EU đề xuất áp mức giá trần khí đốt liệu có khả thi?

Tin thế giới - Ngày đăng : 09:14, 24/11/2022

Theo đề xuất mới đây được Uỷ viên phụ trách năng lượng của Uỷ ban châu Âu, bà Kadri Simson đưa ra, Liên minh châu Âu sẽ áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh.

Sau nhiều tháng căng thẳng và tranh cãi về câu chuyện áp giá trần lên khí đốt và dầu của Nga nhằm phản ứng chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước này phát động tại Ukraine, mới đây, Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng cũng đã đưa ra được một đề xuất cụ thể. Theo đó, khối này vừa đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro (tương đương 283 USD) mỗi MWh.

Phía EU khẳng định đây là một công cụ mạnh đồng thời là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng cao, kiểm soát nhu cầu hướng tới đảm bảo cung cấp đủ khí đốt cho châu Âu

Xem xét đề xuất áp giá trần

Theo đề xuất mới đây được Uỷ viên phụ trách năng lượng của Uỷ ban châu Âu, bà Kadri Simson đưa ra, Liên minh châu Âu sẽ áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh. Trong thông báo của mình thì bà Kadri Simson không công bố công thức tính toán cụ thể để đưa ra mức giá này nhưng các chuyên gia năng lượng cho rằng việc tính mức giá trần này chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đợt tăng giá cao chưa từng thấy hồi cuối tháng 8/2022 khi giá khí đốt giao dịch trên sàn TTF của Hà Lan lên gần 350 euro/MWh.

Hiện tại, mức giá này đang dao động quanh mức 125 euro/MWh. Do đó, có thể thấy mức giá trần 275 euro/MWh mà Uỷ ban châu Âu đề xuất là mức giá nằm giữa mức giá kỷ lục cuối tháng 08/2022 và mức giá hiện nay. Ngoài ra, việc áp mức giá 275 euro/MWh cũng dựa trên rất nhiều nghiên cứu dự báo của các tổ chức tài chính và năng lượng lớn.

Ví dụ, trong một báo cáo mới công bố đầu tháng 11/2022, Ngân hàng Golman Sachs dự báo giá khí đốt châu Âu đầu năm 2023 có thể sẽ giảm xuống mức khoảng 80 euro/MWh nhưng đến mùa Hè 2023 có thể sẽ tăng lên 250 euro/MWh, thậm chí là cao hơn khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi trở lại khiến nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) của Trung Quốc cũng tăng theo. Ngoài ra, đến năm 2023, châu Âu sẽ mất gần như toàn bộ nguồn cung từ Nga nên việc lấp đầy các kho dự trữ sẽ khó khăn hơn, đẩy việc cạnh tranh khí đốt trên thị trường thế giới thêm gay gắt hơn và giá sẽ tăng cao.

Nhìn chung, mức giá trần 275 euro/MWh mà Uỷ ban châu Âu đề xuất được tính toán dựa trên rất nhiều yếu tố phức tạp và điều kiện áp dụng mức giá trần này cũng không đơn giản nên một số chuyên gia kinh tế thậm chí còn nhận định, nhiều khả năng mức giá trần này có thể sẽ không bao giờ được áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, trước mắt về lý thuyết thì nếu các lãnh đạo các nước châu Âu bật đèn xanh thông qua mức giá trần này thì Uỷ ban châu Âu sẽ có một công cụ tương đối mạnh để can thiệp vào thị trường năng lượng, theo đó, cơ chế điều tiết thị trường sẽ được tự động kích hoạt nếu giá khí đốt vượt quá 275 euro/MWh trong 2 tuần liên tiếp và chênh lệch giữa giá khí đốt hợp đồng tương lai giao dịch trên sàn TTF (Hà Lan) và giá khí tự nhiên hoá lỏng – LNG trên thị trường thế giới vượt quá 58 euro trong 10 ngày giao dịch liên tiếp.

Các quan điểm trái chiều

Các cuộc thảo luận về việc áp giá trần khí đốt hiện nay ở châu Âu là nhắm vào toàn bộ khí đốt mà châu Âu nhập khẩu chứ không phải chỉ đối với khí đốt của Nga và trên thực tế hiện nay lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu chỉ còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, sau khi tập đoàn Gazprom gần như đã cắt giảm toàn bộ lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1”.

Đối với đề xuất áp giá trần 275 euro/MWh, ngay sau khi Uỷ ban châu Âu đưa ra con số, các nước thành viên EU đã đưa ra các quan điểm rất khác biệt. Bộ trưởng Năng lượng và môi trường Hy Lạp, Kostas Skrekas cho rằng mức giá trần 275 euro/MWh mà Uỷ ban châu Âu đề xuất là quá cao và cần phải hạ mức giá trần này xuống mức từ 150 euro đến 200 euro/MWh bởi ngay chỉ cần giá khí đốt tiệm cận mức giá trần 275 euro/MWh mà Uỷ ban châu Âu đề xuất thì cũng đã có rất nhiều quốc gia châu Âu không thể mua được khí đốt một cách lâu dài.

Một số nước như Ba Lan, Bỉ hay Tây Ban Nha ủng hộ mức giá trần trong khi Đức, Hà Lan, những nước e ngại nhất việc áp giá trần khí đốt, hiện vẫn chưa thể hiện quan điểm ủng hộ hay phản đối mức giá 275 euro/MWh mà Ủy ban châu Âu đề xuất. Do đó, cuộc họp của Bộ trưởng Năng lượng các nước EU trong ngày 24/11, dự kiến sẽ rất phức tạp bởi giống như lo ngại lớn nhất từ nhiều tháng qua tại châu Âu, sẽ rất khó có một chính sách năng lượng đáp ứng được với đòi hỏi và lợi ích của tất cả 27 nước thành viên EU bởi các quốc gia này có các điều kiện về hạ tầng năng lượng, về tiềm lực tài chính hoàn toàn khác nhau.

Europex, một nhóm trao đổi năng lượng tại châu Âu, đầu tuần này cũng đưa ra đánh giá “hết sức lo ngại” về cơ chế điều tiết thị trường năng lượng châu Âu, tức việc áp giá trần khí đốt, bởi cơ chế này sẽ tác động đến ổn định tài chính cũng như sự an toàn của nguồn cung khí đốt.

Do đó, như chính Uỷ viên phụ trách năng lượng của Uỷ ban châu Âu, bà Kadri Simson thừa nhận, việc kích hoạt cơ chế áp giá trần năng lượng chỉ là giải pháp cuối cùng và đây cũng chỉ là một giải pháp tạm thời. Cơ chế này cũng có thể bị tạm ngưng bất kỳ thời điểm nào nếu không đáp ứng đủ 2 điều kiện kích hoạt hoặc nếu như Uỷ ban châu Âu nhận thấy có nguy cơ đe doạ đến nguồn cung khí đốt, đến nỗ lực cắt giảm tiêu thụ khí đốt hay đến việc luân chuyển khí đốt trong nội bộ EU.

Hướng chuyển động của thị trường năng lượng EU

Mức giá trần 275 euro/MWh như Uỷ ban châu Âu đề xuất đang gây tranh cãi, bị một số quốc gia thành viên cho là quá cao. Do đó, các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu trước hết cần phải đạt được sự đồng thuận về mức giá này. Cũng cần nhắc lại rằng, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU cuối tháng 10/2022 tại Brussels, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng chưa từng chính thức tuyên bố ủng hộ việc áp giá trần khí đốt mà chỉ đồng ý sẽ thảo luận về kịch bản này, sau khi chịu nhiều sức ép từ các nước như Pháp, Tây Ban Nha…

Nói cách khác là Đức, cường quốc số 1 châu Âu và cũng là nước chịu nhiều sức ép nhất về khủng hoảng năng lượng, chưa nói “có” cũng chưa nói “không”. Do đó, việc EU có thông qua được đề xuất này hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Tiếp đến, điều kiện kích hoạt cơ chế giá trần khí đốt này cũng không đơn giản và chưa chắc đã có thể áp dụng trong thực tế.

Trước mắt, như dự báo của nhiều tập đoàn tài chính và năng lượng lớn, thị trường năng lượng châu Âu vẫn sẽ chuyển động dựa trên quy luật cung-cầu. Hiện tại, do đã lấp đầy kho dự trữ sớm và nhiều hơn so với dự kiến nên châu Âu ít chịu sức ép hơn về nguồn cung. Giá khí đốt tại châu Âu cũng đã giảm xuống còn khoảng 1/3 so với kỷ lục cuối tháng 08/2022, dù vẫn đang cao gấp khoảng 3-4 lần mức giá vào thời điểm năm 2021. Trong những tháng tới, giá khí đốt tại châu Âu được dự báo sẽ có ít biến động mạnh. Tuy nhiên, nguồn cung năm 2023 được dự báo sẽ phức tạp hơn nhiều nên từ Hè 2023 châu Âu sẽ lại tiếp tục chịu các tác động mạnh về giá.

Đối với dầu mỏ thì châu Âu phụ thuộc vào Nga ít hơn so với khí đốt nên việc EU chính thức cấm nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay cũng đã được tính toán để giảm thiểu các tác động. Câu hỏi chính hiện nay là việc G7 kiên quyết áp giá trần với dầu mỏ của Nga sẽ có tác động ra sao đến thị trường dầu mỏ thế giới. Nga có thể trả đũa bằng cách ngưng toàn bộ việc xuất khẩu dầu mỏ và khi đó giá dầu trên thế giới chắc chắn sẽ lại tăng cao, nhất là khi các nước OPEC hồi tháng 10/2022 cũng đã quyết định cắt giảm sản lượng.

Ngoài ra, dù G7 áp giá trần với dầu mỏ của Nga nhưng điều quan trọng là hai quốc gia khách hàng lớn nhất của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phản ứng ra sao. Nếu 2 cường quốc châu Á chấp nhận rủi ro đương đầu với các lệnh trừng phạt của phương Tây để tiếp tục mua dầu của Nga thì tác động của việc áp trần giá dầu mỏ cũng sẽ không đáng kể đối với Nga./.