Gỏi cá trứ danh của làng chài 700 năm tuổi
Ẩm thực - Ngày đăng : 13:03, 20/11/2022
Làng Nam Ô nổi tiếng với nghề làm nước mắm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019; có cụm di tích lịch sử Nam Ô mang nhiều dấu ấn và giá trị văn hóa, lịch sử rõ nét thể hiện sự tiếp biến giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt với những tập tục sinh hoạt, các lớp trầm tích văn hóa đan xen.
Một góc biển Nam Ô – quê hương của gỏi cá.
Giữa những giá trị mang đậm dấu ấn lịch sử thì món gỏi cá gắn liền với tên làng Nam Ô trở thành đặc sản quen thuộc qua nhiều thế hệ, được nhiều người dân và du khách ưa thích.
Từ Nam Ô, gỏi cá đã đi xa hơn, mang theo phong vị làng biển dưới chân đèo Hải Vân đến khắp mọi miền. Nhiều quán ăn, nhà hàng ở Đà Nẵng, Quảng Nam đã đưa đặc sản này vào thực đơn để hút khách, thế nhưng nhiều du khách vẫn nhất định phải tìm về Nam Ô để ăn gỏi cá “đúng bài, chuẩn vị”.
Mỗi khi ghé thăm Đà Nẵng thì dường như mỗi vị thực khách cũng ohair dành thời gian về Nam Ô trải nghiệm “food tour” làng biển. Chị Huỳnh Duyên, đến từ Hà Nội chia sẻ rằng: “Gỏi cá Nam Ô ngon, ngon không kém những món sashimi của Nhật Bản, và ngon nhất có lẽ là khi được ăn trên chính đất Nam Ô, ngay bên dòng sông Cu Đê này”.
Gỏi cá thường được chế biến từ cá trích mai.
Để chế biến ra món gỏi cá ngon “đúng bài, chuẩn vị” của vùng đất này, người đầu bếp phải chọn lựa kỹ càng những mẻ cá sống tươi rói nhất vừa được đánh bắt lên từ biển lúc sáng sớm, sau đó chế biến ngay.
Đó là một điều kiện tiên quyết để bảo đảm độ tươi và ngon cho đặc sản trứ danh này. Cá tươi dùng làm gỏi có thể là cá tớp, cá mòi, cá cơm… và đặc biệt là cá trích mai. Đó là loại cá hay sống gần bờ với số lượng lớn, thịt cá chắc, ngọt.
Cá sau khi sơ chế được phủ thính để làm gỏi cá khô…
Những con cá trích được chọn làm gỏi thường to hơn ngón tay người lớn, được làm sạch, bỏ đầu và đuôi, sau đó rửa qua nước pha muối và giấm nhằm khử mùi tanh rồi để ráo. Cuối cùng, người đầu bếp sẽ lóc xương và cắt cá thành những miếng nhỏ, ướp gia vị.
Miếng cá làm gỏi ngon nhất, đậm đà nhất khi được người Nam Ô ướp bằng chính hương vị nước mắm Nam Ô nguyên chất của quê hương mình.
Cách chế biến và thưởng thức gỏi cá cũng được chia làm 2 “phong cách”: Gỏi cá khô và gỏi cá ướt. Để làm gỏi cá khô, người đầu bếp phủ cá qua một lớp mè rang giã dập và thính bắp rồi xếp ra đĩa.
Cá trích cũng có thể được ngâm trong nước mắm pha ớt và gia vị để làm gỏi cả ướt.
Trong khi đó, món gỏi ướt bao gồm những thớ thịt cá trích ngâm trong bát nước mắm Nam Ô pha ớt xanh xắt khoanh, ớt đỏ giã nhuyễn, gừng, riềng, tỏi, ớt, mì chính, đường… Ớt dùng trong bát nước mắm có thể là ớt sừng hoặc ớt chỉ thiên tùy khẩu vị ăn cay của thực khách.
Những thành phần phụ không thể thiếu trong món gỏi cá: Rau sống, bánh tráng, nước chấm.
Một cuốn gỏi cá là sự “gói ghém” của đủ đầy sản vật của núi rừng, đồng bằng và biển cả. Để thưởng thức, thực khách gắp một miếng cá, cuốn trong bánh tráng lề cùng các loại rau sống tươi ngon như: giá đỗ, bắp chuối xắt sợi, rau diếp, xà lách, cải con, dưa leo, xoài xanh, chuối chát, đinh lăng, đọt sim…rồi chấm vào chén nước chấm đặc sánh pha từ nước ép cá, nước mắm Nam Ô và lạc rang giã dập.
Những người mới ăn gỏi cá lần đầu hoặc người chưa quen ai đồ sống sẽ có chút e ngại, tuy nhiên khi được trải nghiệm cái mặn mòi của biển cả quyện trong hương thơm của các loại rau, vị giòn của lạc rang, vị chua của xoài xanh và vị đậm đà của nước mắm Nam Ô mới hiểu được vì sao món ăn này lại trở thành đặc sản của một vùng đất lâu đời.
Một cuốn gỏi cá “gói ghém” đủ đầy hương vị.
Cụm di tích Làng chài Nam Ô được UBND thành phố Đà Nẵng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố vào tháng 11/2020 bao gồm 7 di tích là Đình Nam Ô, Lăng Ông, Dinh Âm linh, Nghĩa trủng Nam Ô, Miếu bà Liễu Hạnh, Miếu bà Bô Bô và giếng Lăng. |