Mắc sốt xuất huyết tiểu cầu tụt bằng 0 có nguy hiểm?

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 14:30, 21/11/2022

Có trường hợp tiểu cầu thấp dưới mức nghiêm trọng nhưng không nguy hiểm nếu không có các dấu hiệu nguy cơ đi kèm như: xuất huyết tiêu hoá, chảy máu, nôn ói, vật vã, mệt lả... tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan.

Chỉ trong vòng 1 tuần (từ ngày 11 đến 18/11), trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 1.378 ca mắc mắc sốt xuất huyết (tăng 2,6% so với tuần trước).

Đáng lưu ý, theo CDC Hà Nội, trong tuần đã ghi nhận 2 ca tử vong tại huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông.

CDC Hà Nội dự báo số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Đáng lưu ý, thông tin từ Bệnh viện Đống Đa cho biết đã có trường hợp bệnh nhân nhập viện tiểu cầu bằng 0. Điều này khiến nhiều người băn khoăn, liệu với những tình huống này có nguy hiểm?

Tiểu cầu tụt là một trong những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Theo đó, ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu từ 150 - 450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10 – 20 G/L.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Trao đổi với phóng viên, TS. BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, thông thường bệnh nhân nhập viện nếu tiểu cầu ở mức nguy hiểm (giảm dưới 50G/L- PV) sẽ được chỉ định truyền tiểu cầu.

Theo BS Thường, có trường hợp tiểu cầu thấp (thậm chí bằng 0- PV) - dưới mức nghiêm trọng nhưng không nguy hiểm đến tính mạng nếu không có các dấu hiệu nguy cơ đi kèm như: xuất huyết tiêu hoá, chảy máu, nôn ói, vật vã, mệt lả…).

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia khác cũng nhấn mạnh, khi bệnh nhân bị sốt xuất huyết có các triệu chứng xuất huyết và xét nghiệm số lượng tiểu cầu dưới 50g/L cần phải truyền tiểu cầu.

Nếu bệnh nhân không có triệu chứng xuất huyết trên lâm sàng, khi xét nghiệm lượng tiểu cầu dưới 50g/L thì mới cần tiến hành truyền tiểu cầu.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Thường cũng cho rằng, không nên vì thế mà chủ quan. Đặc biệt với những người tiểu cầu tụt đi kèm các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ như chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết tiêu hoá, nôn, mệt mỏi… thì cần truyền tiểu cầu sớm.

Theo các bác sĩ, bệnh sốt xuất huyết giảm tiểu cầu thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn chính, bao gồm:

Giai đoạn sốt: Giai đoạn này bệnh nhân thường có các biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục, đau nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Xung huyết ở da, đau khớp xương và cơ, nhức 2 hốc mắt, xuất huyết dưới da, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng.

Giai đoạn nguy hiểm: Giai đoạn này thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Bệnh nhân có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm. Một số biểu hiện dễ gặp ở giai đoạn này đó là thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, phù nề mi mắt, tràn dịch màng phổi, gan to, có thể đau, da lạnh ẩm, li bì, tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít...

Vào ngày thứ 4 của bệnh, làm xét nghiệm thường thấy số lượng tiểu cầu giảm đáng kể. Người lớn thường không bị sốc do sốt xuất huyết, mức độ giảm tiểu cầu trong sốt xuất huyết ở người trưởng thành thường từ nhẹ đến vừa, xảy ra từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh, sau đó tiểu cầu trở lại mức bình thường vào ngày thứ 8 hoặc 9.

Giai đoạn hồi phục: Giai đoạn này kéo dài khoảng 48-72 giờ. Bệnh nhân hết sốt, thể trạng tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định và đi tiểu nhiều.

Để tiểu cầu tăng nhanh trong chế độ dinh dưỡng, theo BS Nguyễn Thị Ly, Bệnh viện Medlatec, người mắc sốt xuất huyết cần bổ sung vitamin C là chất oxy hóa tự nhiên giúp tăng cường sức khỏe và sức đề kháng, vì thế được khuyến cáo trong nhiều chế độ dinh dưỡng.

Những đối tượng thiếu hụt tiểu cầu được khuyến cáo nên bổ sung hàng ngày từ 400 - 2000 mg Vitamin C từ những thực phẩm như: cam, bưởi, ổi, ớt chuông, quả kiwi, súp lơ xanh, rau bina,…

Tiếp đến là những thực phẩm giàu sắt. Sắt là khoáng chất quan trọng tổng hợp nên tế bào hồng cầu và tiểu cầu khỏe mạnh. Vì thế người bệnh thiếu máu nói chung và giảm tiểu cầu trong máu nói riêng nên tăng cường bổ sung sắt.

Những thực phẩm giàu sắt nên có trong chế độ ăn của người tiểu cầu thấp như: gan bò, hàu, đậu lăng, đậu hũ, sô cô la đen, đậu trắng, đậu thận,… Một lưu ý nhỏ để cơ thể hấp thu sắt tốt hơn là ăn cùng thực phẩm giàu vitamin C, tránh ăn cùng thực phẩm giàu canxi.

Ngoài ra, nhóm thực phẩm giàu Folate (vitamin nhóm B12) gồm: Gan bò, các loại rau màu xanh đậm như rau chân vịt, rau cải,…ngũ cốc, đậu trắng… là những thực phẩm cũng giúp tiểu cầu tăng nhanh.

N. Huyền