Hé lộ 'thâm cung bí sử' của các đệ nhất phu nhân Mỹ (Phần cuối)

Tin thế giới - Ngày đăng : 09:00, 20/11/2022

Cống hiến hết mình cho đất nước hay một cuộc sống không ồn ào là sự lựa chọn riêng của mỗi đệ nhất phu nhân Mỹ. Dù lựa chọn như thế nào, mỗi người đều có những nét nổi bật riêng.

Barbara Bush

Barbara Bush là đệ nhất phu nhân Mỹ từ 1989 đến 1993

Khi chồng bà được bầu làm tổng thống, sự nghiệp chính trị của ông đã kéo dài gần một phần tư thế kỷ. Trước khi trở thành đệ nhất phu nhân, Barbara Bush là vợ của một nghị sĩ, vợ của một nhà ngoại giao và đệ nhị phu nhân của Mỹ (vợ của phó tổng thống).

Sau nhiệm kỳ của chồng, trở lại cuộc sống của một công dân Mỹ bình thường không hề dễ dàng: sau khi trao Nhà Trắng cho gia đình Clintons vào tháng 1/1993, vợ chồng ông Bush trở về quê hương Texas, nơi Barbara nhận ra rằng bà đã hoàn toàn quên mất các hoạt động trong cuộc sống của một người bình thường.

Barbara Bush tự nấu ăn và lái ô tô. Chồng bà thậm chí còn nói đùa khi cảnh báo người dân địa phương tránh xa nếu họ đột nhiên thấy ô tô của Barbara Bush.

Barbara Bush ra mắt cuốn sách về cuộc đời của bà tại Nhà Trắng, ngày 10/11/2003. Barbara dần dần quay trở lại cuộc sống sau khi rời chức vụ đệ nhất phu nhân. Nhưng không lâu sau, con trai bà, George W. Bush, bắt đầu bước vào chính trị, và khi ông trở thành tổng thống, người mẹ già của ông phải xuất hiện trên các kênh truyền hình quốc gia để bảo vệ con trai khỏi nhiều cuộc tấn công truyền thông.

Bất chấp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, Barbara Bush vẫn tiếp tục tham gia định kỳ vào các sự kiện nghi lễ và bảo trợ cho các quỹ từ thiện cho đến khi sức khỏe của bà trở nên trầm trọng. Barbara qua đời ở tuổi 92.

Nancy Reagan

Nancy Reagan là đệ nhất phu nhân Mỹ từ 1981 đến 1989

Đối với “công chúa” người California và là một trong những đệ nhất phu nhân “đắt giá” nhất nước Mỹ, việc sống bên ngoài bức tường Nhà Trắng lại khó khăn hơn nhiều so với thân phận phu nhân tổng thống.

Cuộc đời của Reagans đã được báo chí đưa tin trong hơn 20 năm, nhưng ngay cả sau nhiệm kỳ tổng thống của ông Ronald, gia đình ông vẫn tiếp tục trở thành chủ để được giới truyền thông săn đón.

Điều này cũng là do cựu đệ nhất phu nhân vẫn tiếp tục bảo trợ cho các quỹ mang tên mình và bà vẫn tích cực chiến đấu chống lại sự lây lan của ma túy, cũng như xuất bản hồi ký.

Vợ chồng cựu tổng thống tại Lễ trao giải Spirit of America, ngày 13/12/1990.

Khi ông Ronald Reagan bị bệnh Alzheimer, cựu đệ nhất phu nhân Nancy đã chuyên tâm chăm sóc chồng cũng như thu hút sự chú ý của dư luận về căn bệnh này. Sau khi chồng qua đời, bà đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu tế bào gốc.

Cho đến cuối đời, Nancy vẫn là người đại diện tích cực cho người chồng quá cố: bà đi du lịch khắp nước Mỹ, mở các trung tâm nghiên cứu và thư viện, đồng thời phát biểu tại các sự kiện chính thức. Năm 2016, ở tuổi 94, bà qua đời và được chôn cất bên cạnh ông Ronald.

Rosalynn Carter

Rosalynn Carter là đệ nhất phu nhân Mỹ từ 1977 đến 1981

Rosalynn Carter luôn đắm chìm trong các hoạt động chính trị của chồng (bà thậm chí còn có một văn phòng riêng) đến nỗi thất bại của ông trong cuộc bầu cử năm 1981 là một đòn giáng thực sự đối với bà.

Có lẽ không có đệ nhất phu nhân nào trong lịch sử Mỹ thẳng thắn không muốn rời Nhà Trắng như vậy. Sau khi chuyển đến quê hương Georgia, Rosalynn và chồng tiếp tục tích cực tham gia vào chính trị: họ mở các trung tâm nghiên cứu và điều trị bệnh tâm thần, đi công tác ngoại giao đến Trung Đông và xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông.

Bản thân Rosalynn thường hợp tác với các cựu đệ nhất phu nhân để thúc đẩy các sáng kiến ​​về quyền của phụ nữ và trẻ em. Và vào năm 2007, bà thậm chí đã cố gắng đưa ra Quốc hội một dự luật về bảo hiểm cho những người mắc bệnh tâm thần.

Cuộc gặp gỡ của các cựu đệ nhất phu nhân và người thân theo sáng kiến ​​của Rosalynn Carter vào năm 1984. Từ trái sang phải: Eleanor Roosevelt Seagraves (cháu gái của Eleanor Roosevelt), Rosalynn Carter, Betty Ford, Lucy Baines Johnson và Linda Bird Johnson Rob (con gái của cựu Tổng thống Johnson), Susan Ford (con gái của cựu Tổng thống Ford).

Rosalynn Carter vẫn hoạt động chính trị khi bước sang tuổi 92 vào năm 2019. Khi đó, bà đã ủng hộ sáng kiến ​​bãi bỏ án tử hình ở California, và trong các cuộc bầu cử trước đó, bà đã tích cực vận động để Bernie Sanders giành chiến thắng trước Hillary Clinton.

Jacqueline Kenedy

Jacqueline Kenedy là đệ nhất phu nhân Mỹ từ 1961 đến 1963

Cuộc đời của người được cả nước yêu thích Jackie Kennedy trong Nhà Trắng đã kết thúc một cách bi thảm: chồng bà bị ám sát công khai đã làm bà cảm thấy ghê sợ dinh thự tổng thống. Nên sau khi rời Nhà Trắng, Jacqueline đã dặn tài xế không được chở bà trên những tuyến đường bà từng đi qua.

Trong gần 1 năm, cựu đệ nhất phu nhân đau khổ để tang, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trước công chúng để một lần nữa tưởng nhớ chồng mình. Nhưng dần dần, trách nhiệm của bà đối với đất nước đã vượt qua nỗi đau thương tiếc chồng: vào đỉnh điểm của Chiến tranh Việt Nam, Jackie thậm chí còn thực hiện một phái bộ ngoại giao tới Campuchia.

Jacqueline Kennedy cùng các con và Hoàng thân Philip tại lễ tưởng niệm John F. Kennedy ở London, tháng 5/1965.

Sau đó, để tìm kiếm một cuộc sống an toàn và ẩn dật, bà kết hôn với một ông trùm người Hy Lạp và là bạn thân của gia đình quý tộc Monegasque, Aristotle Onassis, tuy nhiên, người này cũng qua đời khá sớm.

Ở tuổi 46, người đẹp Jacqueline góa chồng lần thứ hai. Tất nhiên, hai cuộc hôn nhân nổi tiếng như vậy đã mang lại cho bà sự nổi tiếng chưa từng có và được truyền thông, báo chí săn đón.

Eleanor Roosevelt

Eleanor Roosevelt là đệ nhất phu nhân Mỹ từ 1933 đến 1945

Năng động và táo bạo trong các quyết định, có lẽ, chính người phụ nữ này đã có công nâng thể chế Đệ nhất phu nhân lên một tầm cao mới, là người kiến tạo một hình mẫu mới cho vai trò đệ nhất phu nhân.

Nhờ bà mà về sau các đệ nhất phu nhân Mỹ được quan tâm hơn, nhất là về cách mà họ chứng tỏ bản thân trước công chúng. Bà hoạt động tích cực trong nỗ lực hình thành nhiều định chế, đáng kể nhất là Liên Hợp Quốc, Hiệp hội Liên Hợp Quốc và Nhà Tự Do. Bà trực tiếp tham gia soạn thảo Bản Tuyên ngôn Nhân quyền, đồng thời thúc đẩy các ý tưởng về nữ quyền. Eleanor cũng là chủ tịch của Ủy ban Tổng thống về Địa vị Phụ nữ.

Nói một cách dễ hiểu, đệ nhất phu nhân Mỹ này có mối quan hệ trực tiếp nhất với hầu hết các sự kiện quan trọng trong lịch sử sau chiến tranh của nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Truman thường gọi bà là “Đệ nhất phu nhân thế giới”.

Eleanor Roosevelt, giống như Jackie Kennedy, rời Nhà Trắng khi là một góa phụ: chồng bà qua đời vào ngày 12/4/1945, chỉ một tháng trước khi Thế chiến II kết thúc. Eleanor trong suốt cuộc đời của Franklin không bao giờ ngồi yên, bà cũng tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị.

Eleanor Roosevelt nhận Giải Thành tựu, cuối năm 1945.

Hạ Thảo (lược dịch)