa.

Xóa bỏ mô hình tổ dân phố - tổ nhân dân

Từ thực tế trong quá trình hoạt động, Sở Nội vụ đã đưa ra 2 phương án sắp xếp lại mô hình khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân. Phương án đầu tiên là thành phố sẽ xóa bỏ mô hình tổ dân phố - tổ nhân dân trên toàn địa bàn. Sau khi sắp xếp, TPHCM chỉ còn 5.242 khu phố - ấp.

Phương án thứ 2 là địa phương vẫn duy trì tổ nhân dân - tổ dân phố ở dưới phường, xã, thị trấn mà không còn khu phố - ấp. Sau khi sắp xếp, TPHCM sẽ tồn tại 11.290 tổ dân phố - tổ nhân dân.

TPHCM sẽ xóa bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân sau hơn 36 năm - 3

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đang xây dựng lộ trình, kế hoạch để bỏ cấp tổ dân phố - tổ nhân dân (Ảnh: Hữu Khoa).

Sau khi cân nhắc, ban lãnh đạo UBND TPHCM đã lựa chọn phương án đầu tiên làm định hướng để trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy. Với phương án này, thành phố sẽ tinh giản từ hơn 27.000 tổ chức (hơn 2.000 khu phố - ấp, hơn 25.000 tổ dân phố - tổ nhân dân) xuống còn hơn 5.000 khu phố, ấp.

Mô hình được lựa chọn cũng giúp TPHCM giảm kinh phí hoạt động hàng năm từ 527 tỷ đồng xuống còn khoảng 482 tỷ đồng.

Sở Nội vụ TPHCM cũng nêu rõ, mô hình tổ chức dưới phường, xã, thị trấn 2 cấp đã tồn tại từ năm 1985 tới nay, nên việc thực hiện mô hình mới sẽ dẫn đến khó khăn, lúng túng bước đầu trong hoạt động, sắp xếp nhân sự. Trong đó cần kể đến việc không tổ chức tổ dân phố - tổ nhân dân sẽ khiến lượng nhân sự lớn bị tinh giản đột ngột, tạo áp lực công việc tương đối cao với người hoạt động không chuyên trách.

Sở Nội vụ TPHCM cũng đưa ra kiến nghị, UBND TPHCM cần ban hành lộ trình thực hiện sắp xếp lại mô hình cho toàn địa bàn và không thực hiện thí điểm. Thành phố có thể tạo điều kiện hình thành các nhóm hộ tự quản với khoảng 20 hộ dân nhưng không làm tăng tổ chức như mô hình tổ nhân dân - tổ dân phố trước đây, khuyến khích đảng viên tại khu vực làm trưởng nhóm nhằm nắm bắt tình hình an ninh, trật tự và vận động các phong trào, công việc của cộng đồng.

Q.Huy