Chuyện tình xúc động cô gái miền Nam quyết ra Bắc vì chàng trai ngồi xe lăn
Gia đình - Ngày đăng : 01:00, 20/11/2022
Buổi chiều mùa thu tại quán ăn vặt trên đường Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), anh Lê Văn Thành (33 tuổi, quê Bắc Giang) ngồi trên xe lăn liên tục "chốt món" cho khách. Trong bếp, chị Vũ Ngọc Hân (29 tuổi, quê Long An) cùng hai nhân viên tất bật hoàn thành đơn hàng 60 hộp bánh tráng cuộn cỡ lớn.
Chốc lát, hai anh chị lại liếc nhìn nhau một cái, cười hạnh phúc. Họ thầm cảm ơn vì "được bận bịu" với công việc, là động lực vun đắp cho tương lai.
Chàng trai ngồi xe lăn và ước mơ "đi khắp thế gian"
Ngày chào đời, anh Thành khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Đến 5 tháng tuổi, anh trải qua một cơn sốt bại liệt khiến chân, tay mềm nhũn, không thể cử động. Cột sống cũng bị ảnh hưởng khiến anh chỉ có thể nằm một chỗ.
Sau nhiều năm chạy chữa, anh Thành có thể ngồi thẳng lưng, nhưng tay trái và chân phải liệt hoàn toàn, chân trái yếu. Dù từng được phẫu thuật hai đầu cổ chân, thêm hai lần nắn chân, nhưng anh vẫn không thể tự đi lại.
Thương con, bố mẹ bán hai tạ thóc, mua một chiếc xe cút kít để chị gái đẩy anh Thành đi chơi, ngắm nghía cuộc sống xung quanh. Đến năm 11 tuổi, anh được một tổ chức Nhật Bản tặng xe lăn - đây là chiếc xe gắn bó với anh suốt 13 năm, ngay cả khi lên Hà Nội học Đại học.
Anh Thành đến trường muộn hơn bạn bè trang lứa, sau nhiều lần bố mẹ nài xin thầy cô để con được học trong môi trường bình thường. 12 năm học, cũng là quãng thời gian bố chở và cõng anh đến lớp, cõng theo cả ước mơ và tương lai của anh.
Ở lớp, cậu học sinh Lê Văn Thành không mặc cảm về khiếm khuyết bản thân, nhưng luôn cảm thấy thiệt thòi vì không thể chơi đùa, đá bóng cùng bạn bè. Những lúc như thế, anh chỉ ngồi một chỗ và quan sát.
Sau tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Thành từng định hướng theo đuổi ngành báo chí, nhưng không đảm bảo tiêu chí về sức khỏe. Anh chuyển sang học công nghệ thông tin, thi đỗ vào Đại học Công Nghiệp Hà Nội năm 2009.
Ủng hộ quyết định học hành của con, song bà Chu Thị Phương (55 tuổi) - mẹ anh Thành vẫn lo lắng, nghĩ con chưa thể tự lập, khuyên nhủ: "Hay thôi, con cứ ở nhà. Hai mẹ con nuôi nhau, có gì ăn nấy. Con ra Hà Nội, cũng chẳng biết xoay xở thế nào".
Tuy nhiên, anh Thành kiên định đối mặt với những thử thách và gian nan, cố gắng chứng minh bản thân với mẹ và gia đình.
Năm ấy, ông Lê Văn Liêm (58 tuổi) đưa con trai ra trường nhập học. Trước đó, hai vợ chồng bàn tính thu xếp bớt công việc để ông Liêm ở hẳn ngoài Hà Nội, vừa chăm con vừa kiếm việc làm thêm.
Nhưng chỉ sau 3 ngày, anh Thành nhất quyết nói bố về lại Bắc Giang, chính thức bắt đầu cuộc sống tự lập. Thấy chồng về đến cổng nhà, bà Phương chạy ra khóc nức nở: "Sao ông 'đem con bỏ chợ', tôi không mở cửa cho ông vào".
Dù ngồi xe lăn, nhưng anh Thành vẫn tự chủ trong mọi sinh hoạt cá nhân. Khu ký túc xá hiện đại lắp đặt thang máy càng tạo thuận lợi cho chàng sinh viên đi lại.
Khó khăn lớn nhất là những lớp học ở tầng cao, khu nhà học không có thang máy, anh phải nhờ bạn cõng lên. Sau này rút kinh nghiệm, anh đăng ký học những môn có lớp học tại tầng một.
"Nếu anh bình thường, anh sẽ là người chở che em suốt cuộc đời"
Năm 2015, anh Thành tham gia một chương trình tình nguyện của thanh niên Đông Nam Á tại Philippines, dự kiến kéo dài 3 năm. Trước khi anh đi, mẹ phản đối dữ dội, "sợ mất con".
Một lần nữa, bà bị lòng quyết tâm của con trai "khuất phục", anh Thành quả quyết: "Dù ngồi xe lăn, nhưng con khát khao đi đây đi đó. Xin mẹ một lần cho con được thỏa mãn mong muốn".
Đầu năm 2017, chị Vũ Ngọc Hân cũng sang Philippines theo đuổi chương trình tình nguyện. Tại đây, chị gặp anh Thành, nhưng không mấy ấn tượng.
Một buổi chiều đi dạo để vơi nỗi nhớ nhà, chị Hân bắt gặp anh Thành tự đẩy xe lăn tập thể dục nên đã đến bắt chuyện và đẩy xe giúp. Theo vòng lăn của bánh xe, hai người nói đủ thứ chuyện trên đời.
"Biết hoàn cảnh của anh Thành, tôi rất cảm phục, thấy anh dễ thương, lạc quan, hay giúp đỡ mọi người", chị Hân nhớ lại.
Còn Hân, cô gái mồ côi bố từ nhỏ, lại không sống với mẹ, trong mắt anh Thành tuy dáng vẻ nhỏ nhắn, nhưng có cá tính và mạnh mẽ, tự tin nói trước đám đông, sẵn sàng thể hiện quan điểm để tranh luận với mọi người.
5 tháng sau, dù không có một lời chính thức hẹn hò, nhưng hai người tự hiểu là người yêu của nhau.
"Trước khi quen Hân, tôi từng có tình cảm với vài người, nhưng không thành, vì sợ làm khổ họ", anh kể. Nhưng khi biết rõ tình cảm của Hân, anh vội thổ lộ: "Nếu anh bình thường, anh sẽ là người chở che em suốt cuộc đời".
Cô gái cảm động, xem đây là lời tỏ tình, vội đáp: "Ngoài việc không đi dạo được cùng em, thì anh không khác gì người bình thường hết".
Cuối năm 2018, kết thúc chương trình tình nguyện, cả hai về Việt Nam, chấp nhận yêu xa do anh Thành sống ở Bắc Giang, còn chị Hân làm việc trong TP HCM.
Hai người hùn tiền khởi nghiệp bằng cách mở một tiệm spa trong TP HCM để chị Hân làm quản lý. Sau một thời gian, khi đang trên đà phát triển thì đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát. Họ thống nhất đóng cửa tiệm, sang nhượng cửa hàng do giá thuê mặt bằng cao. Chị Hân về quê Long An tránh dịch một thời gian.
Trong lúc yêu xa, một lần anh Thành vào TP HCM thăm người yêu. Nếm thử ẩm thực miền Nam, anh khen phong phú và đậm đà, khuyên chị ra Bắc khởi nghiệp lần hai từ công việc bếp núc.
"Tôi đã suy nghĩ rất nhiều vì đây là chuyện quan trọng. Nhưng nghĩ lại, tôi xác định khi đã yêu anh Thành, sẽ vất vả hơn, nhưng nếu vất vả mà được ở gần nhau thì cũng xứng đáng" - mặc dì ruột phản đối, "sợ cháu về già sẽ khổ", chị Hân nói rằng mình đã lớn, suy nghĩ thận trọng và muốn được bên cạnh người mình yêu.
Tháng 8/2020, chị đáp chuyến bay từ TP HCM ra Hà Nội, rồi đi xe khách về Việt Yên (Bắc Giang), ban đầu hơi "sốc" văn hóa và thời tiết.
Ở miền Nam, Ngọc Hân quen ăn các món xào, rán, mùi vị đậm đà, nhưng ở quê người yêu, thức ăn chủ yếu là rau luộc, thịt luộc. Sau này ăn quen, chị lại "ghiền" mấy món luộc, thấy tốt cho sức khỏe.
Mùa đông miền Bắc cũng là một nỗi ám ảnh với Hân, đến nỗi mỗi khi đi ngủ, chị thường mặc áo phao, đi tất, trùm kín người. Bệnh đau lưng gặp thời tiết lạnh khắc nghiệt cũng khiến cô gái đau nhói, nhiều đêm không thể ngủ.
"Gia đình anh Thành rất ấm áp, gửi tặng quần áo mùa đông. Tôi cảm thấy may mắn khi được là một phần của họ, bù đắp phần nào tình cảm gia đình mà trước giờ tôi chưa từng được cảm nhận", Hân xúc động kể.
Khi đã ổn định cuộc sống, một lần nữa, cả hai hùn tiền, cộng thêm hỗ trợ từ gia đình anh Thành, mở quán đồ ăn vặt miền Nam.
Từ một quản lý spa, làm việc trong phòng điều hòa, giờ cả ngày Hân chúi đầu vào bếp nên chưa thể thích nghi. 10 đầu ngón tay đứt chảy máu liên tục do chị không quen dùng dao.
Thời gian đầu bán hàng, chị buồn thê thảm, đêm nào cũng khóc, phần vì nhớ nhà, rồi phải làm quen với nhiều thứ mới trong cùng một lúc. Chị nói với người yêu: "Tháng 7 mưa ngâu mà mưa còn ít hơn nước mắt em".
Áp lực bủa vây khiến Hân không ít lần suy nghĩ: "Nên quay về hay ở lại?". Nếu về lại TP HCM đồng nghĩa với kết thúc chuyện tình này? Còn ở lại Bắc Giang, sẽ mãi tình cảnh vất vưởng như thế này?
Những lúc như thế, anh Thành - một người thiên về lý trí, bình tĩnh phân tích cho bạn gái nghe nguyên nhân, rồi cùng tìm giải pháp.
5 - 6 tháng sau, công việc kinh doanh ổn định, giúp chị Hân vơi bớt áp lực và cũng quen dần cuộc sống mới. Tuy nhiên, tháng 5/2021, Bắc Giang trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất cả nước, hai người đóng quán mấy tháng, lại rơi vào tình trạng chán nản.
Trong thời gian dịch bệnh, anh Thành nhờ xin được "giấy đi đường", lái xe điện đi giao hàng, cũng kiếm được khoản thu nhập đủ trang trải chi phí sinh hoạt.
Sau dịch, cặp đôi cố gắng "hồi sinh" quán ăn. Khi có lượng khách ổn định, họ giao quán lại cho mẹ và chị gái anh Thành, rồi quyết định ra Hà Nội mở thêm chi nhánh ở quận Bắc Từ Liêm hồi tháng 8/2022.
"Chúng tôi còn trẻ, khát khao một lần ra Hà Nội thử thách bản thân dù biết hơi mạo hiểm. Chúng tôi mong muốn mở rộng mạng lưới, đa dạng món ăn và tập khách hàng", anh Thành hào hứng nói.
Họ thuê một căn nhà hai tầng. Tầng một ngoài khu vực bán hàng, chị Hân cải tạo thêm một căn phòng để nghỉ ngơi. Tầng hai là không gian chính dành cho khách.
Buổi sáng, họ thức dậy từ 7h30. Chị Hân đi chợ mua nguyên liệu, anh Thành cùng nhân viên dọn dẹp cửa hàng. Hai tiếng sau, họ bắt đầu đón những vị khách đầu tiên trong ngày, phục vụ đến tận nửa đêm.
Nếu chị Hân phụ trách chính về chất lượng sản phẩm, quản lý nhân viên, thì anh Thành chịu trách nhiệm về các nội dung, quảng cáo quán ăn trên các nền tảng mạng xã hội.
Họ chưa dám đóng quán ngày nào, chỉ một lần nhờ nhân viên trông hộ, dành thời gian đi chơi riêng để "hâm nóng tình cảm". Trước đó, cả hai từng tranh thủ khám phá vùng biển đảo El Nido khi còn bên Philippines, du lịch Thái Lan, cùng cả gia đình đi chơi Hạ Long.
Đám cưới đánh dấu "thanh xuân liều lĩnh"
Sau hai năm kể từ khi ra Bắc sống và lập nghiệp cùng người yêu, Ngọc Hân trở nên tự tin hơn, chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình. Chị nhiều lần khẳng định: "Anh Thành chính là một nửa thực sự của cuộc đời".
Tuy bố mẹ anh Thành giục cưới, nhưng cả hai dự định khi hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn và mọi thứ sẵn sàng, mới dám tổ chức một đám cưới nho nhỏ đánh dấu "một thanh xuân liều lĩnh".
Sau tất cả, anh Thành đúc kết, dù là người khuyết tật, cũng khát khao yêu và được yêu. Một mối quan hệ tốt là hai bên biết lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu.
"Một người giỏi nhưng không chia sẻ với đối phương, chưa chắc là một người đồng hành tốt", anh nói.
"Cả một đời quá dài", anh cười, "Quan trọng là chúng ta mở lòng, tự tin và không ngừng cố gắng, để người yêu không phải khổ vì mình".
Còn chị Hân vẫn thường xuyên nói với anh Thành: "Em yêu anh vì anh giỏi giang và chịu khó, chứ không phải thương hại hoàn cảnh khuyết tật của anh. Nép vào anh, mọi chuyện phức tạp đều trở nên đơn giản".
Dưới ánh nắng còn sót lại của chiều hoàng hôn, hai người quay sang nhìn nhau, cùng nở nụ cười rạng rỡ. Họ chỉ còn đợi một mốc thời gian thích hợp, để chính thức là vợ chồng của nhau.
Thực hiện: Minh Nhân
19/11/2022