Ngôi trường đặc biệt 14 năm chưa từng có giáo viên nữ
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:12, 20/11/2022
Cao Sơn là tên gọi chung của 3 bản Son, Bá, Mười thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Cao Sơn nằm trên đỉnh Phà Hé, nơi đây có khí hậu khắc nghiệt, đa số các tháng trong năm sương mù dày đặc, số ít tháng mùa hè có nắng hanh hao, còn mùa đông giá lạnh "cắt da cắt thịt".
Năm 2008, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn được thành lập, thời điểm này đường lên Cao Sơn khó khăn, để lên được nơi này chỉ có một cách duy nhất là đi bộ xuyên qua những vách núi đá vôi sừng sững.
Những năm trở lại đây, đường lên Cao Sơn đã được đầu tư, tuy nhiên với những khúc cua tay áo, dốc cao thăm thẳm, hai bên là những vách núi cheo leo khiến không ít người sởn gai ốc.
Thầy Nguyễn Thế Tài - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Cao Sơn cho biết, vì khí hậu khắc nghiệt và khó khăn về đường đến trường nên từ khi thành lập đến nay, ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ, chỉ có các thầy giáo.
Theo thầy Tài, các thầy giáo ở Cao Sơn được điều động lên đây giảng dạy đến từ nhiều huyện trong tỉnh, có người mới công tác, người gắn bó lâu năm, người ở xa, ở gần nhưng tất cả có chung tình thương yêu lũ trẻ vùng cao.
"Nhiều năm qua, các thầy giáo ở Cao Sơn dành cả thanh xuân bám lấy bản làng, miệt mài gieo chữ nơi đại ngàn heo hút. Vì là vùng núi cao xa xôi nên cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. Hiện toàn trường có 13 giáo viên, 2 nhân viên. Đặc thù vùng núi nên đa số các thầy phải ở lại trường, ở lại bản, lâu lâu mới về thăm nhà một lần", thầy Tài tâm sự.
Lên Cao Sơn công tác từ những ngày đầu thành lập trường, thầy Trần Ngọc Hải (SN 1982, quê huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã có 14 năm gắn bó ở nơi này. Thầy Hải cho biết, năm 2008, thầy cùng 17 thầy giáo khác được điều động lên đây công tác. Những năm tháng đầu ở vùng đất 3 không (không đường, không điện, không chợ), tỷ lệ nghèo đói khoảng 90%, cuộc sống người dân vô cùng vất vả, thêm vào đó là sự bất đồng về ngôn ngữ khiến việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn.
Thầy Hải nhớ những năm đầu, để "cõng chữ" lên non cao, các thầy phải băng qua cung đường mòn với vách núi cheo leo, từ trung tâm xã lên đến trường cũng phải mất 3-4 giờ đồng hồ đi bộ.
"Đường đi rất nguy hiểm, những ngày mưa gió đường trơn trượt, đất đá sạt lở khắp nơi. Trường học được dựng bằng tranh tre, ngày mưa thì dột. Tôi còn nhớ ngày ấy chưa có chợ, mỗi lần lên phải gùi theo gạo, cá khô, muối lạc làm thức ăn cả tháng. Hôm nào mưa quá không xuống được trung tâm xã thì vào bà con dân bản để xin gạo, sắn ăn qua ngày. Có thời điểm 3-4 ngày không còn thức ăn, bữa cơm chỉ có muối với rau", thầy Hải nhớ lại.
Theo thầy Hải, suốt 14 năm công tác tại trường, thầy luôn xem học sinh nơi đây như con, phụ huynh như anh em họ hàng của mình. Dù cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng với niềm yêu thương lũ trẻ, thầy Hải luôn cố gắng, thầm lặng cống hiến, ươm mầm cho tương lai của biết bao thế hệ trẻ em vùng cao này.
"Khi lên đây tôi mới thấy được những đứa trẻ thiếu thốn đủ bề. Những ngày đông lạnh đến cắt da thịt nhưng các em học sinh không có quần áo ấm để mặc, nhiều học sinh phải quấn cả chăn để đi học. Thậm chí, nhiều em đến trường với cái bụng đói meo, đến tiết học cuối thì người lả ra, những lúc như thế tôi không kìm được nước mắt", thầy Hải tâm sự.
Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều năm qua những thầy giáo ở nơi đây còn đối diện với cuộc sống bấp bênh do lương thấp. Đặc biệt là những thầy giáo mới vào nghề.
Điển hình như trường hợp của thầy giáo Hà Quang Linh (SN 1994, quê ở xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước). Thầy Linh là người trẻ tuổi nhất trong số 13 thầy giáo ở trường. Năm 2020, sau khi tốt nghiệp khoa Sư phạm Tiểu học - Trường Đại học Hồng Đức, thầy Linh về trường công tác với hy vọng đóng góp sức mình cho sự nghiệp giáo dục ở quê hương.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn là nơi đầu tiên mà thầy Linh công tác. Hiện mức lương của thầy Linh được 3,8-4 triệu đồng/tháng. Mặc dù quãng đường từ nhà đến trường chỉ vài chục cây số nhưng mỗi tuần thầy Linh chỉ về nhà một lần để tiết kiệm chi tiêu.
"Với mức lương như hiện tại thì nuôi gia đình đang là câu chuyện rất nan giải với tôi, nhất là tình hình xăng tăng giá, thực phẩm leo thang như hiện nay. Ngoài dạy học ở trường, tôi phải nuôi thêm đàn thỏ. Mỗi tuần về quê tôi tranh thủ hái ít lá su su, lá rừng về để nuôi thỏ kiếm thêm thu nhập, cố gắng tiếp tục cống hiến vì tương lai của các em học sinh Cao Sơn", thầy Linh chia sẻ.
Tương tự, thầy Cầm Hoài Nam (SN 1991) vừa được phân công công tác ở trường được hơn một năm. Thầy Nam là giáo viên dạy môn Thể dục, và cũng là giáo viên ở xa nhà nhất. Quê ở xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa - cách trường khoảng 130km, mỗi tháng thầy Nam chỉ về quê một lần. Thầy cho biết, từ khi công tác tại Cao Sơn, thời gian ở trường và bà con dân bản nhiều hơn ở nhà.
"Do nhà ở xa nên tôi ít khi về, những ngày không lên lớp tôi thường xuống bản để giúp bà con. Có lúc thì giúp họ làm đồng, sửa nhà, hễ ai có gì cần giúp thì tôi đều đến. Đây cũng là cơ hội để những người thầy như chúng tôi gần gũi hơn với phụ huynh học sinh", thầy Nam nói.
Vì đường đi khó khăn nên các thầy giáo ở trường đều ăn bán trú, để khắc phục những khó khăn, thiếu thốn, hàng ngày họ tranh thủ tăng gia sản xuất bằng việc trồng thêm rau, nuôi gà cải thiện bữa ăn. Thi thoảng, người dân trong vùng thương các thầy vất vả cho ít hoa chuối, măng rừng làm quà.
Không có bàn tay phụ nữ, nhưng mọi công việc từ nấu ăn, rửa bát, đi chợ..., những người thầy tỏ ra rất thuần thục. Sau mỗi giờ dạy học, họ cùng nhau vào bếp để sửa soạn bữa cơm.
Các thầy giáo cho biết, mặc dù khó khăn và thiếu thốn nhưng các em học sinh ở Cao Sơn rất chăm chỉ và ngoan ngoãn. Vài năm trở lại đây, phụ huynh học sinh đã dần ý thức được vai trò của việc học, họ quan tâm đến việc học của con nhiều hơn, các thầy giáo không phải đến nhà vận động các em đến lớp như trước kia nữa.
Đây cũng chính là niềm hy vọng của 13 người thầy trên đỉnh Phà Hé. Với họ, được thấy các em học sinh đến trường là niềm vui và hạnh phúc nhất trong nghề.