Toàn cảnh về Thuỵ Sĩ – đất nước ‘thiên đường dưới trần gian’
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:56, 24/11/2022
Xem thêm: Geisha Nhật Bản: Biểu tượng văn hoá, không phải mại dâm trá hình
Một quốc gia được gọi là “thiên đường dưới trần gian” hay “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” hẳn sẽ có rất nhiều thứ hay do, thú vị. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Thuỵ Sĩ nhân dịp đội tuyển quốc gia nước này sẽ bước vào vòng bảng World Cup 2022, trận đấu mở màn của họ sẽ diễn ra lúc 17h ngày 24/11 trước Cameroon tại bảng G.
Thuỵ Sĩ là một đất nước xa hoa, sang chảnh và hiện đại bậc nhất châu Âu, thậm chí là cả thế giới. Đất nước này thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là giới thượng lưu, tài phiệt. Bài viết sẽ cho bạn góc nhìn toàn cảnh về quốc gia tuyệt vời này.
Thụy Sĩ là một liên bang gồm tất cả 26 bang, nằm ở trung tâm châu Âu. Thủ đô của Thụy Sĩ là thành phố Bern sầm uất. Nằm ở Trung Âu, phía Bắc giáp Đức, phía Nam giáp Italia, phía Tây giáp Pháp, Đông giáp Áo và Liechtenstein.
Đất nước này có nền kinh tế, giáo dục phát triển vượt bậc. Ngôn ngữ chính của họ gồm tiếng Đức, Pháp, Ý…
Diện tích của Thuỵ Sĩ chỉ khoảng 41.290 km2 nên dân số cũng thấp, rơi vào 8 triệu dân. Khi đặt chân đến đây, bạn phải tuân thủ những quy định có phần lạ lẫm nhưng đặc biệt của họ.
Thuỵ Sĩ sản xuất không khí sạch bán cho Trung Quốc, Ấn Độ
¾ diện tích của đất nước này là núi đá, xen giữa là hồ lớn. Giữa núi và hồ là cao nguyên. Được mẹ thiên nhiên ban tặng thiên nhiên trong lành, nhưng Chính phủ nước này còn đi đầu trong việc bảo vệ không khí, hạn chế gần như tuyệt đối các phương thức gây hại ô nhiễm.
Nhờ sự đồng lòng của pháp luật lẫn người dân, Thuỵ Sĩ trở thành đất nước có môi trường sinh thái nhất nhì thế giới. Bầu trời lúc nào cũng trong vắt, không khí thơm tho trong lành, khắp nơi rực một màu xanh của cây cối xanh tốt, nhà cửa, đường phố sạch bong.Người dân Thụy Sĩ tự hào vì có ít nhất 80% nước hồ của họ có thể trực tiếp dùng để uống chẳng cần phải đun sôi.
Vì vậy, một công ty của Thuỵ Sĩ quyết định xuất khẩu không khí sang các nước ô nhiễm vào năm 2017. Họ bán không khí đóng chai 'made in Swizertland' cho người dân sống ở các thành phố ô nhiễm nặng nề tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Không khí sạch được thu thập từ nhiều địa điểm khác nhau xung quanh dãy Alps ở Thụy Sĩ trước khi được nén vào bình xịt. Một bình không khí sạch có giá 19,95 franc Thụy Sĩ, tương đương 21 USD, và đi kèm một mặt nạ để hỗ trợ khách hàng thở. Sản phẩm chứa đủ không khí cho khoảng hơn 120 lần hô hấp, tức khoảng 10 phút sử dụng.
Sản phẩm này dành cho những người sống chung với mức ô nhiễm khủng khiếp mỗi ngày vốn có thể khiến họ tổn thọ và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Một chai không khí Thụy Sĩ không phải là giải pháp cho vấn đề của họ, nhưng là cách tuyệt vời để hít thở không khí trong lành dù là trong thời gian ngắn.
Thuỵ Sĩ có 2 thành phố đáng sống nhất thế giới
Khái niệm đáng sống dùng cho những nơi trên thế giới đem đến những điều kiện sống tốt nhất gồm 5 mục lớn: Tính ổn định, Chăm sóc sức khỏe, Văn hóa và môi trường, Giáo dục và Cơ sở hạ tầng. 2 trong số những thành phố đáng sống nhất là Zurich và Geneva thuộc về Thụy Sĩ, trong đó có cả yếu tố tỷ lệ tội phạm.
Zurich nổi tiếng bởi khung cảnh thơ mộng nhưng cũng không kém phần hiện đại bởi đây là trung tâm thương mại và văn hóa chính của Thụy Sĩ.
Geneva xếp sau Zurich, nổi tiếng bởi sự yên bình, không gian sống trong lành và nhiều công trình kiến trúc lâu đời. Geneva còn được mệnh danh là thánh địa du lịch của Thụy Sĩ và thủ đô hòa bình của thế giới.
Ngân hàng an toàn, bảo mật nhất thế giới
Ngành ngân hàng ở Thụy Sĩ nổi tiếng khắp hành tinh nhờ vào tính bảo mật số 1 trên thế giới. Họ không bao giờ đóng tài khoản của bất kỳ khách hàng nào, trừ trường hợp liên quan đến hoạt động hình sự và khủng bố.
Ngân hàng quốc gia này hoạt động phục vụ tất cả người dân có nhu cầu. Thụy Sĩ trở thành cái tên uy tín về các hoạt động tiền tệ giao dịch ngân hàng toàn cầu.
Khi dạo chơi trên con đường Bahnhofstrasse tại thành phố Zurich, bạn có thể thấy rất nhiều ngân hàng nhỏ đến lớn, bảo mật cao. Người Thụy Sĩ còn đồn đại rằng bên dưới con đường này chứa đầy vàng.
Thuỵ Sĩ chọn con đường trung lập, đứng ngoài các cuộc chiến tranh
Không tấn công, không đánh trả, cũng chẳng hề gây hấn, Thụy Sĩ đã trung lập trong thời gian dài nhất trên thế giới. Quốc gia này có nền hòa bình không trải qua bom đạn suốt từ năm 1505 cho tới nay.
Lực lượng quân đội Thụy Sĩ mạnh và phản ứng cực nhanh với các tình huống khẩn cấp. Nhưng khu vực quân đội của Thuỵ Sĩ không phô trương, không xây dựng to lớn như những quốc gia khác mà lại được bố trí nằm ngay trong những ngôi làng, sống hòa mình vào với người dân để đảm bảo an toàn cho họ. Tất cả ngôi nhà của người dân đều có hầm trú ẩn, một quy định bắt buộc.
Điều đó cũng dễ hiểu bởi lịch sử các cuộc chiến tranh thế giới ghi nhận hình ảnh hùng mạnh của lính đánh thuê Thuỵ Sĩ. Ở đất nước này có một cụm từ nổi tiếng đó là "Don’t mess with S”- Đừng gây rối với quân đội Thụy Sĩ.
Thuỵ Sĩ thống trị giới đồng hồ
Đồng hồ Thuỵ Sĩ nổi danh toàn thế giới bởi đẳng cấp và giá trị sản phẩm. Hầu hết những chiếc đồng hồ xa xỉ trên thế giới được sản xuất tại nước này như Tissot, TAG Heuer, Rolex, Patek Philippe...
Với linh kiện quý hiếm, phụ kiện cao cấp, quy trình gia công tỉ mỉ đến từng chi tiết, kiểu dáng sang trọng, đẳng cấp là những yếu tố cơ bản nhất khiến Thụy Sĩ đi đầu trong lĩnh vực này.
Đồng hồ Thụy Sĩ là biểu tượng của sự sang trọng, xa hoa và tinh tế.
Đất nước châu Âu ít béo phì nhất
Không chỉ có hệ sinh thái trong lành, Thuỵ Sĩ còn được nhiều người lựa chọn bởi người dân đất nước này có đời sống khỏe mạnh. Thụy Sĩ là nước châu Âu có tỷ lệ béo phì thấp nhất, chỉ 17.5% dân số, trong khi đó tại Mỹ chiếm đến 33% dân số.
Cỗ máy sản sinh giải Nobel
Thụy Sĩ không chỉ được biết đến với hệ thống ngân hàng bảo mật tuyệt đối, nước này còn là một “tuyển thủ” toàn cầu trong lĩnh vực học thuật. Các trường đại học Thụy Sĩ đã sản sinh ra 113 người đoạt giải Nobel và đa số những người thắng giải đều là các nhà khoa học.
Albert Einstein đã phát triển công thức tương đương khối lượng – năng lượng nổi tiếng E=MC2 tại Thụy Sĩ. Ông đã phát triển thuyết tương đối trong khi theo học và sinh sống ở Bern, sau khi từ bỏ quốc tịch Đức.
Đường hầm dài nhất thế giới
Đường hầm Gotthard của Thụy Sĩ dài nhất thế giới với 57km chiều dài (dài hơn đường hầm Channel giữa Anh và Pháp tới 7km). Các nhà chức trách phải mất tới 17 năm để hoàn thiện đường hầm này.
“Ông lớn” trong ngành sản xuất chocolate
Bỉ là quốc gia sản xuất chocolate lớn nhất thế giới nhưng Thụy Sĩ cũng là một trong những ông lớn trong lĩnh vực này. Đặc biệt, thương hiệu Lindt, Frey, Callier đã xuất hiện trên kệ siêu thị của tất cả quốc gia và trở thành niềm tự hào của người Thụy Sĩ.
Nền giáo dục tốt nhất nhì thế giới
Giáo dục của Thuỵ Sĩ rất đa dạng, được mệnh danh tốt nhất thế giới. Hiến pháp Thụy Sĩ ủy thác cho các bang giữ thẩm quyền về hệ thống trường học. Đến cuối cấp tiểu học (hoặc đầu cấp trung học), học sinh được phân loại theo khả năng của mỗi em, theo các lĩnh vực cơ bản.
Những trẻ tiếp thu nhanh hơn, được dạy trong các lớp học tiên tiến, để chuẩn bị cho học tập sâu hơn và kỳ thi tú tài (chiếm khoảng 20-25%), còn những trẻ tiếp thu chậm hơn một chút được tiếp nhận giáo dục thích ứng hơn với nhu cầu của chúng để chuyển tiếp học nghề (con số này chiếm khoảng 75-80%).
Thuỵ Sĩ cũng đứng đầu thế giới về lĩnh vực đào tạo dịch vụ như quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng, quản lý spa và resort, quản lý sự kiện… bởi đây được coi là cái nôi của nền công nghiệp không khói.
Điều này dẫn đến kết quả tỷ lệ thất nghiệp tại Thuỵ Sĩ rất thấp, và thu nhập bình quân nằm trong nhóm các nước cao nhất thế giới.
Thuỵ Sĩ cũng là một trong số những nước thông minh nhất thế giới về toán và khoa học. Theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xếp hạng các hệ thống trường học dựa trên điểm kiểm tra toán và khoa học của học sinh, Thụy Sỹ xếp thứ 8.
Nhập tịch ở Thuỵ Sĩ rất khắt khe
Thụy Sĩ là một trong những quốc gia có điều kiện nhập quốc tịch khắt khe nhất thế giới. Nếu muốn đăng ký quốc tịch, bạn phải sống ở đây ít nhất 8 năm kèm theo vô số điều kiện khác như chứng minh khả năng hòa nhập với xã hội, cho thấy mình không phải là mối đe dọa an ninh với quốc gia.
Người giàu hay nghèo cũng kín đáo, không phô trương
Người Thụy Sĩ nổi tiếng với lối sống khoa học, quy củ, tỉ mỉ, chi tiêu rất đúng mực. Cuộc sống của người giàu hay người nghèo đều như nhau, họ sống khá kín đáo. Ngay cả quan chức Chính phủ cũng giản dị như dân thường bởi họ luôn quan niệm phải nỗ lực đem đến cuộc sống tốt cho người dân trước khi chăm lo cho bản thân.
Đời sống ở Thụy Sĩ rất cao, tuy mọi thứ rất đắt đỏ, nhưng người dân vẫn chi trả được và có một cuộc sống ung dung, tự tại. Họ hài lòng với cuộc sống của mình, cùng nhau có ý thức cao để xây dựng một môi trường đáng sống, trong đó chính quyền và xã hội đóng vai trò tổ chức quan trọng.