Các nhà khoa học cứu loài cua cực ngon ở Lý Sơn
Ẩm thực - Ngày đăng : 08:20, 21/11/2022
Cua dẹp là loài có giá trị kinh tế cao. Ảnh: T.H
Cua dẹp, còn gọi là cua đá, chủ yếu sinh sống tại vùng biển Lý Sơn. Trước nguy cơ bị tuyệt chủng, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Lý Sơn đã chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững cua dẹp tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”.
Lý Sơn có khoảng 100 người trực tiếp tham gia hoạt động khai thác. Mùa khai thác từ tháng 7 cho đến tháng 2 năm sau. Sản lượng khai thác hàng năm bị suy giảm từ 30 - 40%, có nơi suy giảm đến 70% so với trước đây. Mật độ thích hợp để nuôi cua dẹp là từ 5 - 7 con/m2. Cua ăn tạp, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, tỷ lệ sống cao.
Nhóm nghiên cứu đã điều tra, đánh giá đặc điểm sinh học, sinh sản, hiện trạng nguồn lợi, tình hình khai thác và tái tạo nguồn lợi cua dẹp tại huyện Lý Sơn. Theo đó, cua dẹp phân bố ở đảo Lớn với 2,4ha và đảo Bé với 11,2ha. Trọng lượng dao động trung bình tại thời điểm khảo sát là gần 75g/con.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp quy hoạch bảo vệ cua dẹp ngoài tự nhiên; xây dựng mô hình nuôi và hướng dẫn kỹ thuật nuôi; đề xuất các nội dung bảo vệ, khai thác, phát triển bền vững nguồn lợi cua dẹp tại huyện Lý Sơn.