Lịch sử World Cup 2018: VAR lần đầu xuất hiện

Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 22:00, 19/11/2022

World Cup 2018 là lần đầu tiên trong lịch sử, LĐBĐ thế giới (FIFA) đưa công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) vào giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.

World Cup 2018 diễn ra ở 12 sân vận động thuộc 11 thành phố ở Nga từ ngày 14/6 đến 15/7/2018. Giải đấu quy tụ 32 đội tuyển đến từ 5 châu lục. Tổng cộng có 64 trận đấu tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lần thứ 21 với 169 bàn thắng được ghi (bình quân 2,64 bàn/trận).

Tuy không được đánh giá cao trước khi giải đấu diễn ra nhưng Croatia đã gây bất ngờ khi lọt vào tới trận chung kết. Đáng tiếc là Luka Modric và các đồng đội phải nhận thất bại 2-4 trước Pháp ở trận tranh cúp vàng vô địch.

Russia 2018 là kỳ World Cup đầu tiên mà FIFA đưa VAR (Video Assistant Referee) - công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video vào tất cả các trận đấu của giải. Quyết định này được đưa ra trong buổi họp của Hội đồng FIFA vào ngày 16/3/2018.

VAR giúp các trọng tài có clip để tham khảo nhằm đưa ra quyết định chính xác nhất trong những tình huống dẫn tới bàn thắng, phạt đền, có nguy cơ nhận thẻ đỏ trực tiếp của các cầu thủ, nhầm lẫn cầu thủ trong việc rút thẻ đỏ hoặc thẻ vàng hoặc trong các tình huống khác.

Tổ trọng tài công nghệ trong phòng VAR sẽ nhận tín hiệu được truyền trực tiếp từ sân vận động bao gồm toàn cảnh trận đấu đang diễn ra cũng như các pha quay chậm. Tổ trọng tài VAR sẽ thông báo cho trọng tài chính mỗi khi phát hiện lỗi bị bỏ qua hoặc trọng tài chính sẽ tìm sự góp ý của họ mỗi khi cần, họ sẽ thực hiện động tác chỉ tay lên tai.

var-world-cup-2018-1-9246.jpg
Phản ứng của các cầu thủ Australia khi trọng tài Andres Cunha cho Pháp được hưởng phạt đền.

Tổng cộng 335 tình huống đã được VAR kiểm tra ở vòng bảng World Cup 2018 (bình quân 7 tình huống/trận). Nhờ đó, các trọng tài đã có 14 quyết định được thay đổi hoặc rút lại sau khi tham khảo VAR. Theo FIFA, VAR giúp các trọng tài đưa ra quyết định chính xác lên tới 99,3%, cao hơn so với con số 95% khi không có VAR.

Quyết định đầu tiên nhờ VAR tại World Cup 2018 là màn so tài giữa Pháp với Australia ở bảng C diễn ra vào ngày 16/6. Khi đó, trọng tài chính Andres Cunha đã cho “Les Bleus” hưởng penalty sau khi tham khảo VAR.

Trong trận chung kết World Cup 2018, trọng tài Nestor Pitana đã sử dụng VAR để xem xét tình huống lỗi chạm tay trong vòng cấm Croatia và thổi phạt đền cho Pháp. Sau đó, tiền đạo Antoine Griezmann thực hiện thành công vào phút 38 để nâng tỷ số lên 2-1 cho các học trò HLV Didier Deschamps.

oki.jpg
Trọng tài Nestor Pitana cho Pháp được hưởng phạt đền ở trận chung kết.

Với sự xuất hiện của VAR, các cầu thủ cũng bớt thi đấu tiểu xảo hơn so với trước đây. Nhờ đó, Russia 2018 trở thành kỳ World Cup ít tiêu cực nhất từ năm 1978 khi chỉ có 4 cầu thủ bị truất quyền thi đấu sau 64 trận.

Bên cạnh đó, số quả phạt đền tại World Cup 2018 cũng tăng đột biến nhờ VAR. Cụ thể, có tổng cộng 29 lần các trọng tài thổi penalty ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lần thứ 21 và có 22 lần các cầu thủ chuyển hoá thành bàn. Trong 20 kỳ World Cup trước đó, kỷ lục phạt đền thuộc về France 1998 với 17 quả penalty.

Khi FIFA quyết định áp dụng VAR vào các trận đấu ở World Cup 2018, cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá thế giới đã nhận được sự ủng hộ của phân đông các HLV, cầu thủ, chuyên gia và người hâm mộ khắp hành tinh. Nguyên nhân do nó giúp hạn chế tối đa việc các trọng tài đưa ra những quyết định gây tranh cãi.

Song song với đó, cũng có những ý kiến chỉ trích VAR vì nó có thể “giết chết” cảm xúc của các cầu thủ trong những pha ăn mừng hụt hoặc các tình huống nín thở chờ trọng tài tham khảo VAR.

Đồng thời, cũng có những ý kiến cho rằng, việc áp dụng VAR sẽ khiến các trọng tài ỷ lại và thiếu dứt khoát khi đưa ra quyết định trực tiếp, bởi họ sẵn sàng tham khảo video quay chậm khi cần thiết. Điều đó cũng khiến các cầu thủ và CĐV mất thêm thời gian chờ đợi trận đấu tiếp diễn.

World Cup 2018:

Nơi tổ chức: Nga

Vô địch: Pháp

Á quân: Croatia

Hạng ba: Bỉ

Hạng tư: Anh

Vua phá lưới: Harry Kane (Anh, 6 bàn)

Cầu thủ xuất sắc nhất: Luka Modric (Croatia)

Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: Kylian Mbappe (Pháp)

Thủ môn xuất sắc nhất: Thibaut Courtois (Bỉ)

Đội tuyển giành giải Fair play: Tây Ban Nha