Điểm tin kinh doanh 21/11: Bất ngờ giảm mạnh cuối tuần, giá vàng liệu đã hết đà tăng?
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 21/11/2022
- Bất ngờ giảm mạnh cuối tuần, giá vàng liệu đã hết đà tăng?
Trong tuần trước, giá vàng thế giới giảm khá mạnh trong những phiên cuối tuần, song giá vàng trong nước lại ít biến động. Đối với thương hiệu vàng SJC, mỗi phiên giao dịch biến động với biên độ nhỏ 100 – 200 nghìn đồng mỗi lượng, nhưng bù qua sớt lại thì tính đến hết tuần vẫn giữ nguyên mức giá mua vào – bán ra quanh 66,60 – 67,70 triệu đồng/lượng, tương đương cuối tuần trước.
Trong khi đó, trên thế giới, kim loại quý sau khi nỗ lực giữ mức giá trên 1.770 USD/ounce vào đầu tuần trước thì đã quay đầu giảm trong phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu. Theo đó, giá vàng đã giảm 13 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày thứ Năm và giảm 9,5 USD/ounce trong phiên ngày thứ Sáu, chốt tuần trên 1.751 USD/ounce.
Tính chung tuần cả tuần, giá vàng giảm khoảng 0,9% - trái với dự đoán của giới chuyên gia và nhà đầu tư trước đó.
Nhiều chuyên gia dự đoán xu thế giảm giá của kim loại quý có thể kéo dài sang tuần này khi thị trường có vẻ đang bị ám ảnh quá mức bởi các kỳ vọng lãi suất Fed.
- Tỷ giá USD phục hồi nhẹ
Giá USD hôm 20/11 phục hồi nhẹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đạt mốc 106,69.
7h30 ngày 20/11 (giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động của USD với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 106,9 điểm, tăng 0,26 điểm phần trăm 24 giờ qua.
Hiện 1 euro đổi 1,032 USD; 1 bảng Anh đổi 1,188 USD; 1 USD đổi 140,35 yên; 1 USD đổi 1,338 đô la Canada; 1 đô la Úc đổi 0,667 USD; 1 USD đổi 0,955 France Thụy Sĩ.
Trong khi đó, cả đồng Euro và bảng Anh đều đạt mức cao nhất trong nhiều tháng so với đồng USD vào đầu tuần này sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy lạm phát Mỹ đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, chiến lược gia Josh Mahony của công ty môi giới đầu tư IG cho rằng còn quá sớm để có thể lạc quan về tình hình lạm phát Mỹ.
Tại thị trường trong nước, sáng 20/11, tỷ giá USD/VND tại Ngân hàng Vietcombank được niêm yết ở mức 24.578 - 24.858 đồng/USD (mua - bán). Ngân hàng Vietinbank niêm yết ở mức 24.590 - 24.859 đồng/USD (mua - bán), tại BIDV là 24.618 - 24.858 đồng/USD (mua - bán).
Cũng trong sáng nay, tỷ giá đồng euro tại Vietcombank là 25.085 - 26.487 đồng/EUR (mua - bán), Vietinbank niêm yết 24.765 - 26.055 đồng/EUR (mua - bán), BIDV niêm yết mức giá 25.188 - 26.299 đồng/EUR (mua - bán).
- Những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,94 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1 thị trường xuất khẩu có kim ngạch đạt hơn 90 tỷ USD.
Xét theo loại hình doanh nghiệp, trong 10 tháng đầu năm 2022, khu vực kinh tế trong nước 80,36 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 232,46 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%.
Về thị trường xuất khẩu, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, trong 10 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 93 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với trị giá 16,84 tỷ USD, chiếm 18,03% kim ngạch và hàng dệt, may với trị giá 14,89 tỷ USD, chiếm 15,94% kim ngạch.
Ngoài ra, 2 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ khác có trị giá trên 10 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và điện thoại các loại và linh kiện.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam là Trung Quốc với kim ngạch 47,11 tỷ USD, chiếm 15,05% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ở châu Á. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với trị giá gần 13 tỷ USD.
Một số mặt hàng khác có trị giá xuất khẩu cao là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, xơ, sợi dệt các loại.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch hơn 20,6 tỷ USD. Với thị trường này, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là các sản phẩm công nghệ như máy tính, điện thoại, linh kiện và các loại máy móc, thiết bị. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện có trị giá cao nhất với 4,57 tỷ USD. Ngoài ra, mặt hàng máy tính, sản phẩm điện từ, linh kiện và dệt, may cũng được xuất khẩu nhiều sang xứ sở kim chi với trị giá lần lượt là 2,78 và 2,86 tỷ USD.
Xếp thứ 4 là Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu gần 20 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2022. Với thị trường này, mặt hàng dệt, may được xuất khẩu nhiều nhất với trị giá 378 triệu USD trong tháng 10 và 3,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2022.
Hong Kong (Trung Quốc) xếp thứ 5 trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm với kim ngạch hơn 9,3 tỷ USD. Trong đó, 2 mặt hàng có trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá 5,03 tỷ USD và điện thoại các loại và linh kiện với trị giá 1,8 tỷ USD.
Ngoài ra, một số quốc gia khác nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam gồm có Hà Lan, Đức, Ấn Độ, Thái Lan và Canada.