Mẹ làm bác sĩ con vẫn ốm liên miên, nguyên nhân thật bất ngờ

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 12:48, 21/11/2022

Trẻ hay ốm ngoài nguyên nhân sức đề kháng kém thì môi trường sống của trẻ rất quan trọng, đặc biệt là môi trường trong nhà.

Đưa con tới khám bác sĩ, chị Dương Thị D. (Hoàng Mai, Hà Nội) muốn khóc vì con hay ốm. Theo chị D. con chị bình thường khoẻ mạnh nhưng mỗi lần đưa về bà ngoại chơi là con lại ốm. Về nhà, chị luôn bị chì chiết. Vì xót cháu ốm, gia đình nhà nội không muốn chị cho con về nhà ngoại nữa.

Cùng cảnh ngộ, một bà mẹ trẻ cho biết chị là bác sĩ nhưng nuôi con hay ốm, còi cọc (dù trước đó con chị sinh ra nặng 3,4 kg, ăn uống tốt) và luôn bị mang ra so sánh với hàng xóm chỉ làm người bán rau ngoài chợ nhưng con khoẻ mạnh, hay ăn chóng lớn.

Khi bác sĩ khám và tìm hiểu ra nguyên nhân thì trong nhà có cả bố chồng và chồng hút thuốc lá. Mọi người đều hút thuốc khi không có mặt đứa cháu nhưng thực tế khói thuốc lá ám trong không khí gia đình, rèm cửa, quần áo.... Vì không khí trong nhà không tốt nên đứa trẻ cũng hay ốm.

Trẻ ốm điều trị tại BV Thanh Nhàn.

PGS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết trẻ hay ốm chỉ có 2 yếu tố:

Thứ nhất, bản thân trẻ yếu sẽ dễ ốm.

Thứ hai, là môi trường sống của trẻ cần an toàn, sạch sẽ.

Theo PGS Dũng, hiện nay người ta chỉ nói môi trường trong không khí bên ngoài mà ít người để ý đến môi trường trong nhà. Môi trường trong nhà chính là nguyên nhân khiến trẻ ốm.

Vì vậy, có những đứa trẻ ở nhà này thì khoẻ nhưng về nhà khác lại ốm. Nhiều gia đình “đại chiến”chỉ vì cháu ở nhà nội khoẻ, về nhà ngoại là ốm nhưng thực chất không phải do bà ngoại chăm không tốt mà do không khí trong các ngôi nhà có tốt hay không.

Đặc biệt, trong nhà có người hút thuốc thì càng nguy hiểm. Có nhiều người bố hút thuốc nhưng không biết được đây là tác nhân khiến con ốm.

PGS Dũng cho biết ngay kể cả trong gia đình thắp hương cũng ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ. Môi trường trong nhà có đủ các tác nhân có thể gây ốm cho trẻ.

Chúng ta thường dành 90% thời gian để sinh hoạt trong nhà nên khả năng tiếp xúc với các chất gây hại rất cao. Trong khi đó, các biện pháp hiện tại mới chỉ tập trung vào việc thu bụi nhìn thấy hoặc bụi mịn bằng các thiết bị hút và lọc bụi.

Vì vậy, bác sĩ Dũng cho rằng, cha mẹ cần cực kỳ quan tâm tới vấn đề này, luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.

PGS An tư vấn cho mẹ bệnh nhi về nguy cơ ô nhiễm trong chính ngôi nhà mình ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ.

PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cũng cho biết trong chính căn nhà của mình luôn có nhiều 'thủ phạm' gây bệnh cho trẻ. Ô nhiễm không khí trong nhà thường do bên ngoài xâm nhập vào hoặc được thải ra trong quá trình sinh hoạt hàng ngày.

Mọi người hầu như rất khó cảm nhận được các khí độc hại này mà không hề biết rằng khi tiếp xúc với chúng, con người có thể bị kích ứng, tích tụ trong thời gian lâu dài sẽ gây ra các căn bệnh nghiêm trọng.

Ví dụ như mạt bụi ở thảm trải sàn, chăn gas, gối đệm lười giặt cũng là ổ chứa các loại mạt bụi có thể ảnh hưởng tới đường hô hấp của trẻ.

Nhiều trường hợp liên tục khó thở, dị ứng khi đến khám thì chính là nấm mốc trong nhà do gia đình ở nhà chật, trong ngõ ngách, ánh nắng không có, tường ẩm nấm mốc bao quanh.

Đặc biệt, formaldehyde là một chất có khả năng gây ung thư cao khác chứa trong đồ gia dụng chạy bằng gas, bông cách nhiệt, vải, thảm, mỹ phẩm...

Bác sĩ An cho rằng các gia đình nên coi trong nhà là vùng cấm không khói thuốc. Vì đây là tác nhân khiến chính ngôi nhà bạn bị ô nhiễm mà không hay biết.

BS An khuyến cáo các gia đình cần quan tâm chất lượng không khí trong chính ngôi nhà mình bằng các biện pháp phù hợp, giúp đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.

Khánh Chi