4 bí quyết 'bảo vệ' giọng nói cho giáo viên

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 11:21, 20/11/2022

Nghề giáo là nghề nói nhiều và thường hay gặp vấn đề về dây thanh do phải gắng sức trong thời gian dài, chậm trễ điều trị có thể mất tiếng.

Chị Nguyễn Thị Nhu (Hà Đông, Hà Nội) làm giáo viên mầm non hơn 20 năm. Đến thời điểm hiện chị chỉ nói chuyện trong vài phút là khàn giọng và hụt hơi khó nói. Chị Nhu đã đi kiểm tra nhiều nơi nhưng chỉ được kê thuốc về điều trị. Bác sĩ cho rằng chị bị hạt xơ dây thanh quản.

Cũng giống chị Nhu, bà Đào Thị Hiếu (Đông Hưng, Thái Bình) được con đưa lên BV Đại học Y Hà Nội khám vì giọng khàn không nói được. Theo con gái bà Hiếu, mẹ của chị bị khàn giọng từ nhiều năm nhưng vì công việc, dây thanh vẫn làm việc quá tải nên khó điều trị dứt.

Lúc đầu thi thoảng khàn tiếng nhưng dần dần thì giọng khàn đặc vô cùng khó nghe. Trước đó, bà Hiếu có đi khám, bác sĩ đều cho thuốc điều trị không đỡ.

Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, Hà Nội, bà cũng thường xuyên gặp các trường hợp bệnh nhân là giáo viên tới khám vì vấn đề dây thanh quản trong đó hay gặp nhất là hạt xơ dây thanh.

Đây là bệnh thường gặp ở người nói gắng sức nhiều như giáo viên, ca sĩ, người bán hàng, người làm tư vấn, sale… hai dây thanh khi phát âm sẽ đập vào nhau nên khi bạn nói dài, nói to, nói trong môi trường mất trật tự thì dây thanh bị ảnh hưởng trầm trọng. Hạt xơ khiến 2 dây thanh không khít, tiếng nói phát ra kèm nhiều hơi, khản đặc,…

PGS An khám cho bệnh nhân.

PGS An cho biết để phòng bệnh giáo viên cần lưu ý các điểm sau:

Thứ nhất, giáo viên cần được hỗ trợ máy trợ giảng. Trong điều kiện môi trường ở Việt Nam sĩ số lớp học quá đông, giáo viên phải giảng 4,5 tiết /ngày thì các cô giáo cần được hỗ trợ mic trợ giảng để phóng đại âm thanh.

Thứ hai, bản thân người làm giáo viên cũng tranh thủ nghỉ giọng. Ví dụ khi giao nhiệm vụ cho học sinh làm bài tập cần để cho thanh quản nghỉ ngơi. Xây dựng các bài giảng có tính mở để người giáo viên ít phải nói hơn.

Thứ ba, khi nói nhiều niêm mạc của cổ họng khô, niêm mạc dây thanh khô vì vậy khi giảng bài cho học sinh thầy cô giáo cần chuẩn bị cốc nước ấm hoặc cốc giữ nhiệt để giữ ấm nước. Thi thoảng, giáo viên nên nhấp ngụm nước nhỏ để làm ấm cổ họng, tránh khô họng.

Thứ tư, khi khàn giọng cần cố gắng nghỉ giọng. Việc nghỉ giọng với giáo viên là vấn đề khó khăn nhưng nó có vai trò tốt hơn cả dùng thuốc. PGS An cho biết nếu khàn giọng mà vẫn không nghỉ giọng thì tình trạng ngày càng nặng hơn, dây thanh càng phù nề hơn.

PGS An cũng khuyến cáo, giáo viên khi bị khàn giọng không nên tự ý mua thuốc điều trị. Nhiều người mua kháng sinh sử dụng nhưng thực chất kháng sinh không có tác dụng trong điều trị dây thanh.

Khi bị khàn tiếng, giáo viên chủ động tìm tới các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn dùng thuốc đúng. PGS An cho biết các thuốc được khuyến cáo sử dụng là thuốc chống phù nề, xịt họng tại chỗ, thuốc chống phù nề tại chỗ.

Thuốc này cần được bác sĩ kê đơn đúng chuyên khoa. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm thuốc tăng trương lực cơ để dây thanh nhanh ổn định hơn.

Việc phẫu thuật hạt xơ, PGS An cho rằng chỉ định cho bệnh nhân điều trị nội khoa nhiều năm không đỡ. Phẫu thuật dây thanh quản không khó nhưng dây thanh quản lại nhạy cảm nên bác sĩ ưu tiên điều trị nội khoa là hàng đầu.

Vì vậy, khi bị khàn tiếng bạn cần điều trị ngay để đạt hiệu quả tốt, hạn chế để lâu, khó điều trị có thể phải chỉ định phẫu thuật.

Khánh Chi