Hà Nội ghi nhận trường hợp sốt xuất huyết tiểu cầu xuống đến 0, dưới cả mức nghiêm trọng

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 17:32, 20/11/2022

Đây là thông tin được BSCKII. Nguyễn Thái Minh – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa chia sẻ với phóng viên vào chiều 20/11.

BS Minh cho biết, trong tuần qua số lượng bệnh nhân đến khám do sốt xuất huyết vắng hơn nhưng số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị vẫn “đều đều” như những tuần trước.

“Một tháng nay, số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết đã quá tải. Nhiều bệnh nhân đến trong tình trạng nặng, còn có ca tiểu cầu bằng 0”, BSCK II Nguyễn Thái Minh thông tin.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, để biết được chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết có giảm tiểu cầu hay không thì cần làm xét nghiệm công thức máu.

Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu từ 150 - 450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10 – 20 G/L.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại BV Đống Đa

"Với bệnh nhân sốt xuất huyết, theo khuyến cáo tiểu cầu dưới 50 G/L nếu đang điều trị tại nhà thì nên vào viện ngay. Hoặc trường hợp bệnh nhân có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan… cũng cần đi khám ngay", PGS. Cường tư vấn.

Theo PGS. Cường, hiện nay đã có hướng dẫn của Bộ Y tế về truyền khối tiểu cầu trong trường hợp bệnh nhân hạ tiểu cầu xuống dưới 20 G/L hoặc dưới 10 G/L kèm theo xuất huyết.

PGS. TS Cường cũng lưu ý, việc truyền tiểu cầu phải căn cứ theo chỉ định của bác sĩ chứ không phải theo mong muốn của cá nhân người bệnh - thấy tiểu cầu hạ là lo lắng muốn truyền ngay.

Để tránh trường hợp biến chứng nặng do sốt xuất huyết, BSCK II Nguyễn Thái Minh, Bệnh viện Đống Đa khuyến cáo bệnh nhân không nên điều trị tại nhà nhất là giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 4 trở đi.

Đặc biệt, người mắc sốt xuất huyết không tự ý dùng thuốc ở nhà. Nếu có sốt cao bên cạnh việc uống hạ sốt còn cần phải tích cực bù orezol, chườm mát.

“Với 3 ngày đầu tiên của bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường chưa có biểu hiện nặng nhưng bắt đầu từ ngày thứ 4 trở đi thì nên đến bệnh viện khám.

Hoặc người mắc sốt xuất huyết khi thấy một số dấu hiệu cảnh báo như mệt, nôn nhiều đau tức bụng, đi ngoài nhiều thì nên đến viện càng sớm càng tốt. Đặc biệt với những người có bệnh lý nền, trẻ béo phì mắc sốt xuất huyết cần phải lưu ý”, BSCKII. Thái Minh cho hay.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11 đến 18/11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.378 ca mắc mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng 2,6% so với tuần trước).

Đáng lưu ý, trong tuần này cũng đã ghi nhận 2 ca tử vong tại huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao, như: Hà Đông (128 ca), Thường Tín (123 ca), Thanh Oai (103 ca), Phú Xuyên (98 ca), Hoàng Mai (90 ca).

Như vậy cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 550/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.

Ngoài ra, trong tuần cũng ghi nhận thêm 31 ổ dịch mới tại 14 quận, huyện. Đơn vị ghi nhận nhiều ổ dịch nhất trong tuần là quận Hai Bà Trưng với 7 ổ dịch, tiếp đến là quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì mỗi nơi có 4 ổ dịch; các quận, huyện: Thanh Oai, Đống Đa, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, và Hoài Đức mỗi nơi có 2 ổ dịch; còn lại 6 quận, huyện: Đan Phượng, Thanh Xuân, Đông Anh, Mê Linh, Long Biên, Quốc Oai mỗi địa bàn có 1 ổ dịch.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.043 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện còn 127 ổ dịch đang hoạt động tại 21 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân, như: Thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (257 bệnh nhân); thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (58 bệnh nhân); tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (57 bệnh nhân); thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (28 bệnh nhân).

Theo dự báo của CDC Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Ổ loăng quăng, muỗi vằn một số nơi vẫn cao vượt ngưỡng
CDD Hà Nội cảnh báo trong khi số ca mắc mới sốt xuất huyết đang gia tăng thì kết quả giám sát tại nhiều ổ dịch cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) tại một số nơi vẫn cao vượt ngưỡng.
Cụ thể, giám sát điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết tại ổ dịch tổ dân phố Tràng An, xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ có BI=65; thôn Mộc Đình, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (BI=40); thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (BI=40).
Theo các chuyên gia dịch tễ, nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 30 trở lên, có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát. Riêng tại khu vực miền Bắc, chỉ số BI này quy định là từ 20 trở lên.

N. Huyền