Hãy để con tự xử lý tình huống

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 11:38, 23/11/2022

Khi con bước vào độ tuổi đến trường, trẻ sẽ phải tự mình đương đầu với nhiều vấn đề ở môi trường mới. Nếu cha mẹ để trẻ ỷ lại, dựa dẫm nhiều, trẻ sẽ thiếu kỹ năng tự xử lý tình huống trong cuộc sống.

Hãy giúp trẻ đương đầu với những vấn đề trong cuộc sống một cách khôn ngoan và bản lĩnh, điều này giúp trẻ vững vàng hơn trong cuộc sống sau này.

“Mẹ ơi, giúp con…”

Đón con sau giờ tan học, chị Vân Hương vẫn nán lại cho con gái 5 tuổi chơi thêm ở trường. Đang chơi, con gái chạy lại chỗ chị khóc nức nở: “Mẹ ơi, giúp con, bạn kia chiếm chỗ, đẩy con ngã, không cho con chơi!”. Nhìn con nức nở, không kiềm được cảm xúc chị tức giận lôi bé lại chỗ bạn và mắng bé gái khác đang giành chỗ của con mình. Chị cũng không ngại lại chỗ phụ huynh bé gái kia góp ý thẳng thừng con họ. Con gái chị nhìn mẹ với ánh mắt tin tưởng lại tiếp tục chơi vui vẻ vì bé đã quen với việc “mẹ luôn mang đến an toàn cho mình”. Khi được hỏi, nếu không có chị ở bên thì bé sẽ giải quyết thế nào, bà mẹ trẻ hồn nhiên: “mình thấy thì mình phải giúp con chứ sao giờ!”.

93934_col.jpg
Không phải yêu thương là sẵn lòng bao bọc, giải quyết giúp con mọi tình huống.

Không bà mẹ nào lại nỡ từ chối yêu cầu giúp đỡ từ con mình, nhất là khi thấy con rơi vào tình huống khó khăn thế nhưng tình thương và sự bao bọc nếu không đặt đúng chỗ sẽ vô tình làm hại trẻ. Tâm lý của chị Hương cũng là tâm lý chung của các bà mẹ thương con, không muốn con thiệt thòi. Tuy vậy, cách giải quyết thay con sẽ khiến tâm lý bé luôn dựa vào mẹ, khi gặp tình huống sẽ chỉ biết tìm mẹ mà không tự mình giải quyết được vấn đề.

Khi trẻ ở nhà, cha mẹ và người thân giám sát và ở bên trẻ 24/24 nhưng khi trẻ bước vào độ tuổi đến lớp lại là giai đoạn khác. Rời môi trường an toàn quen thuộc, trẻ tiếp xúc cùng thầy cô bè bạn và vô số tình huống trong “xã hội thu nhỏ” – môi trường trường học. Cha mẹ không thể ở bên và giải quyết tình huống giúp trẻ, thâm chí đến cả giáo viên cũng không thể giám sát và xử lý hết 1001 tình huống rắc rối giữa các bé. Lên các cấp học cao hơn, trẻ gần như sẽ tự mình đương đầu với rất nhiều vấn đề ở trường lớp, các mối quan hệ và cả những tình huống bên ngoài cuộc sống. Cha mẹ thành công không phải là những bậc cha mẹ tự hào luôn kiểm soát được con trong mọi tình huống mà là những người trang bị cho con kỹ năng để trẻ vững vàng đương đầu và xử lý tốt những vấn đề mình gặp phải trong cuộc sống.

istockphoto-1251190654-612x612.jpg
Sự vấp ngã đôi khi giúp trẻ trưởng thành, mạnh mẽ hơn.

Đừng làm người dọn đường

Không cha mẹ nào muốn con gặp trở ngại trong cuộc sống nên rất nhiều người đang nỗ lực làm những công việc “dọn đường cho con”. Khi con còn nhỏ thì bảo bọc, theo sát, lúc con lớn hơn cha mẹ cũng không tiếc để tạo những tiền đề tốt nhất cho con. Đây hoàn toàn là những việc làm xuất phát từ tình yêu thương của cha mẹ. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, việc luôn cố gắng dọn đường cho con điều này hoàn toàn chưa đúng. Những rắc rối, trở ngại sẽ dạy trẻ được nhiều điều, giúp trẻ học nhiều bài học trong cuộc sống. Nếu cha mẹ là người dọn đường, liệu trẻ có học được tính tự lập?

Một cậu bé 10 tuổi luôn phải có cha là người bảo bọc lúc nhỏ. Khi đi học mẫu giáo, những buổi ngoại khóa bên ngoài không thiếu bóng dáng cha đi cùng mặc dù các bạn khác đi một mình. Khi cô giáo yêu cầu cha tách riêng, không đi cùng, cậu bé khóc và chỉ chịu đi khi các cô đồng ý cho cha đi theo. Việc gắn bó với cha khiến người cha càng hạnh phúc và thương con hơn nữa, đi đâu anh cũng muốn đồng hành bên con. Khi con vào cấp 1, anh luôn kèm học mỗi tối, những bài con không làm được đôi khi anh làm thay con. Lên lớp 5, cậu bé vẫn trong tâm thế ỷ lại cha mình. Khi đến tiết Tập Làm Văn, cô giáo yêu cầu về làm bài nộp cô. Vẫn như thường lệ, cậu dặn cha giúp mình hoàn thành bài. Ông bố vì quá bận việc, tối đó không nhớ để làm kịp bài cho con. Hôm sau, đón con đi học về anh gặp thái độ vùng vằng, khó chịu của con. Cậu bé tức giận “mắng” cha: “Ba không giúp con để nay con không có bài nộp bị cô la”. Suốt buổi tối cậu tức giận trút lên cha và bỏ ăn để cha phải xin lỗi, dỗ dành. Vì thương con, hẳn người cha đến lúc này vẫn chưa nhận ra mình đã biến con thành đứa trẻ chỉ biết đợi chờ người khác. Anh đã hoàn toàn thất bại trong việc dạy con.

istockphoto-970440660-612x612.jpg
Hãy đồng hành bên con, hướng dẫn con xử lý tình huống thay vì giải quyết giúp con mọi thứ.

Tiến sĩ Wagner, Đại học Whittier, California, Mỹ cho biết: “Khi trẻ học được cách không cần bạn hỗ trợ, đó là lúc trẻ đã đương đầu được những khó khăn trong cuộc sống, bản lĩnh hơn. Chúng biết cách kiểm soát tình hình và đi trên đôi chân mình, không phải lúc nào cũng dựa vào cha mẹ. Điều này giúp trẻ tự chăm sóc bản thân mình tốt sau này mà không cần lệ thuộc người khác”.

“Hãy yêu con đúng cách” – đó là điều những cha mẹ thông thái đang trên đường thực hiện. Không cha mẹ nào thấy vui khi con thất bại. Những bước ngã đầu đời giai đoạn tập đi, nếu trẻ không trải nghiệm sẽ không có những bước đi vững chãi sau đó. Trong cuộc sống sau này cũng vậy, không ai muốn nhìn con thất bại nhưng đôi khi thất bại lại là trải nghiệm giúp trẻ vững vàng hơn. Hãy hướng dẫn con, động viên con thay vì “dọn đường” và bao bọc con. Những tình huống trong cuộc sống, cha mẹ nên là người quan sát, hướng dẫn con cách xử lý thay vì xử lý thay trẻ. Tương lai con phụ thuộc vào cách dạy dỗ, trang bị kỹ năng từ chính cha mẹ ngày hôm nay.

Lam Chi