Hé lộ 'thâm cung bí sử' của các đệ nhất phu nhân Mỹ (Phần 1)
Tin thế giới - Ngày đăng : 15:59, 19/11/2022
Nhiều nguồn tin cho hay vào ngày cuối cùng ở dinh thự tổng thống, phu nhân của Tổng thống Barack Obama, bà Michelle, đã vui mừng thốt lên: “Chúng tôi được tự do!” Điều này có thể thấy cuộc sống của các đệ nhất phu nhân thực sự không dễ dàng. Hãy cùng xem cuộc sống hàng ngày của hậu phương các đời tổng thống Mỹ để hiểu hơn về trách nhiệm của một đệ nhất phu nhân.
Melania Trump
Melania Trump là Đệ nhất phu Mỹ nhân giai đoạn từ 2017-2021
Cựu người mẫu trở thành đệ nhất phu nhân thứ 45 sau khi chồng tỷ phú đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 2016. Melania Trump không bao giờ che giấu rằng đây hoàn toàn không phải là một sự kiện vui vẻ đối với bà.
Bốn năm tiếp theo đối với Melania Trump trở thành khoảng thời gian vô cùng khó khăn trước sự kiểm soát quốc tế và căng thẳng thường xuyên khi các tờ báo lá cải săn đón mọi lần xuất hiện trước công chúng của vợ chồng ông Trump; các nhà phê bình thời trang thường chế nhạo gu thời trang của đệ nhất phu nhân (và thậm chí đôi khi còn đả kích bà bằng những lời chỉ trích chói tai, như vào năm 2018, khi Melania Trump đến trại tạm giam trong chiếc áo khoác có dòng chữ khiêu khích: “Tôi thực sự không quan tâm. Còn bạn?”); và những công dân bình thường của Mỹ không thích bà chủ Nhà Trắng khi vào tháng 1/2021, 47% người Mỹ đã có những lời nói tiêu cực về bà.
Bà Melania làm điều gì ở Nhà Trắng trong giai đoạn làm đệ nhất phu nhân? Có lẽ nổi bật nhất là việc đại tu Nhà Trắng. Nhờ có đệ nhất phu nhân, những thay đổi đã được thực hiện đối với thiết kế phòng tắm, sàn đá cẩm thạch ở tầng một, sân chơi bowling, Vườn Hồng và nhà thi đấu quần vợt. Ngoài ra năm nào bà cũng tham gia trang trí đón Giáng sinh trong không gian Nhà Trắng.
Tuy nhiên, những ý tưởng thiết kế của đệ nhất phu nhân lại không được nhiều người hưởng ứng, thậm chí những thiết kế về giáng sinh còn được ví như những cây thông Giáng sinh đỏ như máu, gợi liên tưởng đến cuốn tiểu thuyết The Handmaid's Tale của Margaret Atwood, đến “khu rừng ma trắng”…
Rất có thể, Melania Trump, người vốn đã cảm thấy mình là “người thừa” trong Nhà Trắng, để mang lại lợi ích cho xã hội, đệ nhất phu nhân đã chuyển sang làm từ thiện. Năm 2018, bà phát động chương trình xã hội Be Best nhằm thúc đẩy lối sống lành mạnh, sử dụng mạng xã hội đúng cách và đấu tranh chống lạm dụng thuốc phiện trong giới trẻ. “Nhiệm vụ đạo đức của thế hệ chúng ta là chủ động và giúp đỡ con cái”, bà Melania Trump phát biểu tại buổi ra mắt chương trình ở Vườn Hồng.
Khi ông Trump thua Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử 2020, bà Melania thở phào nhẹ nhõm. Giờ đây, bà chính thức được phép từ bỏ nhiệm vụ Đệ nhất phu nhân - nhiệm vụ mà bà cực kỳ ghét. Bà thậm chí còn không ở lại Nhà Trắng cho đến khi có người kế vị (trong 70 năm, phu nhân của các tổng thống Mỹ đã tặng trà cho người kế vị và chuyển giao hộ khẩu Nhà Trắng cho họ, nhưng Melania đã phá vỡ truyền thống này). Thay vào đó, bà Trump chuyển đến dinh thự Mar-a-Lago của gia đình ở Florida để tận hưởng cuộc sống tránh xa máy quay và làm những gì mình thích.
Giờ ưu tiên hàng đầu của bà là cậu con trai 15 tuổi Barron, vừa bắt đầu đi học tại Học viện Oxbridge ở West Palm Beach, do doanh nhân tỷ phú Bill Koch thành lập. Bà tham gia đầy đủ vào việc giáo dục, các hoạt động ngoại khóa và sức khỏe của Barron.
Không có nhiều thông tin về mối quan hệ của Melania Trump với chồng. Thậm chí thường xuyên có những thông tin về việc ly hôn. Vào mùa hè năm 2021, Melania Trump không đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 75 của chồng, một làn sóng tin đồn mới đã nảy sinh trên các phương tiện truyền thông về mối bất hòa của cặp đôi này.
Michelle Obama
Michelle Obama là Đệ nhất phu nhân Mỹ từ 2009-2017
Trong 8 năm ở dinh tổng thống, phu nhân của ông Barack Obama đã được nhớ đến với rất nhiều điều: từ sự phát triển tuyệt vời của phong cách cho đến những sáng kiến xã hội đầy cảm hứng. Không phải ngẫu nhiên mà khi Melania Trump tham dự bất kỳ sự kiện từ thiện hay xã hội nào, báo chí cứ 10 thì sẽ có 9 đưa tin rằng: “Michelle Obama đã giới thiệu điều này”.
Đệ nhất phu nhân thứ 44 cũng ủng hộ các gia đình quân nhân và đấu tranh chống béo phì ở trẻ em, đồng thời vận động cho các phong trào LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới).
Không có gì đáng ngạc nhiên khi ngay sau khi chuyển từ Washington đến quê hương Chicago, gia đình ông Obama đã bắt đầu một hành trình dài tránh xa sự chú ý khó chịu của công chúng: đầu tiên đến một hòn đảo tư nhân ở Caribe, sau đó đến Polynesia thuộc Pháp, Indonesia và Italy.
Giống như bất kỳ vị đệ nhất phu nhân nào, bà Michelle dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội. Ví dụ, từng là một nhà hoạch định chính sách về thanh niên, bà Obama lần đầu tiên đến thăm các trường học ở Mỹ để nói chuyện với những người trẻ tuổi về ước mơ và nguyện vọng của họ.
Bà Michelle không quên những truyền thống mà đã thiết lập với tư cách là bà chủ Nhà Trắng. Ví dụ, phu nhân của tổng thống thứ 44 của Mỹ đã là khách mời danh dự tại sự kiện College Signing Day ở New York, dành riêng cho nhu cầu giáo dục đại học. Năm 2017, chính bà chứ không phải tân đệ nhất phu nhân một lần nữa đến Manhattan để thuyết phục sinh viên Mỹ vào các trường cao đẳng và đại học.
Đệ nhất phu nhân tiền nhiệm vẫn là một nhân vật rất được yêu thích, đặc biệt là trong số những người không hài lòng với sự thụ động của Melania Trump. Những buối diễn thuyết của cựu đệ nhất phu nhân luôn thu hút được rất nhiều người tham gia. Có thể thấy, kể cả sau khi không còn là đệ nhất phu nhân, Michelle Obama vẫn rất nhiệt tình với các hoạt động xã hội.
Laura Bush
Bà Laura Bush là Đệ nhất phu nhân Mỹ từ 2001-2009
Laura Bush bước vào Nhà Trắng với tư cách là người ủng hộ quyền của phụ nữ và trẻ em, và trong 8 năm, bà đã phát động vô số chương trình và quỹ phi lợi nhuận một cách có trách nhiệm để nâng cao giáo dục, cải thiện sức khỏe phụ nữ và truyền bá bình đẳng giới trên khắp thế giới và bà đã làm điều đó rất tốt: trong khi chồng là một người ủng hộ các đường lối cứng rắn, bà Laura vẫn là một sứ giả của hòa bình và tốt đẹp trong mắt công chúng. Không ngạc nhiên khi Đệ nhất phu nhân thứ 43 rời Nhà Trắng với tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục.
Trên thực tế, chính sự chấp thuận rộng rãi này của công chúng đã cho phép Laura Bush tiếp tục thực hiện thành công tất cả các sáng kiến mà bà đã đưa ra trong những năm 2000. Cùng với chồng, bà vẫn điều hành các thư viện, tổ chức giáo dục và các chiến dịch hỗ trợ các cựu chiến binh trên khắp nước Mỹ, đồng thời cũng thường xuyên trả lời phỏng vấn của các phương tiện truyền thông chính thống.
Nhưng có lẽ điều thú vị hơn nữa về cuộc sống sau Nhà Trắng của bà là bà không từ bỏ nhiệm vụ với tư cách là đệ nhất phu nhân... kể cả dưới thời chính quyền ông Barack Obama.
Laura Bush và Michelle Obama - mặc dù thuộc các đảng chính trị khác nhau nhưng rất hợp nhau. Bà Laura công khai ủng hộ vợ của ông Obama trong chiến dịch tranh cử tổng thống, và sau chiến thắng của đảng Dân chủ, bà đã đích thân đưa Michelle Obama đi tham quan Nhà Trắng. Một năm sau cuộc bầu cử, bà Laura một lần nữa công khai khen ngợi bà Michelle vì sự chăm chỉ của bà và về cách bà trang bị tiện nghi cho dinh tổng thống.
Bà Laura và Michelle đã nói chuyện rất nhiều. Vào ngày 11/9/2010, cựu đệ nhất phu nhân được mời đọc diễn văn tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố năm 2001 cùng với bà chủ của Nhà Trắng, và vào năm 2013, hai người đã cùng nhau tham dự một hội nghị thượng đỉnh ở châu Phi. Vào năm 2015, bà Michelle và Laura đã dẫn đầu chiến dịch phủ xanh thành phố Find Your Park.
Hillary Clinton
Hillary Clinton là Đệ nhất phu nhân Mỹ từ 1993-2001
Bà Hillary Clinton được cho là một trong những phụ nữ hoạt động chính trị tích cực nhất ở Mỹ. Trong thời gian là một chính trị gia hay khi với vai trò là một đệ nhất phu nhân, bà đã phát động hơn một chiến dịch công khai, trong số đó có cả chiến dịch thành công và thất bại hoàn toàn về mặt chính trị.
Tuy nhiên, những thất bại trong nhiệm kỳ không ngăn cản bà duy trì danh hiệu không chính thức là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong các giai đoạn lịch sử của Nhà Trắng.
Trong những năm chồng làm tổng thống, bà Hillary đã học được rất nhiều điều, nhất là về kinh nghiệm chiến trường. Vì vậy, trước khi nhường ngôi cho đệ nhất phu nhân Laura Bush, bà Clinton đã lo trước cho sự nghiệp tương lai của mình và đắc cử thành công vào Thượng viện từ bang New York.
Điều này đã trở thành bàn đạp tốt cho con đường chính trị trong tương lai của bà: vào năm 2008, bà Hillary Clinton tham gia cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống nhưng đã thua cuộc trước ông Obama, và sau đó ông Barack Obama đã đề nghị bà giữ chức vụ ngoại trường danh giá.
Vào năm 2016, bà Hillary Clinton đã thử sức một lần nữa trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Mặc dù được đánh giá có khả năng chiến thắng do có tỷ lệ ủng hộ cao, nhưng cuối cùng vẫn thua cuộc trước ông Donald Trump.
Hiện tại, mặc dù không tham gia vào cuộc đua giành ghế tổng thống nữa, nhưng bà Hillary Clinton vẫn tiếp tục tích cực tham gia chính trị, liên tục là đối thủ của ông Trump trong đường lối.
(Còn tiếp)
Hạ Thảo (lược dịch)