Một tuần biến động hiếm có, danh sách tỷ phú Việt xáo trộn

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 09:00, 20/11/2022

Bảng xếp hạng tỷ phú Việt biến động mạnh trong tuần qua, với 2 doanh nhân rớt khỏi danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. Ông Bùi Thành Nhơn rơi sâu, trong khi đó chủ tịch Trần Đình Long bứt phá trở lại.

Một tuần rớt 2 tỷ phú USD

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một tuần giao dịch biến động mạnh hiếm có, với chỉ số VN-Index liên tục lao dốc vào đầu tuần. Mỗi phiên có tới hàng trăm mã giảm sàn. VN-Index rơi từ trên 954 điểm cuối tuần trước xuống 873 điểm vào khoảng 10h sáng 16/11, thấp hơn rất nhiều so với đỉnh cao hơn 1.520 điểm ghi nhận hồi đầu tháng 4.

Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục chuỗi ngày giảm sàn, khiến nhiều tỷ phú bất động sản cũng như vật liệu xây dựng… mất chục nghìn tỷ đồng cho tới vài tỷ USD.

Hôm 14/11, khi VN-Index xuống ngưỡng 940 điểm cũng là lúc Forbes thôi tính tài sản của hai tỷ phú Việt: ông Bùi Thành Nhơn (cựu Chủ tịch Novaland) và ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - HPG).

Ông Bùi Thành Nhơn ra khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes. (Nguồn: Forbes)

Sáng 14/11, Forbes chính thức không còn cập nhật trực tiếp biến động tài sản của ông Bùi Thành Nhơn, sau khi khối tài sản của ông Nhơn giảm xuống còn 946 triệu USD vào chiều 11/11.

Cũng trong sáng 14/11, Forbes không cập nhật biến động tài sản của ông Trần Đình Long. Trong phiên giao dịch hôm 10/11, ông Trần Đình Long có khối tài sản trị giá 985,9 triệu USD.

Trong các phiên 14-15 và sáng 16/11, tài sản của các tỷ phú USD khác cũng giảm rất nhiều so với bảng xếp hạng năm 2022 (công bố hồi tháng 3) của Forbes.

So với hồi tháng 3, tỷ phú Phạm Nhật Vượng mất 2-2,4 tỷ USD, xuống thấp nhất là 3,8 tỷ USD; CEO VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo mất 1,1 tỷ USD, xuống còn 2 tỷ USD; Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh mất 900 triệu USD, xuống 1,4 tỷ USD; Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang ghi nhận tài sản giảm 700 triệu USD, còn 1,2 tỷ USD.

Ông Trần Đình Long rớt khỏi bảng xếp hạng Forbes đầu tuần nhưng lấy lại danh hiệu tỷ phú USD vào cuối tuần. (Ảnh: Hoàng Hà)

Nhóm cổ phiếu bất động sản giảm sâu theo những khó khăn về thanh khoản của doanh nghiệp ngành này. Những mã giảm mạnh như Phát Đạt (PDR), DIC Corp., Đầu tư LDG, Sudico...

Tài sản của Chủ tịch Phát Đạt - Nguyễn Văn Đạt cũng bốc hơi gần tỷ USD trong vòng một năm qua.

Bứt phá vào cuối tuần

Sau khi rớt xuống 873 điểm, sáng 16/11, áp lực bán tháo suy giảm, trong khi sức cầu bắt đáy tăng khá mạnh đã giúp nhiều cổ phiếu tăng nhanh trở lại.

Trong phiên cuối tuần 18/11, HPG ghi nhận kỷ lục 100 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Nhiều thời gian trong phiên HPG tăng hết biên độ cho phép và đánh dấu ba phiên tăng trần liên tiếp.

Với cú hồi phục mạnh mẽ, Chủ tịch Trần Đình Long trở lại danh sách tỷ phú của Forbes với tài sản tới cuối 18/11 là 1,2 tỷ USD.

Cú bứt phá trở lại của HPG có đóng góp rất lớn từ khối ngoại. Cầu bắt đáy của các nhà đầu tư nước ngoài trong tuần là yếu tố nâng đỡ thị trường chứng khoán không giảm sâu thêm. Riêng trong phiên 18/11, khối ngoại mua hơn 38,8 triệu cổ phiếu HPG, qua đó giúp cổ phiếu này có được phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp. Giá than cốc có xu hướng giảm cũng là yếu tố tích cực đối với HPG.

Thế giới bớt căng thẳng. Giá than cốc hạ nhiệt đôi chút là tin tốt đối với Hòa Phát. (Biểu đồ: M. Hà)

Trước đó, trong tháng 10, khối ngoại bán ròng 1.700 tỷ đồng cổ phiếu HPG.

Gần đây, dòng vốn từ khu vực đổ mạnh vào cổ phiếu Việt khi thị trường chứng khoán giảm mạnh thuộc top đầu thế giới, qua đó đưa định giá về mức rất hấp dẫn. Nhiều mã cổ phiếu có định giá thấp hơn cả hồi đại dịch Covid.

Tài sản của nhiều tỷ phú Việt tăng trở lại trong 3 phiên cuối tuần nhưng còn thấp hơn nhiều so với hồi tháng 3. (Biểu đồ: M. Hà)

Cổ phiếu Vingroup (VHM) và Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hồi phục phần lớn trong các phiên trong tuần và là trụ nâng đỡ thị trường. Cổ phiếu Vingroup hôm 18/11 tăng phiên thứ 6 liên tiếp, giúp tài sản của tỷ phú Vượng tăng thêm 1 tỷ USD so với đầu tuần, lên 4,8 tỷ USD.

Theo Bloomberg, hãng xe điện VinFast của Tập đoàn Vingroup có thể sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ sớm nhất vào tháng 1/2023 và huy động tối thiểu 1 tỷ USD.