Bài 2: Lấp sông Đồng Nai chưa hề hỏi ý kiến dân!

Nhịp sống - Ngày đăng : 07:55, 22/11/2022

Dự án ''cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai'' tại TP Biên Hòa tác động tới đời sống người dân, nhưng nhiều người không được hỏi ý kiến.

Dẫm nát mình rồng

Chiều 25/3, chúng tôi có mặt tại Phụng Sơn Tự trên đường Cách Mạng tháng 8 (P. Quyết Thắng, TP Biên Hòa, Đồng Nai). Ngồi dưới gốc đa cổ thụ đã có hàng trăm tuổi, những người dân Biên Hòa nhìn ra đại công trường nơi đang thi công dự án ''cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai'' với nét mặt ưu tư…  

Hiện trạng dự án lấn sông Đồng Nai ngày 25/3

''Suốt một đoạn bờ sông dài, từ Sở Giáo dục - Đào tạo đến đình Phước Lư dài hơn 1km đã được nới rộng. Chỗ hẹp nhất là 30m và rộng nhất là 100m, nơi đây sẽ trở thành một quần thể mới. Ngôi chùa này đã có hàng trăm năm xoay mặt ra bờ sông trong phút chốc sẽ bị che khuất bởi những tòa nhà cao tầng và như thế cảnh quan ngôi chùa bị phá hỏng mất thôi…''- một cụ già tóc đã bạc da đã mồi ngồi nhìn ra bờ sông với đôi mắt buồn bã nói với chúng tôi như thế.

Cụ cho biết thêm, bà con sống ở khu vực này ai nấy đều buồn. Họ rất quan tâm đến những diễn biến tại đây.

“Anh có thể tưởng tờ báo Đồng Nai có bao giờ bán chạy đến nỗi người bán hết báo vẫn có người đến mua không ? Vậy mà mấy ngày gần đây báo khan hiếm lắm.Bà con rất nôn nóng muốn biết quyết định của UBND tỉnh sau những phản ứng quyết liệt của các ngành hữu quan về dự án này”

Chủ đầu tư huy động thiết bị, máy móc thi công liên tục, ước diện tích lấp sông đã hoàn tất 90% so với kế hoạch.

Tuyến kè "được" đẩy ra xa bờ. Ảnh PLO

Quả thật vậy, suốt một buổi chiều đi dọc theo công trường chúng tôi đã ghi nhận được khá nhiều phản ứng của người dân. Ông Phạm Hoài Nhân (58 tuổi) vốn là người Biên Hòa lâu năm bày tỏ: sông Đồng Nai có tên cũ là Phước Long Giang.

Kết cấu theo phong thủy Biên Hòa có đủ long, lân, qui, phụng. Nói về long (rồng) thì núi Bữu Long là đầu rồng và núi Châu Thới là đuôi rồng. Cả đoạn sông Đồng Nai hiện nay nằm trong dự án là mình rồng. 

Giá trị của sông Đồng Nai về tâm linh đã ăn sâu vào tiềm thức, ký ức của người dân Biên Hòa. Nay thì mình rồng bị...''xâm hại'' khác nào xâm phạm vào sự thiêng liêng đã khiến cho nhiều người vừa lo sợ vừa phẫn nộ.

Trong suốt thời gian gặp gỡ người dân, chúng tôi chưa nghe được một lời đồng tình nào của bà con về dự án này. Ông Ngô Phước Sáng, chủ quán cà phê Cây Bàng cho biết, mình chỉ là người dân bình thường nên không thể nói lý lẽ khoa học về dòng chảy về bồi đắp và sự…nổi giận của thủy thần (nếu có).

“Chúng tôi chỉ muốn hỏi những người có trách nhiệm ở thành phố này là Biên Hòa không thiếu đất cớ sao lại lấn sông để làm dự án. Muốn Biên Hòa đẹp, muốn Biên Hòa hiện đại, kiêu sa hơn các thành phố khác đâu chỉ có duy nhất giải pháp lấn sông ?” – vẫn lời ông Sáng.

Trong lúc trò chuyện với bà con, trên công trường tiếng cơ giới hoạt động ầm ĩ. Bờ sông đã được nới rộng. Nơi đây sẽ là một quần thể bao gồm cao ốc văn phòng, nhà biệt thự, chung cư, khách sạn 4 đến 5 sao và công viên bất chấp những bức xúc từ người dân, phản biện từ các nhà khoa học và các cơ quan ban ngành liên quan.

Không người dân nào được hỏi (?)

Từ cầu Hóa An đổ về hạ lưu, sông Đồng Nai ôm gọn Cù lao Phố, một mảnh đất gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử Biên Hòa.Nơi đây có nhiều di tích lịch sử như đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông…Một khi sông bị lấn, dòng chảy sẽ mạnh thêm và có thể sẽ cuốn phăng đi tất cả.

Ông B. một nhà giáo ngụ tại khu vực này cho biết, trước một dự án có tầm cỡ làm thay đổi cuộc sống hàng trăm, hàng ngàn người dân trong khu vực, những người có trách nhiệm chưa hề tham khảo ý kiến người dân.

Ông cho biết thêm: ''Mới đây trên báo Đồng Nai, ông Huỳnh Văn Tới – Trưởng Ban tuyên giáo, người phát ngôn của tỉnh cho rằng: “Trong hồ sơ cấp phép thực hiện dự án có biên bản họp dân, trong đó thể hiện ý kiến đồng thuận của người dân cũng như chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, người dân tham dự lấy ý kiến là đại diện tổ dân phố, chưa đông đủ các hộ liên quan”. Không đúng vậy đâu. Chúng tôi chưa hề được ai hỏi ý kiến về vấn đề này cả...

Toàn cảnh hiện trạng khu dự án lấn sông Đồng Nai Ảnh PLO

Bản vẽ phối cảnh nhìn từ trên cao xuống cho thấy sự hoành tráng khi dự án được hoàn thành.Ảnh: PLO

Ông Võ Anh Dũng, tổ trưởng tổ dân phố 12 - tổ nằm sát và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án của công ty Toàn Thịnh Phát cho biết: "tôi rất bất ngờ trước thông tin ông Tới đưa ra, bởi cho đến lúc này ông chưa nhận được chỉ thị nào về việc xin ý kiến người dân đối với dự án trên, và ông cũng chưa từng nói “người dân đồng thuận” ở bất kỳ đâu''.

Người dân Biên Hòa không được tham khảo ý kiến trước khi triển khai dự án lấp sông (?)

Cũng như ông B, những người dân sống trong khu vực có dự án ngang qua mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều bày tỏ: chúng tôi chưa hề được hỏi ý kiến về dự án. Đa số bà con cho biết, họ chỉ được hỏi ý kiến khi cách đây 10 năm. Khi ấy họ họp dân, phát giấy thu hồi đất để làm dự án công viên, bờ kè. Riêng về dự án xây khu đô thị, phân lô bán nền của công ty Toàn Thịnh Phát họ không hề biết.

Một phụ nữ cho biết thêm: “Hiện nay số phận những hộ dân sống tại đây vẫn chưa biết ra sao. Có được tiếp tục ở hay phải giải tỏa. Chúng tôi hoàn toàn mù tịt về thông tin”.

Xem thêm: Bài 1: Bất chấp phản ứng từ nhiều phía, chính quyền vẫn cho lấp sông

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 27/03/2015
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/lap-song-dong-nai-chua-he-hoi-y-kien-dan-227848.html

Trần Chánh Nghĩa