Hao nước làm mát: 'Căn bệnh' âm ỉ nhưng khiến xe nằm đường bất cứ lúc nào
Xa lộ - Ngày đăng : 14:56, 23/11/2022
Mới đây, anh Nguyễn Hoàng Dương ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã gặp phải một phen "khóc dở mếu dở" với chiếc Daewoo Lacetti SE nhập khẩu đời 2010 của mình vì hết nước làm mát.
Khi đang "bò" trong phố giờ tắc đường thì chiếc xe của anh Dương có hiện tượng máy yếu và rung giật, rồi chết máy. Sau khi cố khởi động lại, chiếc xe chỉ đi được một đoạn ngắn rồi lại tiếp tục lịm đi, anh đành phải bất lực đẩy gọn vào lề đường.
“Khi tôi mở khoang máy kiểm tra thấy có mùi khét, bình nước phụ khô khốc. Phải đợi xe nguội tự nhiên một lúc lâu, tôi châm thêm khoảng 3-4 lít nước lọc để làm mát nhưng cũng không đi được vì máy đã có hiện tượng bó lại rồi. Hết cách, tôi đành nhờ gara quen đưa xe cứu hộ cẩu đi”, anh Dương kể lại.
Sau khi được thợ máy của gara kiểm tra khá kỹ, anh Dương được thông báo chiếc xe bị quá nhiệt và thổi gioăng mặt máy. Tổng chi phí sửa chữa, khắc phục cho "xế cưng" vào khoảng gần 5 triệu đồng, chủ xe này đành "cắn răng" chi tiền vì cũng chẳng còn cách nào khác.
Trên thực tế, những trường hợp xe ô tô gặp trục trặc, thậm chí hỏng hóc nặng do bị cạn nước làm mát không phải hiếm gặp. Đặc biệt là ở những dòng xe cũ đã sử dụng trên 10 năm.
Trao đổi với VietNamNet, kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại ô tô Đại Linh (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, nước làm mát xe ô tô được lưu thông trong một hệ thống tuần hoàn kín, rất ít hao hụt. Nhưng nếu bị hao nhanh thì rất có thể chiếc xe đang gặp vấn đề.
Anh Đại kể, cách đây không lâu, một khách ở quận Cầu Giấy lái chiếc Kia Morning bị bó máy giữa đường, phải gọi cứu hộ đưa về gara của kỹ sư Đại. Thời điểm đó, xe gần như kiệt nước làm mát, trong khi nếu đủ thì phải cần đến hơn 4 lít. Chiếc Morning này bị hỏng động cơ, sau đó được "bổ máy" và khắc phục toàn bộ hệ thống làm mát, dây dẫn,... với tổng chi phí lên tới 12 triệu đồng.
"Đó chỉ là xe cỏ, còn đối với dòng xe sang, tuỳ vào mức độ nặng nhẹ nhưng chi phí để khắc phục thiệt hại do hết nước làm mát có thể lên tới trên 50 triệu. Do vậy, chủ xe không được chủ quan", kỹ sư Lê Hồng Đại chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, có rất nhiều nguyên nhân khiến nước làm mát bị hao hụt, phổ biến nhất là nước làm mát rò rỉ qua các đường ống dẫn bị nứt, chuột cắn hay tại vị trí các khúc nối cổ xiết không chặt. Cũng có thể đến từ việc nắp bình nước phụ bị hở khiến nước bay hơi.
Một nguyên nhân khác là do các nút bịt trên động cơ (lỗ đồng tiền) hoạt động lâu ngày và bị ăn mòn khiến nước làm mát hao hụt qua các vị trí này. Ngoài ra, két chứa nước làm việc trong thời gian dài khiến cho các thanh tản nhiệt bị hỏng, thủng cũng khiến hao nước.
Thông thường với các nguyên nhân trên, nước làm mát sẽ bị hết khá chậm. Nhưng nếu không được phát hiện kịp thời, nước có thể cạn nhanh khi xe chạy với tốc độ cao, áp lực nước lớn. Hậu quả dẫn đến bó máy, gãy piston, kẹt bó phanh, thổi gioăng mặt máy,… khiến xe "nằm đường". Nguy hiểm hơn, xe bị quá nhiệt có thể gây nguy cơ cháy nổ.
Các chuyên gia luôn khuyên rằng, người sử dụng xe nên thường xuyên kiểm tra mực nước làm mát, phát hiện và xử lý kịp thời khi hao hụt xảy ra để bảo vệ chiếc xe cũng như "túi tiền" của mình. Bên cạnh đó, việc mua nước làm mát đúng chủng loại, từ đơn vị uy tín cũng sẽ giúp tránh được loại nước giả hoặc kém chất lượng.
Hoàng Hiệp