Bi kịch các quốc gia có xung đột lại dễ bị tổn thương hơn vì biến đổi khí hậu
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 11:49, 23/11/2022
Hai quốc gia này và nhiều quốc gia khác ở Trung Đông và châu Phi đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và chiến tranh trong những năm trở lại đây. Hiện tại, biến đổi khí hậu là một thảm họa đối với những người đang phải vật lộn để sinh tồn.
Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc, bế mạc hồi cuối tuần trước tại Ai Cập, đã thống nhất thành lập một quỹ mới để giúp đỡ các quốc gia nghèo, dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Các quốc gia như Yemen và Somalia nằm trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới và dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu vì họ ít có khả năng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là họ có rất ít cơ hội nếu không muốn nói là hoàn toàn không có cơ hội để tiếp cận nguồn tài chính khí hậu.
Nisreen el-Saim, Chủ tịch Nhóm Cố vấn Thanh niên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết các nước đang có xung đột khó có thể nhận được tiền vì họ thiếu một chính phủ ổn định.
“Họ không có các tổ chức để có thể nhận về tài chính khí hậu. Bạn cần phải có những tổ chức mạnh mẽ để làm điều đó nhưng nó không tồn tại ở nhiều quốc gia”, bà Nisreen el-Saim nói.
Robert Mardini, Tổng Giám đốc của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tiết lộ: “Các quốc gia đang chìm trong xung đột thì khả năng tiếp cận nguồn tài chính khí hậu gần như bằng 0 bởi vì những người ra quyết định phân bổ các quỹ đó cho rằng đầu tư như vậy quá rủi ro”.
Ông Mardini cảnh báo rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy đến với người dân Yemen và Somalia trong bối cảnh tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng. Theo ông, những người ra quyết định phân bổ quỹ cần phải đánh giá lại về cái gọi là rủi ro bởi nếu không đầu tư đúng mức vào những quốc gia này thì tổn thất về người sẽ rất lớn.
Ở Yemen, 1/3 dân số (tương đương khoảng 19 triệu người) không có đủ lương thực trong năm 2022, tăng so với 15 triệu người của năm ngoái. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), trong số này bao gồm 161.000 người đang sống trong điều kiện giống như nạn đói.
Trẻ em và phụ nữ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 1,3 triệu phụ nữ mang thai và cho con bú, 2,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng. Trong số đó có 538.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng, theo số liệu của Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc.
Yemen
Yemen đang phải trải qua một cuộc nội chiến tàn khốc kể từ năm 2014, khi lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn chiếm thủ đô Sanaa, buộc chính phủ phải lưu vong. Một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tham chiến vào đầu năm 2015 để cố gắng khôi phục quyền lực của chính phủ được quốc tế công nhận.
Xung đột đã tàn phá đất nước này, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Hơn 150.000 người đã thiệt mạng, trong đó có hơn 14.500 dân thường.
Không chỉ có chiến tranh, Yemen cũng phải hứng chịu hạn hán, xói mòn đất và lũ lụt nghiêm trọng hàng năm. Theo cơ quan nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, lượng mưa năm nay ở Yemen cao hơn 45% so với năm 2021.
Ít nhất 72 người đã thiệt mạng vì lũ lụt trong năm 2022 và khoảng 74.000 gia đình ở 19 trong số 22 tỉnh của đất nước đã bị ảnh hưởng. Nhiều người phải sống tạm bợ trong các lều trại do ảnh hưởng của trận đại hồng thủy. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, có 4,3 triệu người dân Yemen phải di dời, hầu hết đã mất nhà cửa do cuộc xung đột đang hoành hành.
Để đáp ứng nhu cầu nhân đạo ngày càng tăng, Chương trình Lương thực Thế giới cho biết họ cần hơn 1 tỷ USD cho đến tháng 3/2023 để giải quyết phần nào tình trạng khó khăn hiện nay của người dân Yemen.
Somalia
Tình hình còn tồi tệ hơn ở Somalia. Liên Hợp Quốc đánh giá, đất nước này đang tiến dần tới nạn đói. Hạn hán kéo dài đã khiến hàng trăm nghìn người chết đói.
Mohamed Osman, cố vấn kinh tế của Tổng thống Somalia cho biết, Somalia đã trải qua 5 năm hạn hán liên tiếp, buộc ít nhất 700.000 người phải rời bỏ nhà cửa của họ.
Theo ông Osman, Somalia cần 55,5 tỷ USD đầu tư và hỗ trợ trong 10 năm tới để có thể phục hồi sau các cú sốc khí hậu. Tuy nhiên, cho đến nay nước này vẫn chưa nhận được gì.
Chỉ trong hai tháng qua, hơn 55.000 người Somalia đã chạy trốn hạn hán và xung đột sang nước láng giềng Kenya. Con số này dự kiến sẽ lên tới 120.000 người trong vài tháng tới, theo Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC).
Giám đốc IRC tại Kenya, Mohamed El Montassir Hussein, cho biết: “Hàng trăm nghìn người tị nạn Somalia sẽ phải vật lộn để tìm kiếm sự hỗ trợ bằng cách chạy đến Kenya trong năm nay trừ khi các bước khẩn cấp được thực hiện”.
Somalia rơi vào hỗn loạn sau khi chế độ độc tài của Siad Barre bị Quốc hội Somalia Thống nhất lật đổ năm 1991, sau khi chịu sức ép từ các phiến quân Somalia. Các chiến binh al-Shabab, những người có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda cũng đang hoạt động tại quốc gia chiếm một vị trí chiến lược quan trọng ở vùng Sừng châu Phi này.
Nigeria
Theo số liệu chính thức, khoảng 20 triệu người dân Nigeria đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng do mất mùa và sản lượng thấp hơn. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch tả và các bệnh lây truyền qua đường nước khác trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng viện trợ để giải quyết các vấn đề liên quan đến nơi ở, nước, vệ sinh, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe khẩn cấp.
Các khu vực ở Đông Bắc của Nigeria – nơi đang chứng kiến cuộc chiến chống lại lực lượng phiến quân Hồi giáo kéo dài nhiều năm qua là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Với hơn 440.000 ha đất bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt vừa qua, có thể hình dung rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của nó đối với an ninh lương thực”, Benson Agbro, người đứng đầu cơ quan ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Nigeria nói.
Theo ông Agbro, trước mắt, họ cần gấp hơn 13,5 triệu USD để giải quyết các vấn đề nhân đạo nghiêm trọng ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt. “Nhưng về lâu dài hơn, chúng tôi cần phải xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc vì chúng ta đều biết rằng các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi xung đột cũng là những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu”.
Tổng Giám đốc Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế Robert Mardini cho rằng, xung đột Nga - Ukraine cũng đã làm tăng gấp đôi thách thức và chi phí sinh hoạt cho người dân ở các nước có xung đột.
“Có những tác động trực tiếp từ cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine”, ông Mardini chỉ ra rằng giá thực phẩm, năng lượng, phân bón và chuỗi cung ứng đã tăng vọt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine tháng 2/2022.
“Chúng tôi vẫn làm những điều tương tự ở Somalia hay Mali nhưng giờ mọi thứ đều tốn kém hơn. Chúng tôi cần huy động thêm vốn từ các nhà tài trợ để thực hiện cùng loại dự án mà chúng tôi từng làm một năm trước đây”, ông Mardini nói.
Osman, quan chức Somalia, cho biết các quốc gia bị xung đột cũng cần có những nỗ lực lớn hơn để tiếp cận các nguồn vốn ngoài những gì đã được cộng đồng quốc tế cam kết. Ông Osman cũng kêu gọi cần có "những cách thức sáng tạo" để nhận được tiền, bao gồm các sáng kiến về xóa nợ và giúp xây dựng các tổ chức chính phủ.
“Chúng ta cần phải hành động để không một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau”, ông Osman nói./.