Nhân viên công nghệ ngoại quốc tại Mỹ rơi vào cảnh bấp bênh
Cuộc sống số - Ngày đăng : 13:50, 22/11/2022
Khi một nhà khoa học dữ liệu bắt đầu làm việc cho Meta, ông cảm thấy như đã thành công. Dưới “sự che chở” của ông lớn công nghệ hàng đầu tại Mỹ, không chỉ ông được bảo đảm về việc làm mà còn cả visa. Xuất thân từ Trung Quốc, ông cần visa H-1B để ở lại Mỹ.
Sau một năm, mọi thứ dường như diễn ra trôi chảy. Song, tuần trước, tất cả sụp đổ khi ông nhận được email nằm trong số 11.000 nhân viên Meta bị sa thải. Một “gã khổng lồ” khác cũng đuổi việc hàng loạt là Twitter. Nhiều nhân viên mất việc chỉ có 60 ngày kể từ ngày bị cho nghỉ việc để tìm một ông chủ mới, nếu không muốn bị trục xuất và bắt đầu quy trình xin visa mới, theo chính sách nhập cư Mỹ.
Theo các chuyên gia, các đợt sa thải gần đây có thể khiến những nhân tài ngoại quốc không muốn đến Mỹ làm việc nữa. “Sa thải gia tăng áp lực lên những người nắm giữ visa vì chỉ có thời gian giới hạn để tìm công việc mới”, cựu nhân viên Meta chia sẻ với NBC News.
Làn sóng cắt giảm nhân sự quy mô lớn đẩy các nhân viên công nghệ quay lại thị trường việc làm chỉ trong một tuần. Nhiều người trong số họ là người nhập cư, dựa vào công ty để tài trợ cho visa của mình. Trong cuộc cạnh tranh với những người bản địa, deadline giống như một chiếc thòng lọng quanh cổ họ.
Trong thông báo gửi nhân viên về đợt sa thải, CEO Meta Mark Zuckerberg thừa nhận những nhân viên ngoại quốc sẽ có thời gian khó khăn. Vì vậy, Meta cho họ thêm thời gian trước khi hủy bỏ hợp đồng để sắp xếp công việc. Công ty cũng hỗ trợ đặc biệt nếu cần.
Song, theo cựu nhà khoa học dữ liệu Meta, hướng dẫn ấy là chưa đủ. Ông cảm thấy bối rối về hai thời điểm mà Meta nhắc đến. Ông cũng cho biết ngày càng khó xin việc hay tìm được một công ty sẵn lòng tài trợ visa.
Gaurav Khanna, Trợ lý Giáo sư Kinh tế tại Đại học California, nhận xét, sự bất ổn đã xảy ra được một thời gian và có nguy cơ gây tổn hại tới ngành công nghệ, nơi có sự đóng góp không nhỏ của của người nhập cư. Từ buổi đầu của cuộc bùng nổ công nghệ thập niên 1990 đến 2007, tỉ lệ người nhập cư trong ngành tăng từ 9% lên 25%.
Theo dữ liệu từ Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ, công dân Ấn Độ chiếm 74,5% tổng số người nộp đơn xin visa H-1B. Tiếp đó là công đân Trung Quốc, chiếm 11,8%. Những người này thực sự giúp thúc đẩy sự bùng nổ công nghệ tại Mỹ, biến Mỹ thành trung tâm công nghệ lớn. Nó tạo ra những ảnh hưởng lớn cho cả ngành công nghệ nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Như mọi ngành khác, ngành công nghệ cũng có những thăng trầm. Sau khi bùng nổ vào thập niên 90, vụ nổ dot-com xảy ra vào đầu những năm 2000. Theo Khanna, ngành công nghệ đang bước vào thời kỳ tương tự với các đợt sa thải lớn.
Cựu nhân viên Meta, người từng làm nhà phân tích dữ liệu cấp cao tại ngân hàng, tin rằng những nhân viên đang cân nhắc “nhảy việc” từ các ngành khác sẽ không muốn chuyển sang ngành công nghệ vì sự bất ổn định. Ông nói nếu biết sẽ bị đuổi việc chỉ sau 1 năm, ông sẽ ở lại công ty cũ. “Nếu tôi biết điều này sẽ xảy ra… dù sao cũng không có cỗ máy thời gian”, ông chia sẻ.
Các nước khác, chẳng hạn Canada, đang tận dụng tình hình để lôi kéo nhân tài sang nước mình. Dù các chuyên gia không thể chắc chắn người nhập cư sẽ ồ ạt chuyển sang các nước khác hay không, tổn thất lượng lớn nhân tài nước ngoài sẽ hủy hoại không chỉ Silicon Valley mà còn mọi ngành công nghiệp dựa vào đổi mới.
(Theo NBCnews)