Tin công nghệ 20/11: Sản lượng iPhone 14 Plus gần về 0
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 20/11/2022
- Sản lượng iPhone 14 Plus gần về 0
Nhu cầu mua iPhone 14 màn hình lớn quá thấp, buộc Apple phải tạm ngưng sản xuất dòng sản phẩm này.
Dữ liệu mới nhất của nhà phân tích Ross Young đã chỉ ra mặc dù doanh số iPhone 14 đã vượt xa iPhone 13 vào năm ngoái, dòng Plus 6,7 inch vẫn tụt lại, không có dấu hiệu khởi sắc. Thậm chí, theo chuyên gia, lượng smartphone màn hình lớn của Apple sẽ “về mức 0 vào tháng 12”.
Cụ thể, nhà phân tích của Display Supply Chain Consultants (DSCC) cho biết lượng màn hình được Apple nhập về cho iPhone 14 đã tăng 10% so với thế hệ iPhone 13 năm 2021 bất chấp thị trường smartphone toàn cầu sụt giảm 9%.
Trong đó, iPhone 14 Pro và 14 Pro Max là hai phiên bản luôn được người dùng săn đón, lượng máy bán ra đã vượt xa thế hệ trước. Năm nay, Pro và Pro Max chiếm 64% tổng doanh số iPhone. Trong khi đó, con số này chỉ đạt 51% cho dòng Pro/Max vào năm ngoái. Điều này đã nâng giá bán bình quân của iPhone 14, giúp Apple thu về doanh thu lớn.
“Kết hợp với giá bán cao của dòng Pro, giá bán trung bình của iPhone năm nay đã tăng 10%”, Ross Young cho biết.
Tuy nhiên, nhu cầu mua iPhone 14 Plus lại không mấy khả quan. Theo chuyên gia, lượng màn hình cho dòng Plus có thể sẽ giảm về con số 0 vào tháng 12.
- Vi xử lý Intel Core thế hệ 13 ra mắt tại Việt Nam
Các vi xử lý Intel Core thế hệ 13 mới có thể ép xung (overclock), hỗ trợ tương thích ngược trên các mainboard chipset 600, phù hợp cho các game thủ, nhà sáng tạo nội dung…
Ngày 18/11, Intel chính thức ra mắt tại Việt Nam dòng vi xử lý dành cho máy bàn Intel Core thế hệ 13 với 22 vi xử lý từ phân khúc phổ thông cho đến cao cấp.
Nhờ được xây dựng trên quy trình Intel 7 và kiến trúc x86 hybrid, các vi xử lý máy bàn này đủ sức cân cả những tác vụ đa nhiệm với hiệu năng đơn nhân tăng đến 15%, và hiệu năng đa nhân tăng đến 41%.
Một cải tiến quan trọng khác của vi xử lý Intel Core thế hệ 13 đó là khả năng ép xung. Intel cũng cập nhật tính năng ép xung dễ dàng chỉ với một nút bấm (1-click) là Intel Speed Optimizer. Intel còn mang đến nhiều lựa chọn ép xung cho người dùng khi tích hợp công nghệ Intel Extreme Memory Profile (XMP) 3.0. Khi kết hợp cùng Intel Dynamic Memory Boost, XMP 3.0 giúp người dùng ép xung bộ nhớ dễ dàng trên cả DDR4 và DDR5.
- Qualcomm công bố nền tảng âm thanh Bluetooth cao cấp nhất từ trước đến nay
Đây là nền tảng âm thanh Qualcomm S5 Gen 2 Sound Platform và Qualcomm S3 Gen 2 Sound Platform chuyên hỗ trợ cho công nghệ Snapdragon Sound được Qualcomm tối ưu hóa để hoạt động với nền tảng di động Snapdragon 8 Gen 2 mới nhất.
Ưu điểm của nền tảng này là âm thanh vòm ảo với tính năng dynamic head-tracking, cải thiện chất lượng phát nhạc lossless trực tuyến, có độ trễ 48ms giữa điện thoại và tai nghe để chơi game mà không bị gián đoạn.
Những nền tảng này hỗ trợ tính năng khử tiếng ồn chủ động Qualcomm Adaptive Active Noise Cancellation thế hệ thứ ba, giúp cải thiện trải nghiệm người nghe bằng cách thích ứng với cả tai nghe in-ear và môi trường bên ngoài của người dùng.
Công nghệ Qualcomm Adaptive này cũng gồm chế độ Adaptive Transparency với tính năng phát hiện giọng nói tự động, loại bỏ tiếng ồn và âm thanh tự nhiên bị rò rỉ khi người nghe cần nghe âm thanh của không gian xung quanh họ.
Đối với các nhà phát triển thiết bị âm thanh, công nghệ này sẽ giúp giải quyết các vấn đề thường gặp phải như tiếng ồn của gió, tiếng hú và các sự cố bất lợi.
- Twitter bên bờ vực khi 1.200 nhân viên nữa nghỉ việc
Số lượng nhân sự còn lại của Twitter có thể không đủ sức duy trì vận hành và xử lý sự cố nghiêm trọng nếu có.
New York Times đánh giá Twitter đang bên bờ vực sau khi Musk cấu trúc lại công ty. Tỷ phú sa thải 50% nhân sự, đuổi việc những người chống đối, ra mắt gói trả tiền mới và truyền đạt thông điệp khắc nghiệt đến nhân viên.
Nguồn tin của New York Times tiết lộ, ít nhất 1.200 nhân viên toàn thời gian đã nộp đơn thôi việc vào ngày 17/11. Tính đến cuối tháng 10, Twitter tuyển dụng 7.500 nhân viên toàn thời gian và giảm còn 3.700 sau cuộc sa thải quy mô lớn hồi đầu tháng. Con số có thể còn biến động. Một số người nói phải tự ngắt kết nối email, thoát khỏi hệ thống nhắn tin nội bộ Slack vì không có đại diện của phòng nhân sự.
- 25 năm Việt Nam kết nối Internet toàn cầu
Trong hơn 25 năm, đã có khoảng 70 triệu người dùng Internet tại Việt Nam, đạt độ phủ hơn 70% dân số.
Việc thử nghiệm kết nối Internet tới các đơn vị quốc tế bắt đầu từ năm 1994. Đến cuối năm 1996, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) tại hai địa điểm Hà Nội và TP.HCM tiếp tục thử nghiệm thông qua hai cổng quốc tế với tốc độ 64 Kb/s kết nối Internet Sprintlink (Mỹ).
Đến ngày 19/11/1997, cánh cổng kết nối Internet đến thế giới chính thức được mở ra, khi các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) được trao giấy phép cung cấp dịch vụ. Đây là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu thời điểm người dân Việt nam có thể truy cập Internet như bất kỳ công dân nào ở các quốc gia phát triển trên thế giới.
Thông điệp đầu tiên được từ Việt Nam ở cột mốc này là câu chào “Hello the World”, được VNPT gửi đi. Khi đó, hạ tầng Internet Việt Nam vẫn chỉ có tốc độ 64 Kb/s kết nối đi quốc tế cho khoảng 300 người sử dụng với hai hướng chủ yếu là Mỹ và Australia.
Thời điểm dịch vụ Internet bắt đầu được cung cấp, dịch vụ truy cập duy nhất là dial-up hay qua đường dây điện thoại cố định. Mỗi lần kết nối Internet, đường dây điện thoại của người sử dụng sẽ không thể nghe, gọi điện.